Thầy thuốc tim mạch Việt Nam phối hợp cứu người bệnh trong gang tấc

Các bác sĩ Viện Tim mạch Việt Nam vừa cứu sống một bệnh nhân 77 tuổi bị phình động mạch chủ vỡ - tình trạng tối cấp cứu và nguy cơ tử vong gần như khó tránh khỏi nếu không được can thiệp kịp thời.

Các bác sĩ Viện Tim mạch Việt Nam thực hiện can thiệp cho bệnh nhân. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Các bác sĩ Viện Tim mạch Việt Nam thực hiện can thiệp cho bệnh nhân. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Chiều 6/5, Viện Tim mạch Việt Nam thông tin, các bác sĩ của Viện vừa can thiệp cấp cứu, cứu sống một bệnh nhân 77 tuổi bị phình động mạch chủ bị vỡ. Đây là tình trạng tối cấp cứu và nguy cơ tử vong gần như khó tránh khỏi nếu không được can thiệp kịp thời.

Bệnh nhân Q.T.T (nam 77 tuổi) tiền sử tăng huyết áp, đặt stent động mạch vành cách 8 năm nhập viện trong tình trạng đau bụng dữ dội.

Qua thăm khám, các bác sĩ tại bệnh viện tuyến trước phát hiện bệnh nhân có khối đập vùng bụng và chỉ định chụp phim cắt lớp vi tính, từ đó chẩn đoán có khối phình động mạch chủ bị vỡ gây tụ máu sau phúc mạc. Do đây là một ca bệnh khó và phức tạp nên các bác sĩ đã nhanh chóng hội chẩn trực tuyến với các chuyên gia Viện Tim Mạch Việt Nam (Bệnh viện Bạch Mai). Sau đó, các chuyên gia xác định tình trạng bệnh cần được xử lý cấp cứu.

Bệnh nhân được phối hợp chuyển thẳng đến phòng Tim mạch can thiệp Viện Tim Mạch Việt Nam đã được chuẩn bị trước. Trong thời gian hội chẩn và vận chuyển, các chuyên gia đã tính toán và chuẩn bị sẵn các trang thiết bị phù hợp và chuẩn bị nhân lực phòng can thiệp sẵn sàng để thực hiện thủ thuật cấp cứu.

Xác định đây là một trường hợp nặng, trên hình ảnh chụp cắt lớp khối phình đã vỡ ra khoang sau của ổ bụng, nguy cơ đe dọa đến tính mạng người bệnh, các bác sĩ tại Viện Tim Mạch Việt Nam đã tiến hành khởi động "Đội nhóm Tim mạch - Heart team" gồm: Bác sĩ phẫu thuật tim mạch, bác sĩ can thiệp tim mạch, bác sĩ hồi sức cùng thống nhất đưa ra chiến lược phù hợp nhất đối với trường hợp cụ thể này.

Với sự phối hợp nhịp nhàng và hết sức kịp thời của "Đội nhóm Tim mạch" cũng như tiên lượng chính xác diễn biến của người bệnh, các bác sĩ đã hàn gắn được đoạn động mạch chủ bị vỡ bằng hệ thống stent graft, thành công giúp bệnh nhân qua cơn nguy kịch.

Giáo sư Phạm Mạnh Hùng - Viện trưởng Viện Tim mạch Việt Nam, người trực tiếp chỉ đạo quá trình can thiệp cho biết đây là kỹ thuật xâm lấn tối thiểu, các bác sĩ đã đưa hệ thống Stent graft đi qua động mạch đùi bệnh nhân để kết nối và lót ở bên trong thành mạch giúp bảo vệ động mạch chủ khỏi áp lực của dòng máu và bảo vệ động mạch chủ khỏi vỡ.

Điều đặc biệt là các bác sĩ đã sáng kiến sử dụng một quả bóng đưa lên đoạn trên của động mạch chủ ngực trước chỗ phình vỡ để bơm bóng căng lên làm hạn chế dòng máu chảy xuống chỗ vỡ và giảm áp lực giảm tối đa chảy máu qua chỗ vỡ và giúp thao tác đặt stent graft an toàn hơn.

Sau khi được can thiệp, bệnh nhân Q.T.T được chuyển sang điều trị tại khoa Cấp cứu và hồi sức Tim mạch theo dõi sát. Kết quả chụp lại phim cắt lớp vi tính động mạch chủ cho thấy Stent graft áp thành tốt, hàn gắn giúp ngăn không cho áp lực dòng máu vào khối phình tạo thuận cho huyết khối toàn bộ khối phình động mạch chủ bụng giúp bảo vệ thành động mạch chủ bụng.

Giáo sư Phạm Mạnh Hùng phân tích, phình động mạch chủ bụng vỡ là một tình trạng tối cấp cứu, nguy cơ tử vong đặc biệt cao, cần được phát hiện sớm và xử trí kịp thời. Nếu không được can thiệp hoặc phẫu thuật cấp cứu kịp thời thì hầu như bệnh nhân không có cơ hội sống sót. Tuy phẫu thuật trước đây là biện pháp kinh điển để điều trị người bệnh, nhưng nguy cơ tử vong vẫn còn rất cao, nhất là đối với bệnh nhân lớn tuổi có nhiều bệnh nền đi kèm.

can 1.jpg
Các chuyên gia đã tính toán và chuẩn bị sẵn các trang thiết bị phù hợp và chuẩn bị nhân lực phòng can thiệp sẵn sàng để thực hiện thủ thuật cấp cứu. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Can thiệp động mạch chủ bụng với đường vào từ động mạch đùi rất nhỏ, ít xâm lấn nên bệnh nhân hồi phục nhanh chóng, có thể đi lại nhẹ nhàng ngay trong ngày đầu sau can thiệp. Bệnh nhận hồi phục hoàn toàn và xuất viện sau 3 ngày theo dõi và điều trị.

Qua trường hợp của bệnh nhân Q.T.T, các bác sĩ khuyến cáo người dân có các bệnh lý tim mạch nền nên thường xuyên theo dõi, kiểm tra sức khỏe. Trong trường hợp có triệu chứng cần đi khám để được chẩn đoán và xử trí kịp thời, tránh bỏ lỡ thời gian vàng để cứu sống người bệnh cũng như làm giảm các biến chứng cho người bệnh.

Viện trưởng Phạm Mạnh Hùng cho biết tỷ lệ bệnh nhân bệnh lý động mạch chủ được điều trị tại Viện tim mạch ngày càng gia tăng và đặt biệt có rất nhiều bệnh nhân vào viện trong tình trạng vỡ, dọa vỡ cần được xử lý phẫu thuật hoặc can thiệp cấp cứu ngay lập tức.

Những năm gần đây số bệnh nhân được áp dụng kỹ thuật can thiệp nội mạch điều trị cho bệnh nhân bệnh lý động mạch chủ tại Viện Tim mạch khoảng hơn 200 ca trong đó cấp cứu phình động mạch chủ bụng cần thực hiện can thiệp cấp cứu ngay lập tức khoảng 20-30 ca mang lại nhiều lợi ích cho người bệnh đặc biệt mang lại sự sống cho rất nhiều bệnh nhân phình động mạch chủ bụng vỡ vào viện trong tình trạng nguy kịch, sốc mất máu./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục