Bộ GD-ĐT: Chứng chỉ hành nghề sẽ có tác động tích cực đến nhà giáo

Ông Đức cho hay qua nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế và của một số ngành, Ban soạn thảo đề xuất và dự kiến chứng chỉ hành nghề cơ bản sẽ có tác động tích cực đối với nhà giáo và cơ sở giáo dục.

Ông Vũ Minh Đức thông tin về việc soạn thảo dự thảo Luật Nhà giáo. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Ông Vũ Minh Đức thông tin về việc soạn thảo dự thảo Luật Nhà giáo. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Chứng chỉ hành nghề sẽ tạo thuận lợi cho nhà giáo là khẳng định của ông Vũ Minh Đức, Cục trưởng Cục Quản lý nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo trong buổi tọa đàm với các cơ quan báo chí về dự thảo Luật Nhà giáo do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức chiều nay, 17/5.

Nhà giáo sẽ phải có chứng chỉ hành nghề

Điểm mới đáng chú ý nhất của dự thảo Luật Nhà giáo là lần đầu tiên Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về chứng chỉ hành nghề.

Theo dự thảo, các nhà giáo đã và đang giảng dạy tại các cơ sở giáo dục công lập, tư thục trước ngày Luật Nhà giáo có hiệu lực thi hành sẽ được cấp chứng chỉ hành nghề. Các nhà giáo được tuyển dụng vào các cơ sở giáo dục công lập, dân lập, tư thục đạt chuẩn nhà giáo sau ngày Luật Nhà giáo có hiệu lực thi hành sẽ phải tham dự kỳ thi sát hạch, nếu đạt yêu cầu của kỳ sát hạch chứng chỉ hành nghề đối với nhà giáo mới được cấp chứng chỉ hành nghề.

Các bộ, cơ quan ngang bộ cấp chứng chỉ hành nghề đối với giảng viên các cơ sở giáo dục đại học, trường cao đẳng, trường cao đẳng sư phạm; giáo viên dự bị đại học thuộc thẩm quyền quản lý.

Sở giáo dục và đào tạo cấp chứng chỉ hành nghề đối với giáo viên của các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên, giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên (đối với giáo viên dạy chương trình giáo dục thường xuyên) và giảng viên các trường cao đẳng sư phạm và các cơ sở giáo dục đại học thuộc thẩm quyền quản lý của ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

Sở lao động - thương binh và xã hội cấp chứng chỉ hành nghề đối với giáo viên trung tâm giáo dục nghề nghiệp, trường trung cấp, cơ sở giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên (đối với giáo viên dạy chương trình giáo dục nghề nghiệp) và giảng viên các trường cao đẳng thuộc thẩm quyền quản lý của ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

Cơ quan có thẩm quyền cấp thì có thẩm quyền cấp lại, thu hồi chứng chỉ hành nghề đối với nhà giáo.

Theo ông Vũ Minh Đức, chứng chỉ hành nghề đối với nhà giáo là văn bản xác nhận tư cách nhà giáo do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp cho người đạt tiêu chuẩn chức danh nhà giáo theo quy định.

giao vien 5.jpg
Giáo viên sẽ phải có chứng chỉ hành nghề. (Ảnh: Phạm Mai/Vietnam+)

Theo ông Đức, nhà giáo có hai nguồn là người đào tạo sư phạm và người học ngành khác có chứng chỉ sư phạm. Quan điểm của Bộ Giáo dục và Đào tạo là muốn trở thành nhà giáo cần ba yếu tố: kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm và kỹ năng giảng dạy, trong đó kỹ năng giảng dạy rất quan trọng, có người có kiến thức chuyên môn và nghiệp vụ sư phạm nhưng không có kỹ năng thì cũng không thể làm tốt vai trò nhà giáo. Cả hai đối tượng này đều cần đào tạo nghề, thi để được cấp chứng chỉ.

Thuận lợi hay rào cản?

Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc yêu cầu phải có chứng chỉ hành nghề có tạo rào cản với nhà giáo, ông Đức khẳng định yêu cầu cao với nhà giáo là đúng do đây là ngành nghề đặc thù, khi sản phẩm của người thầy là con người có tri thức và đạo đức. Do điểm đặc biệt này, Đảng và nhà nước đều đặc biệt quan tâm đến nhà giáo và vì thế nên có luật riêng cho nhà giáo. Trong luật này cũng thiết kế các điều ưu đãi của nhà giáo so với các ngành nghề khác như lương cao nhất trong thang bảng lương hành chính sự nghiệp.

Ngoài lương, nhà giáo còn được hưởng phụ cấp ưu đãi theo nghề và mức phụ cấp ưu đãi theo nghề của giáo viên và y tế là cao nhất trong số các ngành có phụ cấp ưu đãi theo nghề.

Cũng theo ông Đức, qua nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế và kinh nghiệm của một số ngành/lĩnh vực, Ban soạn thảo đề xuất và dự kiến chứng chỉ hành nghề cơ bản sẽ có tác động tích cực đối với nhà giáo và cơ sở giáo dục.

Phân tích cụ thể hơn, ông Đức cho rằng chứng chỉ hành nghề tạo thuận lợi cho nhà giáo nếu có những thay đổi nơi hoạt động nghề nghiệp. Chứng chỉ hành nghề có giá trị sử dụng toàn quốc nên dù nhà giáo dạy học ở đâu cũng không cần phải thực hiện lại chế độ tập sự. Chứng chỉ này giảm được thủ tục cho nhà giáo khi thuyên chuyển và ký hợp đồng làm việc không thời hạn, hợp đồng có thời hạn, thỉnh giảng hoặc dạy liên trường; khi nhà giáo thuyên chuyển từ cơ sở giáo dục công lập sang cơ sở giáo dục ngoài công lập hoặc ngược lại; khi nhà giáo đã nghỉ hưu nhưng vẫn tham gia giảng dạy theo nhu cầu của cơ sở giáo dục.

Chứng chỉ hành nghề có giá trị đảm bảo đồng đều về chất lượng dạy học và giáo dục giữa các cơ sở giáo dục và và dự kiến sẽ điều chỉnh bỏ quy định về chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp nhà giáo hiện nay.

Chứng chỉ hành nghề bảo đảm nhiều yêu cầu của hội nhập quốc tế, giúp việc trao đổi nhà giáo giữa các nước được thuận tiện, nhất là việc kiểm soát chất lượng của những người nước ngoài vào hoạt động giáo dục tại Việt Nam.

Cũng theo ông Đức, để không gây xáo trộn khi áp dụng quy định về chứng chỉ hành nghề, dự thảo Luật Nhà giáo đã tính toán phương án chuyển tiếp thuận lợi cho 1,6 triệu nhà giáo đã được tuyển dụng vào ngành trước khi Luật có hiệu lực sẽ được cấp chứng chỉ hành nghề mà không cần đánh giá sát hạch. Những nhà giáo đã nghỉ hưu nếu có nguyện vọng cũng được cấp chứng chỉ hành nghề để ghi nhận sự cống hiến cho sự nghiệp giáo dục hoặc sử dụng để tiếp tục hoạt động nghề nghiệp.

Dự thảo Luật Nhà giáo hiện đang được Bộ Giáo dục và Đào tạo lấy ý kiến đóng góp của nhân dân để hoàn thiện dự thảo trước khi trình các cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục