Thứ ba, ngày 21/05/2024

Tin tức trong ngành

Truyền thông đa phương tiện - công cụ thiết yếu trong thông tin đối ngoại


(10/05/2024 14:43:55)

Ngày 9/5, tại trụ sở Thông tấn xã VIệt Nam (TTXVN) số 79 Lý Thường Kiệt, Hà Nội, báo Việt Nam News đã tổ chức hội thảo “Yêu cầu phát triển truyền thông đa phương tiện từ thực tế công tác thông tin đối ngoại”, trong khuôn khổ đề tài nghiên cứu khoa học "Phát triển truyền thông đa phương tiện phục vụ công tác thông tin đối ngoại tại báo Việt Nam News". Sau đây là ghi nhận một số ý kiến tại hội thảo.

Tổng biên tập báo Việt Nam News Nguyễn Minh phát biểu đề dẫn tại hội thảo “Yêu cầu phát triển truyền thông đa phương tiện từ thực tế công tác thông tin đối ngoại”, ngày 9/5


Truyền thông đối ngoại là một bộ phận quan trọng trong công tác đối ngoại và công tác tư tưởng của Đảng, giúp cho nhân dân, chính phủ các nước, người nước ngoài đang sinh sống, làm việc ở Việt Nam, người Việt Nam ở nước ngoài hiểu về đất nước, con người Việt Nam, về những giá trị vật chất, tinh thần của dân tộc Việt Nam, về đường lối, chủ trương, chính sách và thành tựu đổi mới của Việt Nam và đấu tranh chống lại những luận điệu bôi xấu, xuyên tạc về đất nước.

Phát biểu tại hội thảo, Tổng biên tập báo Việt Nam News Nguyễn Minh cho rằng, trong quá trình hội nhập quốc tế của Việt Nam hiện nay, truyền thông đối ngoại càng cần phải được chú trọng. Trong đó, truyền thông đa phương tiện đã và đang trở thành công cụ thiết yếu, giúp tạo ra cầu nối, thiết lập một môi trường giao tiếp cởi mở và tăng cường hiểu biết giữa Việt Nam và các quốc gia khác. Các kênh truyền thông đa phương tiện đối ngoại cho phép Việt Nam phản ánh quan điểm và thông điệp của mình không chỉ thông qua văn bản mà còn qua hình ảnh, âm thanh và video, tăng cường sức ảnh hưởng và thuyết phục.

PGS. TS. Đỗ Thị Thu Hằng, Trưởng ban nghiệp vụ, Hội Nhà báo Việt Nam phát biểu tại hội thảo “Yêu cầu phát triển truyền thông đa phương tiện từ thực tế công tác thông tin đối ngoại”, ngày 9/5


Theo PGS. TS. Đỗ Thị Thu Hằng, Trưởng ban nghiệp vụ, Hội Nhà báo Việt Nam, chuyển đổi số về bản chất là chuyển đổi lối tư duy, thái độ, cách sống, cách làm việc truyền thống sang phiên bản số. Kết quả của chuyển đổi số báo chí là hệ thống truyền thông đa phương tiện, đa nền tảng và một hệ sinh thái số ở các cơ quan báo chí. Về góc nhìn nội dung, tác phẩm báo chí đa phương tiện thường được cấu trúc từ 3 nhóm yếu tố chính: yếu tố văn bản, yếu tố âm thanh và yếu tố hình ảnh. Nhà báo có thể làm nhiều loại tác phẩm khác nhau nhưng xét cho cùng là sự phối hợp của 3 yếu tố này. Trong đó, tư duy viết và hình ảnh tĩnh là tư duy cốt lõi để phát triển hệ thống tư duy đa phương tiện.

TS. Đỗ Anh Đức, Trưởng bộ môn Truyền thông đa phương tiện, Viện đào tạo Báo chí và Truyền thông, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn cho rằng, các quốc gia khi thực hiện truyền thông đối ngoại sẽ phải đối mặt với 5 thách thức liên quan tới nhận thức, chiến lược, bối cảnh, cạnh tranh và kinh tế báo chí. Cho tới thời điểm hiện nay, Việt Nam vẫn còn thiếu lý luận về thương hiệu quốc gia và chỉ mới dừng lại ở góc độ marketing mà thôi. Việt Nam cần xác định mục tiêu của truyền thông đối ngoại không chỉ đơn thuần là "thông tin những gì chúng ta có" mà quan trọng hơn cần phải "tạo ra ảnh hưởng và trải nghiệm" lên đối tượng mà chúng ta nhắm đến. Ngoài những thách thức, ông cũng liệt kê 5 cơ hội của Việt Nam trong công tác truyền thông đối ngoại, đó là thể chế, vị thế, chất liệu, giới trẻ và kênh truyền thông. 
 

Phó giám đốc Trung tâm Truyền hình Thông tấn Nguyễn Quang Vũ phát biểu tại hội thảo “Yêu cầu phát triển truyền thông đa phương tiện từ thực tế công tác thông tin đối ngoại”, ngày 9/5


Theo Phó giám đốc Trung tâm Truyền hình Thông tấn Nguyễn Quang Vũ, các cơ quan làm truyền thông đối ngoại hiện nay hầu hết đều đã sử dụng truyền thông đa phương tiện. Một số cơ quan nhanh hơn đã bắt đầu ứng dụng trí tuệ nhân tạo để lập trường quay ảo và MC ảo, thu hút rất nhiều khán giả quan tâm. Tuy nhiên, sự lên ngôi của truyền thông đa phương tiện cũng kéo theo sự xuất hiện của nhiều trang thông tin xuyên tạc, độc hại gây ảnh hưởng xấu tới nhận thức của công chúng. Nhiệm vụ của các cơ quan truyền thông hiện nay là lôi kéo khán giả để họ rời bỏ những trang thông tin xuyên tạc, độc hại và trở về với những trang thông tin chính thống. Trung tâm Truyền hình Thông tấn đã lập tiểu mục Nhận diện để trực tiếp phản bác, đấu tranh chống lại các thông tin sai sự thật do những trang thông tin xuyên tạc, độc hại thêu dệt nên.
 

Phó tổng biên tập báo điện tử VietnamPlus Nguyễn Hoàng Nhật phát biểu tại hội thảo “Yêu cầu phát triển truyền thông đa phương tiện từ thực tế công tác thông tin đối ngoại”, ngày 9/5


Phó tổng biên tập báo điện tử VietnamPlus Nguyễn Hoàng Nhật lại cho rằng, độc giả hiện nay tiêu thụ tin tức chủ yếu trên nền tảng điện thoại thông minh và giảm dần sự quan tâm đối với báo in và thông tin trên màn hình desktop. Ông dẫn chứng rằng báo VietnamPlus hai ngày trước đã đạt hơn 2 triệu page views, con số cao nhất từ đầu năm và hơn 70% trong số này là từ điện thoại thông minh. Số lượng người dùng mạng xã hội tại Việt Nam hiện nay đã lên tới hơn 70 triệu. Con số khổng lồ này chính là lý do để tất cả các cơ quan báo chí hiện nay phải sử dụng truyền thông xã hội. Nhà báo Nguyễn Hoàng Nhật cũng trích dẫn một khảo sát của We Are Social vào tháng 1/2024 cho thấy, mỗi ngày người Việt dành ra 6 tiếng 18 phút để vào mạng internet, trong đó phần lớn thời gian dùng để truy cập các trang mạng xã hội (2 tiếng 25 phút), cao hơn thời gian dành cho xem video và TV (2 tiếng 21 phút) và đọc báo (1 tiếng 47 phút).

Nhóm phóng viên Cao Thị Ly Ly và Đinh Vũ Nhật Hồng của báo Việt Nam News đã đưa ra một số kinh nghiệm thực tiễn giúp cải thiện mức độ hấp dẫn của tác phẩm báo chí trên nền tảng số. Các phóng viên cho rằng, người làm báo nên chọn các từ khóa phổ biến được người dùng tìm kiếm nhiều nhất trên internet để lồng ghép vào tác phẩm của mình giúp tăng khả năng thu hút độc giả. Các từ khóa nên được lặp lại ở tiêu đề, sa-pô, chú thích ảnh và đoạn mở đầu của bài để đảm bảo hiệu quả truyền thông tốt nhất. Trong đó, nên sử dụng ít nhất là 3 và nhiều nhất là 5 từ khóa chính trong một bài viết. Nhóm phóng viên cũng gợi ý công cụ Google Trends giúp người làm báo xác định từ khóa được người dùng tìm kiếm nhiều nhất mỗi ngày.
 

Giảng viên Nguyễn Phong Anh, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân Văn, phát biểu tại hội thảo “Yêu cầu phát triển truyền thông đa phương tiện từ thực tế công tác thông tin đối ngoại”, ngày 9/5


Giảng viên Nguyễn Phong Anh, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân Văn, cho biết trí tuệ nhân tạo đang ngày càng phát triển tinh vi hơn, phổ cập hơn, đa dạng loại hình hơn và có mức độ cá nhân hóa cao. Sự phát triển của AI cho phép ngành báo chí loại bỏ các loại hình nhàm chán, nâng cao chất lượng âm thanh, hình ảnh, tạo ra thêm những loại hình thông tin mới (như âm nhạc AI hay thực tế ảo), tối ưu hóa quảng cáo và tùy biến giao diện người dùng. Tuy nhiên, đi kèm với cơ hội cũng là không ít thách thức. Việc tiếp cận AI dễ dàng hơn đồng nghĩa lượng nội dung rác sẽ nhiều hơn và tin giả trở nên tinh vi hơn, rủi ro bất bình đẳng, thiên kiến về dữ liệu cũng như việc mất đi ưu thế truyền thống của nhiều nhóm ngành nghề./.

 

Các đại biểu tham dự hội thảo “Yêu cầu phát triển truyền thông đa phương tiện từ thực tế công tác thông tin đối ngoại”, ngày 9/5

Nội san Thông tấn

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG:

Phát động phong trào sáng, xanh, sạch, đẹp và an toàn (10/05/2024 14:40:41)

70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ: Những bức ảnh về Lá cờ Quyết chiến Quyết thắng ở mặt trận Điện Biên Phủ năm 1954 (07/05/2024 09:57:55)

Giải báo chí TTXVN 2023: Từ những câu chuyện thực tế (06/05/2024 10:11:31)

70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ: Nhà xuất bản Thông tấn ra mắt sách ảnh "Điện Biên Phủ - Điểm hẹn lịch sử" (04/05/2024 14:38:09)

Giải báo chí TTXVN 2023: Tiếp cận lịch sử qua góc nhìn hiện tại (04/05/2024 14:33:42)

Giải báo chí TTXVN 2023: Chuyến công tác nhiều cảm hứng (04/05/2024 14:30:46)

Các đảng bộ, chi bộ tổ chức sinh hoạt chuyên đề (04/05/2024 14:08:24)

Danh sách các tác giả, tác phẩm được trao Giải báo chí TTXVN năm 2023 (04/05/2024 14:06:12)

Lễ trao Giải báo chí TTXVN năm 2023  (25/04/2024 19:45:29)

Tọa đàm “Ứng dụng AI trong công tác biên dịch và biên tập tin quốc tế” (19/04/2024 18:09:55)