Nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo trong thi đua làm theo lời Bác

“Học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh” là một trong những nội dung quan trọng đã được các cấp Công đoàn tỉnh Quảng Ngãi triển khai tích cực, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong cán bộ, công nhân viên lao động.

Việc học tập Bác từ những điều giản dị nhất đã được các cấp Công đoàn gắn với các phong trào thi đua yêu nước, qua đó xuất hiện nhiều tấm gương cá nhân, tập thể điển hình, trở thành động lực thúc đẩy các phong trào ngày càng phát triển.

Để học sinh được ăn bữa cơm đúng nghĩa

Chú thích ảnh
Cô giáo Nguyễn Thị Kim Mến chăm sóc học sinh trong bữa ăn trưa bán trú. 

Sau khi tốt nghiệp ngành Giáo dục Mầm non, Trường Đại học Sư phạm Quy Nhơn, năm 2017, cô giáo Nguyễn Thị Kim Mến (sinh năm 1989) đến công tác tại Trường Mầm non Ba Bích, huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi. Qua gần 8 năm công tác, cô giáo Mến đã không ngừng nâng cao chất lượng dạy học của mình. Đặc biệt là từ năm 2022 đến nay, khi được phân công giảng dạy tại Điểm trường Mầm non Làng Vào, cô đã có nhiều cách làm hay, sáng tạo, nhận được sự tin tưởng, ủng hộ của phụ huynh học sinh.

Cô Mến cho biết, xã Ba Bích có một điểm trường mầm non chính và 2 điểm trường lẻ. Học sinh được ăn bán trú tại điểm trường chính, tại các điểm lẻ, các em phải tự mang theo cơm trưa. “Hộp cơm trưa của các em chỉ có một ít cơm cùng với một ít đồ ăn mặn, không có rau, canh, nên rất khô khan, thậm chí có bạn chỉ mang cơm trắng, tội lắm. Thấy vậy, chúng tôi phải chia đồ ăn của cô cho trò, có bữa thì nấu tạm gói mì tôm cho các cháu ăn”, cô Mến nói.

Để giải bài toán làm sao cho các em có cơm, canh nóng để ăn, cô Mến đã vận động phụ huynh đến dọn cỏ trong khuân viên điểm trường, cùng nhau đi lấy đất bãi bồi, phân chuồng để trồng rau. Khi đã có rau xanh, cô Mến lại chủ động nấu canh cho trẻ ăn và gọi phụ huynh đến xem các con được ăn bữa cơm có đầy đủ thịt, cá, canh. Từ đó, cô Mến phân tích cho các phụ huynh biết lợi ích của việc cho các con ăn đầy đủ sẽ giúp các con có đủ chất dinh dưỡng để phát triển cả thể chất và trí tuệ. Nhưng nhiệm vụ của giáo viên là đứng lớp, không thể bỏ các em để đi nấu ăn, cô Mến vận động các phụ huynh thay nhau đến trường nấu cơm, canh cho các con.

“Ban đầu, nhiều phụ huynh cũng không chịu, ai cũng báo bận. Nhưng mình vẫn kiên trì thuyết phục, vận động nên có một số phụ huynh đã đồng ý và đứng ra làm trước. Thấy được lợi ích khi các cơn được ăn cơm nóng, canh ngon nên từ đó, các phụ huynh thay nhau thực hiện”, cô Mến cho biết.

Rau xanh chủ yếu được lấy trong vườn trường, còn kinh phí để mua gạo, thịt, cá, rau... đều do Hội phụ huynh tự đóng góp, quản lý. Chị Phạm Thị Xiên, phụ huynh học sinh của cô Mến cho biết: "Từ ngày phụ huynh đến nấu ăn cho các con, thấy các con rất vui, ăn ngon nên ai cũng đồng tình ủng hộ. Đến đây, chúng tôi không chỉ được xem các con học, ăn, ngủ ra sao mà còn được trao đổi cách nuôi dạy con.

Không chỉ vậy, thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức tự học và sáng tạo”, cô Mến đã đem hết tình yêu thương, tâm huyết và kiến thức của mình để nuôi dạy và chăm sóc học sinh. Với phương pháp giáo dục lấy trẻ làm trung tâm, bài giảng của cô luôn có đầy đủ đồ dùng dạy học, đồ chơi phong phú để gây hứng thú cho trẻ, từ đó giúp trẻ tích cực, chủ động trong mọi hoạt động tìm tòi, khám phá thế giới xung quanh. Ngoài ra, cô Mến còn tuyên truyền, vận động phụ huynh cho trẻ uống sữa nóng vào buổi xế chiều, cung cấp đủ dinh dưỡng cho trẻ để phát triển chiều cao...

Nhận xét về cô giáo Nguyễn Thị Kim Mến, Hiệu trưởng Trường Mầm non Ba Bích Vũ Thị Tuyết Lan cho biết: "Cô Mến là một giáo viên trẻ tâm huyết với nghề, yêu trẻ. Những việc làm thiết thực của cô Mến không chỉ nhận được sự ghi nhận của đồng nghiệp mà còn nhận được sự ủng hộ cao của phụ huynh học sinh. Chúng tôi đánh giá cao về cách làm sáng tạo của Mến. Mô hình làm vườn rau xanh, vận động phụ huynh nấu ăn trưa cho trẻ của cô Mến đã được nhiều điểm trường khác trên địa bàn huyện Ba Tơ học tập".

Mô hình "Ước mơ cho em"

Chú thích ảnh
Công đoàn cơ sở xã Đức Phong (Mộ Đức, Quảng Ngãi) trao quà cho các học sinh có hoàn cảnh khó khăn.

Công đoàn cơ sở xã Đức Phong, huyện Mộ Đức là một trong những đơn vị được đánh giá cao trong học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh. Các đoàn viên Công đoàn luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm nói đi đôi với làm, tự rèn luyện, tu dưỡng. Đồng thời, Công đoàn cơ sở đã phối hợp với chính quyền địa phương xây dựng Mô hình “Ước mơ cho em” nhằm đóng góp kinh phí hỗ trợ học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn vươn lên trong học tập.

Bà Trần Thị Phụng (68 tuổi) cho biết, gia đình bà thuộc hộ nghèo, con trai đã qua đời do tai nạn giao thông, con dâu bỏ đi, một mình bà phải nuôi hai cháu nhỏ đang học mầm non. “Tôi già yếu rồi, nay chỉ ở nhà nuôi mấy con lợn, con gà kiếm tiền ăn qua ngày, trong khi hai cháu lại còn quá nhỏ. Rất may thời gian qua, được sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, các tổ chức xã hội, đặc biệt là các cô, chú trong tổ chức Công đoàn cơ sở xã Đức Phong thường xuyên đến thăm hỏi, động viên, hỗ trợ kinh phí để bà cháu tôi vượt qua khó khăn”, bà Phụng chia sẻ.

Để thực hiện Mô hình, mỗi công đoàn viên sẽ đóng góp 10.000 đồng/tháng. Từ tháng 9/2021 đến nay, Công đoàn cơ sở xã Đức Phong đã tổ chức trao gần 70 triệu đồng cho các học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn vươn lên trong học tập trên địa bàn xã.

Ông Lê Văn Vĩnh, Chủ tịch Công đoàn cơ sở xã Đức Phong, chia sẻ: "Sau một thời gian thực hiện, thấy được cái hay, cái đẹp của Mô hình nên nhiều người sinh sống tại địa phương, dù không thuộc Công đoàn cơ sở xã Đức Phong, đã tự nguyện đóng góp kinh phí. Thời gian tới, chúng tôi dự định sẽ thực hiện nhiều hình thức gây quỹ cho Mô hình như: tổ chức đêm nhạc từ thiện; đặt các thùng thu gom vỏ lon, chai nhựa... để đen bán ve chai, có thêm kinh phí hỗ trợ cho nhiều cháu nhỏ hơn nữa".

Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Quảng Ngãi Nguyễn Thị Việt Hiển cho biết, từ khi triển khai thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” trong công nhân, viên chức, lao động đã tạo sức lan tỏa sâu rộng, chuyển biến tích cực trong tư tưởng và hành động của cán bộ, đoàn viên, người lao động tỉnh Quảng Ngãi. Chỉ tính từ năm 2021 đến nay, đã có 39 tập thể và 21 cá nhân được biểu dương, khen thưởng vì có thành tích xuất sắc tiêu biểu, điển hình trong học tập và làm tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Liên đoàn Lao động tỉnh tiếp tục tham mưu với cấp ủy, phối hợp với chính quyền, chuyên môn đồng cấp tổ chức thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 05, xác định việc học tập, làm theo Bác là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của các cấp công đoàn; phát huy vai trò nêu gương của người đứng đầu tổ chức công đoàn trong các cơ quan, đơn vị trong việc học tập và làm theo Bác bằng những hành động cụ thể, thiết thực; đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, thực hiện tốt việc biểu dương, khen thưởng và nhân rộng gương điển hình tiên tiến học tập, làm theo Bác trong các cấp công đoàn.

Bài và ảnh: Đinh Hương (TTXVN)
Cụ thể hóa 'Sáu điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân' thành các chuẩn mực đạo đức
Cụ thể hóa 'Sáu điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân' thành các chuẩn mực đạo đức

Sáng 15/5, Đảng ủy Công an Trung ương đã tổ chức Hội nghị Sơ kết 3 năm thực hiện Kết luận số 01 của Bộ Chính trị và 1 năm thực hiện Quy định số 09 của Đảng ủy Công an Trung ương về đẩy mạnh học tập, thực hiện và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, Sáu điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN