Hà Nội: Nâng cao nhận thức cho người dân để tránh "bẫy" tội phạm công nghệ cao

Công an Hà Nội chỉ đạo Công an các cấp đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân nhận biết các thủ đoạn của tội phạm công nghệ cao.

Lừa đảo trực tuyến. Ảnh minh họa. (Nguồn: Vietnam+)
Lừa đảo trực tuyến. Ảnh minh họa. (Nguồn: Vietnam+)

Thời gian gần đây tại Hà Nội cũng như nhiều tỉnh, thành trên cả nước xuất hiện tội phạm công nghệ cao; ứng dụng công nghệ thông tin để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Đáng chú ý, các đối tượng lừa đảo thực hiện có tổ chức với thủ đoạn tinh vi, xuyên quốc gia, gây ra những hậu quả nghiêm trọng và có xu hướng gia tăng. Loại tội phạm mới này cần được các lực lượng chức năng sớm có biện pháp ngăn chặn.

Nhận diện các chiêu trò

Theo thông tin của Phòng An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an thành phố Hà Nội, địa bàn thành phố có nền tảng hạ tầng công nghệ thông tin tốt, thuận lợi cho người dân học tập, công tác.

Tuy nhiên, mặt trái là một số đối tượng lợi dụng công nghệ thông tin để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.

Qua theo dõi, Phòng nhận thấy tội phạm công nghệ cao thường xuất hiện dưới dạng các vỏ bọc hợp tác kinh doanh; ủy thác nhận sản phẩm; làm cộng tác viên cho trang thương mại điện tử giả mạo; đầu tư chơi tiền ảo; gọi điện giả danh nhân viên cơ quan tư pháp, cơ quan nhà nước như Công an, Viện Kiểm sát, Tòa án, Văn phòng đăng ký đất đai, cơ sở y tế, bưu điện... để lừa đảo.

Để tìm hiểu rõ hơn thực tế này, phóng viên TTXVN đã làm việc với Công an quận Hoàn Kiếm (Hà Nội).

Được biết, từ ngày 15/12/2022 đến 15/3/2024, đơn vị đã tiếp nhận 183 đơn trình báo về tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng. Tổng số tiền người dân bị lừa lên tới hơn 47 tỷ đồng.

Đại diện lãnh đạo Đội Cảnh sát Hình sự Công an quận Hoàn Kiếm cho biết, trong tổng số đơn trình báo, có tới 69 vụ người dân bị lừa đảo dưới hình thức làm cộng tác viên, thực hiện nhiệm vụ để hưởng “hoa hồng,” tổng số tiền bị lừa trên 20 tỷ đồng; 34 vụ giả danh nhân viên ngân hàng; 35 vụ “hack” tài khoản mạng xã hội Facebook và Zalo; 12 vụ giả danh cơ quan tư pháp…

Với “miếng bánh” lợi ích giăng ra, nhiều người nhẹ dạ, cả tin đã bị "sập bẫy" của đối tượng lừa đảo.

Cụ thể như trường hợp chị T, trú tại Hà Đông (Hà Nội) có tham gia hẹn hò online và được một đối tượng nhắn tin, xưng hô là vợ chồng. Người này đã nhờ chị T đăng nhập tài khoản của đối tượng trên trang web http://mexcglobali66.com để giao dịch mua chứng khoán kiếm lợi nhuận.

Qua vài ngày đăng nhập, nhận thấy khoản lợi nhuận thu được cao, chị T nhờ “chồng” dạy đăng ký để giao dịch mua chứng khoán. Chị T đã chuyển 914 triệu đồng tham gia đầu tư nhưng sau đó bị chiếm đoạt.

Hay mới đây, qua giới thiệu của bạn cũ, chị H (Hà Nội) bị đối tượng lừa đảo dẫn dụ, chỉ trong vòng 2 ngày đã nạp tiền vào hệ thống ACO dold (đầu tư tiền ảo) và thắng 226.000 USD.

ttxvn_tuyen truyen cong nghe.jpg
Công an quận Hoàn Kiếm tuyên truyền người dân cảnh giác với tội phạm công nghệ cao. (Ảnh TTXVN phát)

Khi muốn rút tiền ra, các đối tượng yêu cầu chị H nạp thêm tiền vào với các lý do “nộp tiền xác thực,” “nâng cấp tài khoản VIP,” “tiền rủi ro an toàn”… Tổng cộng, chị H thực hiện 15 giao dịch và bị chiếm đoạt mất hơn 2 tỷ đồng.

Đặc biệt, mới đây, Công an thành phố Hà Nội đưa ra danh sách 28 bị hại trong các vụ lừa đảo qua mạng.

Theo Công an thành phố, phương thức, thủ đoạn của các đối tượng là giả danh cán bộ Công an, Viện Kiểm sát, Tòa án... liên lạc qua điện thoại, mạng xã hội đe dọa người dân rằng họ có liên quan đến vụ án ma túy; bắt cóc trẻ em; rửa tiền hoặc thông báo thuê bao di động của bị hại liên quan đến việc các đối tượng lợi dụng để đăng tải các thông tin chống phá Đảng, Nhà nước và sẽ bị cắt thuê bao...

Ngoài ra, các đối tượng cũng thông báo bị hại sẽ có lệnh bắt tạm giam, phong tỏa tài sản, cắt thuê bao di động (có trường hợp các đối tượng làm giả các lệnh bắt gửi qua mạng xã hội cho bị hại để đe dọa).

Khi bị hại lo sợ, chúng yêu cầu phải hợp tác với cơ quan chức năng để chứng minh tiền trong sạch, không liên quan đến tội phạm bằng cách đến ngân hàng đăng ký tài khoản và dịch vụ ngân hàng điện tử, cung cấp các thông tin đăng nhập, mã OTP cho đối tượng, rút sổ tiết kiệm, vay tiền gửi vào tài khoản mới mở. Khi bị hại gửi hết tiền vào tài khoản mới mở mang tên mình, đối tượng sẽ chiếm quyền sử dụng và chuyển hết tiền đến các tài khoản khác của chúng để chiếm đoạt.

Trong vụ án trên, quá trình điều tra, cơ quan Công an nhận thấy, trên địa bàn thành phố Hà Nội, các đối tượng đã sử dụng 18 tài khoản ngân hàng để nhận tiền từ bị hại.

Về thủ đoạn của đối tượng lừa đảo công nghệ cao, Thượng tá, Tiến s Đào Trung Hiếu, Cục Truyền thông Công an Nhân dân, Bộ Công an cho biết, khi nhận thấy các hình thức lừa đảo thông qua mạng xã hội, ví dụ như nhờ nạp tiền, chuyển tiền... đã bị người dân cảnh giác, tội phạm chuyển sang sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để lừa đảo.

Đối tượng sẽ truy cập vào trang mạng xã hội của người dùng, thông qua AI, sử dụng thuật toán ghép các hình ảnh lại thành video. Sau đó sẽ dùng cuộc gọi video call để tạo sự tin tưởng nhằm lừa đảo.

Tuyên truyền sâu rộng cảnh giác với tội phạm công nghệ cao

Nước ta đang bước vào thời kỳ bùng nổ công nghệ thông tin. Việt Nam được cho là một "điểm đen" về an ninh mạng do số cuộc, số tiền bị lừa đảo được cho là rất lớn.

ttxvn_cong nghe cao.jpg
Tin nhắn của bọn lừa đảo dụ dỗ nạn nhân nộp thêm tiền để rút số tiền ảo trong tài khoản. (Ảnh minh họa: Cơ quan Điều tra cung cấp)

Trước thực tế này, để giúp người dân không bị mắc bẫy tội phạm công nghệ cao, Công an thành phố Hà Nội đã bắt giữ nhiều đối tượng vi phạm, đồng thời ra thông báo khuyến cáo người dân không cung cấp thông tin cá nhân như: số căn cước công dân, tài khoản ngân hàng… cho người lạ.

Công an Hà Nội chỉ đạo Công an các cấp đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân nhận biết các thủ đoạn của tội phạm công nghệ cao.

Quán triệt tinh thần trên, lực lượng Cảnh sát đã vào cuộc tuyên truyền tới đông đảo quần chúng nhân dân về thủ đoạn, phương thức và biện pháp phòng, tránh lừa đảo qua mạng.

Thời gian qua, Công an phường Lý Thái Tổ (Hoàn Kiếm) đã tổ chức những buổi nói chuyện chuyên đề về tội phạm công nghệ cao cho người dân trên địa bàn.

Không hội trường cầu kỳ, các buổi nói chuyện có thể được triển khai tuyên truyền ngay tại nơi công cộng, sau đó mời người dân ra nghe.

Thông tin truyền tải được Công an phường phối hợp với Đội Cảnh sát hình sự Công an quận biên tập ngắn gọn, súc tích, đơn giản, dễ hiểu, dễ nắm bắt trước khi truyền tải tới người dân.

Thiếu tá Lê Văn Thinh, Trưởng Công an phường Lý Thái Tổ cho biết, việc triển khai tuyên truyền đến từng người dân được Công an phường triển khai quyết liệt. Cách thức tuyên truyền trực tiếp đã mang lại hiệu quả.

Nhằm thực hiện Kế hoạch “Tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao hiệu quả phòng ngừa tội phạm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng” của Công an quận Hoàn Kiếm, theo Trung tá Trần Xuân Hải, Đội trưởng Đội Cảnh sát Hình sự, đơn vị có nhiệm vụ tổng hợp các phương thức, thủ đoạn và các biện pháp phòng tránh tội phạm lừa đảo công nghệ cao thành bộ tài liệu với nội dung ngắn gọn, súc tích, dễ hiểu, phối hợp với Công an các phường tổ chức các buổi trao đổi trực tiếp với người dân tại các khu dân cư, tổ dân phố, cơ quan, doanh nghiệp đóng trên địa bàn.

"Với kế hoạch này, mỗi cán bộ, chiến sỹ sẽ trở thành 1 tuyên truyền viên, lực lượng Cảnh sát khu vực đóng vai trò quan trọng. Đây là lực lượng gần dân, có mối quan hệ gắn bó mật thiết với nhân dân nên mỗi cán bộ Cảnh sát khu vực phải nắm rất rõ các thủ đoạn của tội phạm lừa đảo công nghệ cao để tuyên truyền, nhắc nhở người dân," Trung tá Trần Xuân Hải nói.

Chỉ ra phương thức phòng, tránh lừa đảo bằng công nghệ cao, qua mạng, Thượng tá, Tiến sỹ Đào Trung Hiếu chia sẻ, người dân cần có kỹ năng nhận biết, trước hết, các cuộc gọi video call từ AI sẽ không tương thích giữa hình ảnh và giọng nói, chập chờn, mà đối tượng sẽ nói rằng do “sóng yếu.” Vì vậy, không vội tin tưởng mà phải gọi điện cho người thân để kiểm chứng trước khi chuyển tiền hoặc nạp tiền.

Cùng với việc cơ quan Công an tích cực tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân trong phòng, chống lừa đảo công nghệ cao, thiết nghĩ các cơ quan chức năng cũng cần đẩy mạnh công tác đấu tranh, bắt giữ những đối tượng này một cách mạnh mẽ hơn nữa để chúng không còn “đất” hoành hành, làm hại người dân./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục