Chương trình huấn luyện an toàn lao động tại doanh nghiệp còn mang tính hình thức

Gần đây, trên cả nước đã xảy ra loạt vụ tai nạn lao động nghiêm trọng như: Vụ tai nạn tại Nhà máy xi măng ở Yên Bái làm 7 người chết, 3 người bị thương; vụ nổ lò hơi ở Đồng Nai làm 6 người tử vong, 5 người bị thương nặng… Phóng viên báo Tin tức đã có cuộc trao đổi với TS Đặng Xuân Trọng, Chủ tịch HĐQT Công ty Kiểm định và Huấn luyện an toàn vệ sinh lao động TP Hồ Chí Minh xung quanh chủ đề này.

Thưa ông, thời gian qua đã xảy ra một loạt vụ tai nạn lao động nghiêm trọng như tại Nhà máy xi măng Yên Bái, vụ nổ lò hơi ở Đồng Nai… Ông đánh giá thế nào về công tác đảm bảo an toàn lao động hiện nay của các doanh nghiệp?

“An toàn để sản xuất- sản xuất phải đảm bảo an toàn” là phương châm gắn liền với sự phát triển bền vững của mỗi doanh nghiệp. Đó không chỉ là hạnh phúc của mỗi gia đình, mỗi người lao động mà nó còn là lương tâm, là trách nhiệm của cả cộng đồng xã hội.

Chú thích ảnh
TS Đặng Xuân Trọng, chuyên gia an toàn, vệ sinh lao động.

Trong những năm qua, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của các ngành kinh tế; các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, các công trình xây dựng, trên phạm vi cả nước đã xảy ra không ít những vụ tai nạn lao động, cháy nổ nghiêm trọng gây thiệt hại đáng kể về người và tài sản. Thực trạng công tác an toàn - vệ sinh lao động đang đặt ra những vấn đề hết sức bức thiết. Đảng và Nhà nước luôn luôn chủ trương “Phải đảm bảo an toàn lao động vì người lao động là vốn quý nhất”.

Cùng với xu thế hội nhập kinh tế quốc tế toàn diện, Luật An toàn vệ sinh lao động đã được Quốc hội thông qua năm 2015. Theo đó, công tác an toàn lao động vệ sinh lao động cần phải được quan tâm, chú trọng đúng mức; đặc biệt là công tác kiểm định và huấn luyện an toàn - vệ sinh lao động, nhằm từng bước nâng cao nhận thức của người sử dụng lao động và của người lao động; xây dựng một môi trường làm việc an toàn, chuyên nghiệp; xây dựng một xã hội thật sự trong sạch, lành mạnh.

Hiện nay, hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật từ Luật An toàn vệ sinh lao động, các Nghị định, Thông tư, Quy chuẩn Việt Nam (QCVN), Tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN), Quy trình kiểm định (QTKĐ) đều cơ bản đầy đủ, đồng bộ. Để người lao động được làm việc trong một môi trường an toàn và vệ sinh thì 3 chủ thể: Chính phủ, người sử dụng lao động và người lao động, phải chung tay xây dựng mới làm được.

Thực tế cho thấy, ý thức tuân thủ, việc tự giác thực hiện các quy định pháp luật về an toàn vệ sinh lao động của người sử dụng lao động và người lao động là quan trọng nhất. Chúng ta phải hiểu tầm quan trọng, hiểu được ý nghĩa thiết thực việc xây dựng văn hóa an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) đối với người lao động, người sử dụng lao động và doanh nghiệp.

Vấn đề ở đây là câu chuyện cần thiết mở rộng chương trình, giáo dục phổ biến ở các cấp nào, tuyên truyền để người lao động, người sử dụng lao động và Nhà nước, cả 3 chủ thể đó, họ thấy tính cấp thiết, tính thực tế không mang tính hình thức nữa thì lúc đấy chắc chắn tình hình tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp sẽ giảm thiểu.

Hiện nay, các doanh nghiệp và chủ sử dụng lao động thực sự chưa quan tâm, chú trọng trong công tác huấn luyện ATVSLĐ, đào tạo kỹ năng nghề cho người lao động; việc huấn luyện còn hình thức, chưa sát với thực tiễn, chưa tập trung vào người lao động, công việc họ làm, kỹ năng xử lý, thao tác đúng, quy trình, biện pháp làm việc an toàn cụ thể.

Ví dụ, đối với người lao động làm các công việc có yêu cầu nghiêm ngặt theo các QCVN thì phải đảm bảo được đào tạo chuyên môn nghiệp vụ mà mình đảm nhận theo Luật Giáo dục nghề nghiệp trước khi giao việc và phải được tập huấn an toàn vệ sinh lao động với thời gian ít nhất là 24 giờ theo quy định và định kỳ ít nhất 2 năm 1 lần phải được tập huấn lại hoặc tập huấn lại khi thay đổi công việc, dây chuyền, thiết bị, công nghệ.

Nhưng thực tế, nhiều doanh nghiệp bố trí, giao việc cho người lao động chưa qua đào tạo hoặc giao việc rồi mới đào tạo bổ sung, gọi là “tay ngang, nghề dạy nghề; biết làm là cho làm, làm theo kinh nghiệm và thói quen”.

Thời gian tập huấn ATVSLĐ là bắt buộc và theo chương trình khung quy định của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, nhưng thực tế các chương trình huấn luyện tại doanh nghiệp thường chưa đầy đủ cả về thời gian, hình thức, nội dung, chương trình lý thuyết, thực hành và việc kiểm tra sát hạch;

Công tác thanh tra, kiểm tra của các cơ quan quản lý Nhà nước về lĩnh vực ATVSLĐ còn mỏng, thực hiện chưa tốt, chưa triệt để dẫn đến các vi phạm về an toàn về ATVSLĐ chưa được phát hiện, chưa được xử lý; nhiều cơ sở, nhiều chủ sử dụng lao động chưa quan tâm, đầu tư đúng mực cho công tác ATVSLĐ;

Chủ đề của Tháng Hành động an toàn vệ sinh lao động năm nay là an toàn nơi làm việc và theo chuỗi cung ứng, nhằm góp phần hỗ trợ xuất khẩu. Ông đánh giá việc thực hiện quy định này ở các doanh nghiệp Việt Nam như thế nào?

Theo Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), văn hóa an toàn là quyền của của người lao động có một môi trường làm việc an toàn và lành mạnh mà tất cả các cấp phải tôn trọng. Việt Nam đang trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế toàn diện, vì vậy thực hiện an toàn vệ sinh lao động được coi là cam kết mà các doanh nghiệp Việt Nam phải tuân thủ khi hợp tác quốc tế thông qua việc là thành viên có trách nhiệm của các tổ chức quốc tế và các hiệp định đa phương, song phương với các hệ thống hàng rào kỹ thuật bắt buộc.

Chú thích ảnh
Huấn luyện an toàn các thiết bị chịu áp lực.

Khái niệm chuỗi cung ứng nên hiểu theo nghĩa rộng, đó không chỉ với hỗ trợ xuất khẩu mà đó là việc tuân thủ Pháp luật an toàn vệ sinh lao động một cách đồng bộ từ khâu khai thác nguyên, nhiên vật liệu; trong sản xuất, thi công; cung ứng; tiêu thụ trên thị trường đến với người sử dụng: đó phải là một chuỗi sản phẩm “xanh”, “sạch” theo ý nghĩa được sản xuất, kinh doanh theo hướng tuần hoàn và cung ứng bởi các nhà máy, doanh nghiệp với các chính sách phát triển bền vững và điều kiện an toàn được tuân thủ; trong một quy trình sản xuất sản phẩm cụ thể nói riêng “chuỗi” cũng được hiểu đó là đồng bộ, liên thông từ giai đoạn thiết kế, chế tạo, lắp đặt và khai thác, sử dụng thiết bị; đó cũng còn là “chuỗi” trong giáo dục, đào tạo, cung ứng nguồn nhân lực trong việc xây dựng ý thức tự giác và văn hóa an toàn lao động.

Hơn thế nữa, việc đảm bảo an toàn vệ sinh lao động tại nơi làm việc sẽ góp phần cải thiện điều kiện lao động, giữ vững, duy trì sức khỏe cho người lao động; giảm các nguy cơ mắc bệnh nghề nghiệp; nâng cao năng suất lao động; làm cho người lao động yên tâm, gắn bó và đồng hành cùng sự phát triển của doanh nghiệp; không những thế nó còn đảm bảo uy tín, thương hiệu của doanh nghiệp.

Từ thực tế hoạt động kiểm định và huấn luyện an toàn vệ sinh lao động, ông có kiến nghị và giải pháp nào để hoạt động này thực chất thiết thực và hiểu quả với đơn vị, doanh nghiệp?

Từ thực tế, việc thực hiện nghiêm công tác huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động đặc biệt chú trọng việc huấn luyện cho đối tượng quản lý; người làm công tác an toàn vệ sinh lao động tại cơ sở về việc xây dựng quy trình, biện pháp làm việc an toàn; đối với công nhân trực tiếp làm việc về quy trình, biện pháp, phương án làm việc an toàn cụ thể.

Với các loại công việc có yêu cầu nghiêm ngặt theo danh mục Thông tư 06/2020/TT-BLĐTBXH ngày 20/8/2020 của Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) việc xây dựng Quy trình làm việc là yêu cầu bắt buộc; Quy trình làm việc, bảo trì, bảo dưỡng máy phải đặc biệt nêu rõ: Hạng mục công việc, từng bước thực hiện, việc cách ly, cô lập khu vực thực hiện; năng lực, chuyên môn, sức khỏe, kỹ năng, huấn luyện an toàn vệ sinh lao động của người thực hiện; việc bố trí người kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện.

Bên cạnh đó, các đơn vị cần bố trí hệ thống biển báo, thông tin, chỉ dẫn, cảnh báo về các yếu tố nguy hiểm, độc hại niêm yết, đặt ngay tại máy, thiết bị, khu vực làm việc để người lao động dễ thấy, dễ nhìn, dễ đọc và tuân thủ.

Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, tuyên huấn, giáo dục, đào tạo đặc biệt là công tác quản lý, huấn luyện, đào tạo về các công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn vệ sinh lao động đã được Luật và các Quy định pháp luật quy định; trong đó đặc biệt nhấn mạnh trách nhiệm của Người sử dụng lao động tại cơ sở và năng lực của đội ngũ cán bộ làm công tác ATVSLĐ tại cơ sở. Ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong việc tuyên truyền, huấn luyện ATVSLĐ.

Cơ quan chức năng hoàn chỉnh cơ sở dữ liệu quốc gia về các thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt. Đổi mới, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số và khoa học kỹ thuật trong việc khai báo thiết bị nghiêm ngặt và báo cáo kết quả kiểm định thiết bị; liên thông hệ thống giữa mạng lưới các tổ chức kiểm định thiết bị nghiêm ngặt; xây dựng đường dây nóng quốc gia về kiểm định thiết bị nghiêm ngặt; xây dựng hệ thống cảnh báo an toàn của các bộ/ngành  đặc biệt là các ngành nghề có nguy cơ cao TNLĐ, BNN hoặc các công trình, dự án trọng điểm đặc thù.

Cơ quan chức năng cũng tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật của Nhà nước có liên quan như: Phân cấp, danh mục, phạm vi đối tượng thực hiện thống nhất trong quản lý nhà nước. Tổ chức khoa học và giám sát chặt chẽ việc tuân thủ quy định, quy trình của các tổ chức dịch vụ kiểm định; Hoàn thiện, bổ sung các Quy chuẩn Việt Nam (QCVN), Tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN), Quy trình kiểm định (QTKĐ) liên quan đến từng danh mục máy, thiết bị: Quy định về tuổi thọ thiết bị; quy định rõ năng lực các đơn vị lắp đặt, bảo trì thiết bị; quy định chế độ bảo trì, bảo dưỡng thiết bị theo điều kiện khai thác sử dụng; tất cả các máy, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về ATLĐ phải được giám sát chặt chẽ điều kiện đối với các cơ sở thiết kế chế tạo lắp đặt bảo trì bảo dưỡng; đồng thời phải đảm bảo tất cả máy, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về ATLĐ trước khi đưa vào sử dụng và lưu thông trên thị trường phải được kiểm định kỹ thuật an toàn.

Bên cạnh đó, Bộ LĐTBXH và các địa phương nâng cao năng lực các tổ chức kiểm định, huấn luyện; hợp tác, chuyển giao, ứng dụng các thành tựu nghiên cứu khoa học của quốc tế trong công tác kiểm định, huấn luyện an toàn vệ sinh lao động, đánh giá các thiết bị nghiêm ngặt và các mô hình, chương trình huấn luyện an toàn vệ sinh lao động tiên tiến, đổi mới để đem lại hiệu quả thiết thực cho doanh nghiệp và người lao động.

Xin cám ơn ông!

XC (thực hiện)/Báo Tin tức
Bị trầm cảm được nghỉ bao nhiêu ngày chữa bệnh nhưng vẫn hưởng trợ cấp?
Bị trầm cảm được nghỉ bao nhiêu ngày chữa bệnh nhưng vẫn hưởng trợ cấp?

Bạn đọc hỏi: Em tôi bị bệnh rối loạn lo âu và trầm cảm. Trong trường hợp này, khi em tôi đi khám bệnh, bệnh viện được quyền cấp giấy nghỉ hưởng bảo hiểm xã hội (BHXH) tối đa là bao nhiêu ngày?

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN