Ghé thăm Mường Phăng - nơi đặt Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ

Khu di tích lịch sử Mường Phăng là một “địa chỉ đỏ” của khách du lịch muốn tham quan, tìm hiểu những giá trị lịch sử làm nên chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” cách đây 7 thập kỷ.

Đến với Điện Biên những ngày tháng Tư lịch sử, du khách thập phương không thể bỏ qua Khu di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ tại xã Mường Phăng, thành phố Điện Biên Phủ.

Ẩn mình giữa khu rừng nguyên sinh dưới chân núi Pú Đồn (xã Mường Phăng), Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ là nơi Đại tướng Võ Nguyên Giáp chọn làm trung tâm chỉ huy chiến dịch từ ngày 31/1-15/5/1954.

Nơi đây cách trung tâm thành phố Điện Biên Phủ hơn 30km, được đảm bảo tuyệt đối về bí mật và an toàn. Từ Sở Chỉ huy này, đi lên điểm cao nhất, có thể quan sát toàn bộ thành phố Điện Biên Phủ, thung lũng Mường Thanh và các cứ điểm trước kia của quân Pháp như đồi Him Lam, đồi Độc Lập, đồi D1, đồi C1, đồi A1...

Dưới tán rừng Mường Phăng, những đoàn người cứ thế nối nhau men theo con đường mòn lát đá, tiến sâu vào khu rừng huyền thoại. Dù đã 70 năm trôi qua, song tất cả công trình tại đây đều được giữ gìn vẹn nguyên, từ đường hầm, những lán ở và làm việc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp và các thành viên Bộ Tổng tham mưu hay đài quan sát, nhà hội trường, bếp Hoàng Cầm... tạo cho du khách cảm nhận được nét đơn sơ, giản dị trong sinh hoạt và làm việc của những vị lãnh đạo lừng lẫy.

Đến nay, Khu di tích lịch sử Mường Phăng đã trở thành một “địa chỉ đỏ” của khách du lịch mỗi khi về thăm Điện Biên Phủ. Ngoài được tham quan, tìm hiểu những giá trị lịch sử làm nên chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” cách đây 7 thập kỷ, du khách có thể hình dung về những khó khăn, gian khổ của quân đội ta trong những ngày tháng lịch sử.

Năm tháng đi qua, diện mạo căn cứ địa cách mạng Mường Phăng đang đổi thay và phát triển từng ngày giúp cho việc thăm quan của người dân, du khách được thuận lợi hơn. Bên cạnh đó, người dân Mường Phăng kiên cường năm xưa nay lại tiếp tục trân trọng, gìn giữ các di tích lịch sử biến thành lợi thế để phát triển kinh tế; xây dựng quê hương ngày càng phát triển, đời sống người dân ấm no, xứng danh vùng đất lịch sử anh hùng./.

(Vietnam+)