Nhiều thách thức trong sắp xếp dân cư tại Lào Cai

Tỉnh Lào Cai đang tích cực đẩy nhanh tiến độ sắp xếp dân cư, di chuyển các hộ dân ở khu vực có nguy cơ cao bị ảnh hưởng của thiên tai đến nơi ở an toàn, ổn định đời sống theo Quyết định số 590/QĐ-TTg, ngày 18/5/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình bố trí dân cư các vùng thiên tai, đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo, di cư tự do, khu rừng đặc dụng giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030. Tuy vậy, quá trình triển khai, tỉnh Lào Cai gặp nhiều thách thức, vướng mắc cần tập trung tháo gỡ.

Chú thích ảnh
Trận lũ quét, lũ ống xảy ra trên địa bàn xã Liên Minh, thị xã Sa Pa đêm ngày 12/9/2023 đã gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản. Ảnh tư liệu: Quốc Khánh/TTXVN

Người dân mong chờ

Thấp thỏm, lo sợ là tâm trạng chung của hàng trăm hộ dân đang sống trong vùng có nguy cơ sạt lở ở nhiều địa phương của Lào Cai, đặc biệt trong mùa mưa bão. Đến thôn 2 Minh Thượng, xã Minh Lương, huyện Văn Bàn, từ dưới đường lớn, bằng mắt thường có thể dễ dàng nhìn thấy ngọn đồi với 2 vết sụt nứt lớn và những vết nứt nhỏ trải dài theo hình vòng cung ôm trọn cả khu dân cư với trên 50 hộ quần tụ dưới chân đồi.

Ông Ngô Quang Trung, Chủ tịch UBND xã Minh Lương cho biết, những vết nứt nhỏ bắt đầu xuất hiện từ năm 2020 và sau những trận mưa lớn năm 2022 dần trở thành vết nứt lớn. Trong đó, có một vết nứt dài hơn 322m, một vết khác dài khoảng 130m. Các vết nứt có độ sâu từ 0,3m đến hơn 1,2m; rộng từ 0,2m đến 2m. Chính quyền xã xác định đây là một khung trượt rất lớn, nếu không may sạt lở thì khối lượng đất đá này sẽ ảnh hưởng 54 hộ dân và san lấp hoàn toàn 3ha lúa cùng diện tích canh tác cây trồng, vật nuôi của bà con.

Các thế hệ trong gia đình anh Dương Văn Thức đã sống ở thôn 2 Minh Thượng từ hàng trăm năm nay. Ngọn đồi sau nhà là nơi gia đình anh có hơn 2ha quế cùng nhiều cây lâm sản lấy gỗ khác. Anh Thức cho biết, năm 2020, khi bắt đầu xuất hiện vết nứt bản thân và gia đình rất lo lắng không chỉ bởi nguồn sống, sinh kế của gia đình bị đe dọa mà hơn hết là sự thấp thỏm về an nguy tính mạng cả gia đình. "Mong cấp trên, chính quyền tạo điều kiện để chúng tôi di chuyển sớm bớt lo lắng trong mùa mưa lũ", anh Thức bày tỏ.

Sau khi phát hiện vết nứt nguy hiểm trên, chính quyền xã đã họp cùng 54 hộ dân có nguy cơ ảnh hưởng để tuyên truyền công tác phòng, chống thiên tai cho người dân nắm bắt được. Đặc biệt, khi có các đợt mưa lớn kéo dài, xã đã chỉ đạo các lực lượng trực 24/24 giờ và vận động nhân dân chủ động di chuyển được người và tài sản có giá trị lớn ra khỏi khu vực để đảm bảo an toàn cho người dân.

Đề cập đến giải pháp lâu dài, Chủ tịch UBND xã Minh Lương Ngô Quang Trung cho biết, xã phối hợp với phòng, ban của huyện rà soát quy hoạch đất tại địa phương; trong đó, dự kiến quy hoạch diện tích đất đồi khoảng 3ha của thôn 3 Minh Hạ, xã Minh Lương để xây dựng khu sắp xếp dân cư và di chuyển người dân. "Để thực hiện quy hoạch cần nguồn lực kinh phí rất lớn nên địa phương rất mong cấp trên quan tâm để bố trí nguồn kinh phí sớm triển khai dự án để di chuyển 54 hộ dân sang khu vực mới để người dân an tâm sản xuất", Chủ tịch UBND xã Minh Lương kiến nghị. 

Cũng nằm trong diện phải di chuyển đến nơi ở mới, tính đến tháng 5/2024, gia đình anh Đặng Ông Sính là hộ dân duy nhất đã được sắp xếp theo diện xen ghép tại thôn Khuôn Đo, xã Dương Quỳ, Văn Bàn. Sau khi sinh sống khoảng chục năm trên ngọn đồi cùng thôn, nhận thấy địa chất nơi mình ở thiếu ổn định với độ dốc lớn, dễ bị sụt trượt lại được sự vận động tích cực và hỗ trợ của Nhà nước, anh Sính quyết định xuống núi và làm nhà mới trên nền đất hiện tại vào năm 2022. Tuy không còn nguy cơ bị đe dọa bởi thiên tai song lại nảy sinh những khó khăn khác. 

Mặc dù được Nhà nước hỗ trợ kinh phí di chuyển và xây dựng nhà ở, song gia đình anh cùng khoảng 30 hộ dân khác trong xóm lại chưa có đường điện vào đến nhà. Vì vậy, anh phải tự túc kéo dây điện nối từ cột ngoài đường với khoảng cách 550m dẫn vào nhà. Điện yếu dẫn đến quá trình sản xuất hay sinh hoạt của gia đình bị ảnh hưởng không nhỏ. "Ví dụ mình kinh doanh máy xát gạo hay sử dụng tủ lạnh bán kem, đá nhưng điện phập phù cũng không thể làm được. Thực sự rất mong Nhà nước hỗ trợ kéo điện đến nơi ở mới", anh Sính bày tỏ.

Do điều kiện miền núi, địa hình chia cắt, biến đổi khí hậu ngày càng tác động mạnh mẽ khiến thiên tai mưa lũ thường gây sạt lở gây thiệt hai tới các khu dân cư, nhất là ở vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn dẫn đến nhu cầu sắp xếp dân cư là rất lớn. Theo kế hoạch, giai đoạn 2022 - 2025, Lào Cai phải sắp xếp cho trên 1.674 hộ với tổng nhu cầu vốn dự kiến cho cả giai đoạn là trên 266 tỷ đồng. Tuy vậy, đến thời điểm hết quý I/2024, dù đã trải qua nửa giai đoạn, tỉnh mới sắp xếp được 134 hộ, chủ yếu là những hộ trong vùng thiên tai, biên giới..., đạt 8% so với mục tiêu kế hoạch. Việc tập trung tháo gỡ các vướng mắc để nhanh chóng ổn định đời sống giúp người dân "an cư lạc nghiệp" là nhu cầu cấp bách. 

Bố trí ổn định dân cư tập trung

Chú thích ảnh
Người dân huyện Văn Bàn khắc phục hậu quả sau mưa lũ, ngày 13/5/2024. Ảnh: Quốc Khánh/TTXVN

Theo Kế hoạch số 170/KH-UBND ngày 18/3/2024 của UBND tỉnh Lào Cai về Điều chỉnh Bố trí, sắp xếp ổn định dân cư theo Quyết định 590/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, giai đoạn 2022 - 2025 và Kế hoạch năm 2024, trong giai đoạn 2022 - 2025, tỉnh dự kiến sắp xếp 1.443 hộ với tổng kinh phí đầu tư trên 262 tỷ đồng. Trong đó, sắp xếp 1.209 hộ ra khỏi vùng thiên tai, đặc biệt khó khăn; sắp xếp dân cư vùng biên giới cho 234 hộ. Riêng năm 2024 sẽ sắp xếp 613 hộ. 

UBND tỉnh Lào Cai yêu cầu các đơn vị, địa phương bố trí ổn định dân cư tập trung, có trọng điểm, đảm bảo kết cấu hạ tầng thiết yếu và phát triển sản xuất để người dân đến nơi ở mới phải đảm bảo tốt hơn nơi ở cũ, có điều kiện sống ổn định lâu dài và phát triển kinh tế bền vững; hướng tới hình thành các điểm dân cư đạt chuẩn theo tiêu chí nông thôn mới, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân; phù hợp với phong tục, tập quán văn hóa của từng dân tộc. 

Để đẩy nhanh tiến độ sắp xếp dân cư theo đúng kế hoạch, UBND tỉnh Lào Cai yêu cầu các Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính chủ trì phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu cân đối nguồn vốn của tỉnh và Trung ương giao, trình UBND tỉnh xem xét, phê duyệt để đảm bảo tiến độ thực hiện cả giai đoạn được hiệu quả.

Theo Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Lào Cai Nguyễn Văn Bảo, giải pháp để đẩy mạnh công tác sắp xếp dân cư là phải tăng cường sự phối hợp giữa các cấp, các ngành trong tỉnh, để hướng dẫn, đôn đốc thực hiện nhanh các khâu, thủ tục về quy hoạch xây dựng, về đất đai, về tài chính trong sắp xếp dân cư. Đặc biệt là có giải pháp tạo được quỹ đất sắp xếp dân cư ở các thôn, các xã không những phục vụ cho nhu cầu trước mắt, mà cho cả giai đoạn tới, nhất là dự phòng cho di dân khẩn cấp phục vụ phòng tránh thiên tai.

Trên thực tế, điều kiện đất đai của các xã miền núi, vùng cao rất khó khăn, không còn sẵn quỹ đất để sắp xếp dân cư mà phải tiến hành rà soát lập, điều chỉnh quy hoạch các khu dân cư. Những việc này là các công đoạn khó làm và yêu cầu rất nhiều thời gian, nguồn lực vì điều kiện diện tích đất đai ở miền núi thì phân tán, nhỏ lẻ. Trong khi đó, việc bố trí địa điểm chuyển đến phải được người dân đồng thuận lựa chọn, đúng nguyện vọng của họ, nhất là nơi ở của họ thường phải gần, phải gắn với khu vực họ đang canh tác, sản xuất. 

Từng bước giải bài toán bố trí quỹ đất ở, trước mắt, huyện Văn Bàn đang thực hiện thi công Dự án sắp xếp dân cư tập trung thôn Nà Hạch, xã Dương Quỳ với tiến độ thực hiện tính đến hết tháng 4/2024 đạt trên 80% các hạng mục đầu tư xây dựng. Kết quả giải ngân vốn trên 24 tỷ đồng, đạt 97% kế hoạch vốn giao và dự kiến thực hiện hoàn thành bàn giao trong Quý II/2024.

Ông Nguyễn Hữu Thiện, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Văn Bàn, Lào Cai cho biết, theo chỉ đạo của UBND huyện, chủ đầu tư và nhà thầu cũng cam kết đến hết quý II sẽ hoàn thành mặt bằng để bàn giao cho xã thực hiện các bước tiếp theo trong việc bố trí sắp xếp dân cư. "Xác định đây là khu dân cư điểm nên chúng tôi sẽ tập trung phối hợp với các cơ quan chuyên môn đề xuất những mô hình nhà theo mẫu để tạo ra khu dân cư tập trung đẹp, vừa đảm bảo an toàn vừa đáp ứng mỹ quan, nhu cầu sinh hoạt sản xuất cho người dân", ông Nguyễn Hữu Thiện cho biết.

Hương Thu (TTXVN)
Lào Cai dành trên 103 tỷ đồng sắp xếp dân cư vùng biên giới, vùng thiên tai
Lào Cai dành trên 103 tỷ đồng sắp xếp dân cư vùng biên giới, vùng thiên tai

Năm 2024, Lào Cai dự kiến dành nguồn kinh phí hơn 103 tỷ đồng để sắp xếp, bố trí ổn định, nâng cao đời sống cho 613 hộ dân vùng biên giới, vùng thiên tai và nguy cơ bị ảnh hưởng thiên tai; hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai; giải quyết việc làm, tăng thu nhập, góp phần giảm nghèo; bảo vệ môi trường, củng cố quốc phòng, an ninh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN