Những bộ phim đặc sắc về Chiến dịch Điện Biên Phủ

10:07' - 07/05/2024
BNEWS Chiến thắng Điện Biên Phủ "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu" năm ấy vẫn là niềm tự hào của con người Việt Nam và trở thành nguồn cảm hứng, đề tài khai thác của nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật.

Chiến thắng Điện Biên Phủ "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu" là một mốc son chói lọi trong lịch sử đấu tranh giành độc lập, tự do của dân tộc Việt Nam. Cùng điểm lại một số bộ phim đặc sắc, ấn tượng khi khai thác đề tài về cuộc chiến "vang vọng năm châu, chấn động địa cầu" của cha ông ta.

Hoa ban đỏ

Phim Hoa ban đỏ được NSƯT Bạch Diệp đạo diễn từ kịch bản của nhà văn Hữu Mai, do Xưởng phim Quân đội nhân dân sản xuất năm 1993, ra mắt năm 1994 nhân kỷ niệm 40 năm giải phóng Điện Biên (7/5/1954 - 7/5/1994). Bộ phim được đầu tư quy mô, bối cảnh được dàn dựng công phu, kỹ càng, chân thực. Sự đầu tư kỹ càng thể hiện trong cuộc ra quân rầm rộ với ê-kíp sáng tạo hùng hậu đảm nhận nhiều vị trí, nhiệm vụ khác nhau.

 

Phim lấy bối cảnh những ngày cuối cùng của chiến dịch Điện Biên Phủ, đơn vị của tiểu đoàn trưởng Phương (diễn viên Trần Lực đóng) khi đó có nhiệm vụ tiêu diệt cứ điểm 206 - cứ điểm bảo vệ sân bay Mường Thanh.

Anh bị thương, và ở quân y viện, tình cờ gặp Tấm (diễn viên Thu Hà đóng) - cô y tá cùng làng, vốn là láng giềng thân thiết. Tấm lo lắng, hết lòng chăm sóc và thầm yêu anh. Tấm giấu rồi cũng đành phải kể cho Phương nghe cái chết thương tâm của mẹ anh và dân làng khi bị địch phục kích bất ngờ.

Dù vết thương chưa được tháo băng, tiểu đoàn trưởng Phương nôn nóng mong trở lại đơn vị. Anh chia tay Tấm ở một cánh rừng bừng nở hoa ban đỏ. Ngày cứ điểm bị đập tan, Tấm đã chạy khắp cánh đồng Mường Thanh tìm Phương trong tiếng hát quân hành của bộ đội ta mừng chiến thắng...

Từng là nữ văn công tham gia chiến trường năm xưa, đạo diễn Bạch Diệp đã gọi trở về miền ký ức chân thực nhất mà chính bà là người trong cuộc. Đạo diễn đã chọn một cách kể mới về đề tài chiến tranh ở Điện Biên. Thời điểm cuối cùng của cuộc chiến thật khốc liệt, có cảnh bộ đội ta đào hầm hào chiến đấu, có máy bay quần đảo, có xe tăng, đạn bom, có mất mát, đau thương không kể xiết, có sự sống cái chết trong gang tấc... Chiến tranh được nhìn, khai thác trong khoảng lặng của tình yêu nước, tình yêu cuộc sống, con người, tình yêu lứa đôi. Chính cách tìm tòi này đã khơi dậy sức sống Việt Nam đang tiềm ẩn trong huyết quản mỗi người dân yêu nước.

Ký ức Điện Biên

Ký ức Điện Biên do đạo diễn Đỗ Minh Tuấn cầm trịch, sản xuất năm 2004. Phim được Hãng phim truyện Việt Nam thực hiện và được nhà nước cấp kinh phí để làm nhân kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ. Ban đầu, bộ phim mang tên Người hàng binh theo kịch bản của Nguyễn Thị Hồng Ngát và Đỗ Minh Tuấn, về sau được đổi tên thành Ký ức Điện Biên.

Bộ phim diễn ra theo lời kể của Bạo, một lính vệ quốc đoàn trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Nhiều năm sau chiến tranh, ông gặp lại Bernard, người hàng binh trước kia. Vào thời gian chiến tranh, Bernard là một lính Pháp quyết định đầu hàng khi chứng kiến sự tàn khốc của cuộc chiến mình tham gia. Bernard gặp Bạo và được Bạo đưa về vùng hậu cứ để khai thác thông tin. Trong chuyến hành trình, Bernard bị thương và được y tá Mây chăm sóc. Chứng kiến khí thế hào hùng của quân và dân Việt Nam, Bernard thay đổi thái độ, muốn trở lại chiến trường để khai thêm thông tin giúp quân ta chiếm sân bay Mường Thanh.

Mây ngày càng gần gũi với Bernard khi thấy anh tham gia làm anh nuôi, khiến Bạo bối rối và bất lực. Trong một đêm mưa, khi thấy vắng Bernard, nghĩ rằng Bernard bỏ trốn, Bạo đã vác súng đi tìm để giết anh. Mây đuổi theo can ngăn Bạo nhưng không được. Khi chứng kiến cảnh Bernard ngồi khóc giữa bãi xác đồng đội, Bạo như tỉnh ngộ.

Chính trong khoảnh khắc bừng tỉnh tính nhân văn ấy, anh đã có Mây. Cảnh Mây ôm choàng lấy Bạo khi mũi súng hạ xuống hiện lên như bức tượng của nhân tính và tình yêu trên nền trời đêm rực rỡ những vệt pháo sáng bay lên. Sau này, khi quan hệ giữa Bạo và Bernard tốt đẹp hơn, Bạo vẫn phải tiếp tục đối mặt với trận chiến tại Điện Biên.

Đạo diễn Đỗ Minh Tuấn cho biết, đây là bộ phim kỷ niệm đầu tiên nhìn sự kiện lịch sử từ góc nhìn văn hóa đa chiều với cách tiếp cận đa phương tiện, anh cũng cố gắng tái hiện ký ức về chiến thắng Điện Biên Phủ từ góc nhìn nhân văn để xây dựng hình tượng điện ảnh về chiến thắng này, khôi phục những ký ức hào hùng cảm động của dân tộc.

Đường lên Điện Biên

Phim Đường lên Điện Biên dài 26 tập (45 phút/tập) do Đài Truyền hình Việt Nam phối hợp cùng Hãng phim Truyện Việt Nam sản xuất năm 2014. Kịch bản phim do 2 nhà văn Từ Nguyên Trực và Khuất Quang Thụy chuyển thể từ tiểu thuyết Đường lên Tây Bắc và Đại đội trưởng của tôi của cố nhà văn Mai Vui.

Bộ phim xoay quanh hành trình của Tiểu đoàn 5 - tiểu đoàn bộ binh chủ lực trong chuyến hành quân xuyên Tây Bắc tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ. Họ là những người lính vệ quốc hào hoa, mang khí phách của những thanh niên Thủ đô ngày ấy, gác bút nghiên đi kháng chiến với bao hoài bão, ý thức trách nhiệm khi Tổ quốc lâm nguy: "Những chàng trai chưa trắng nợ anh hùng/ Hồn mười phương phất phơ cờ đỏ thắm/ Rách tả tơi rồi đôi giày vạn dặm/ Bụi trường chinh phai bạc áo hào hoa... Nghe tiếng gọi của những người Hà Nội/ Trở về, trở về, chiếm lại quê hương" (Ngày về - Chính Hữu).

Đi cùng với Tiểu đoàn là một đoàn quân đặc biệt với hơn 500 cô gái dân công xinh đẹp, nết na, tạm rời lớp học, đồng quê, làng xóm, gia đình tham gia đoàn dân công hỏa tuyến lên Điện Biên.

Tiểu đội trưởng bộ đội chủ lực Hùng (diễn viên Nguyễn Mạnh Trường) về thăm nhà sau nhiều năm chiến đấu xa quê. Bao mong ước cho ngày phép ngắn ngủi đoàn viên thì anh hay tin vợ đã bỏ nhà đi theo người khác.

Dịp này, Hùng gặp Hà (diễn viên Nguyễn Huyền Trang), cô du kích địa phương đẹp người, đẹp nết. Theo tục tảo hôn, Hà bị gả bán làm vợ cậu bé mới 10 tuổi... Trở về đơn vị, Hùng cùng đồng đội chuẩn bị tấn công những cứ điểm trên chiến trường Điện Biên Phủ. Cùng đơn vị anh có Hào (diễn viên Nguyễn Mạnh Hưng) là liên lạc viên đẹp trai, hào hoa. Hào cảm mến và đem lòng yêu Diên - cô gái Thái xinh đẹp ở nơi đơn vị anh đóng quân.

Hùng gặp lại Hà đang hành quân cùng đoàn thanh niên xung phong tại chiến trường Điện Biên. 2 hoàn cảnh, 2 số phận khiến Hùng và Hà cảm mến, thương nhau, hẹn ngày hòa bình sẽ làm lễ cưới. Nhưng cuộc chiến quá khốc liệt. Biết bao chiến sĩ đã hy sinh trong hành trình đến ngày chiến thắng. Hà đã hy sinh tại đơn vị Quân y 316, lỗi hẹn với một đám cưới vào ngày hòa bình...

Trong hành trình lên Điện Biên, bên cạnh sự khốc liệt của cuộc chiến là vẻ đẹp trong trẻo, hồn hậu, tinh tế của những chàng trai, cô gái hào hoa, lãng mạn thuộc 2 đơn vị cùng đích đến Điện Biên. Máu và nước mắt trong phim mang lại cho người xem cảm xúc lãng mạn mà bi tráng.

 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục