Đa dạng thị trường để đẩy mạnh xuất khẩu

16:02' - 06/05/2024
BNEWS Mặc dù xuất khẩu liên tục đạt kết quả khả quan nhưng việc đa dạng thị trường, hướng tới thị trường ngách, tiềm năng là giải pháp tối ưu giúp khai thông thị trường hướng tới phát triển bền vững.

Xuất khẩu hàng hoá từ đầu năm đến nay đạt kết quả khả quan và xuất siêu sang một số thị trường chủ lực như Hoa Kỳ, EU. Tuy nhiên, kinh tế toàn cầu năm 2024 được nhận định vẫn đối diện với nhiều rủi ro, khó đoán định và biến đổi khí hậu trong nước diễn biến bất thường được nhận định sẽ ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Do vậy, việc đa dạng thị trường, hướng tới thị trường ngách, tiềm năng sẽ giúp khai thông thị trường xuất khẩu, mở cửa thị trường. Nhưng để tận dụng được cơ hội, doanh nghiệp cần chú trọng nguồn hàng, đáp ứng yêu cầu về chất lượng, nâng cao hàm lượng giá trị gia tăng và bảo đảm đáp ứng yêu cầu về quy tắc xuất xứ.

Thống kê cho thấy, 4 tháng đầu năm 2024, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa đạt 238,88 tỷ USD, tăng 15,2% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, xuất khẩu tăng 15%; nhập khẩu tăng 15,4%. Đặc biệt, cả nước ghi nhận có 21 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 86,4% tổng kim ngạch xuất khẩu; trong đó, có 5 mặt hàng xuất khẩu trên 5 tỷ USD, chiếm 57,8%.

Đáng lưu ý, xuất khẩu sang các thị trường lớn như Hoa Kỳ, EU, Trung Quốc đều tăng trưởng 2 con số.Trong số đó, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 34,1 tỷ USD, tăng 19,1% so với cùng kỳ 2023. Xuất khẩu sang Trung Quốc đạt 18 tỷ USD, tăng 14,4%; xuất khẩu sang thị trường EU đạt 16,4 tỷ USD, tăng 15%; xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc 8,4 tỷ USD, tăng 10,2%.

Chia sẻ về đơn hàng xuất khẩu từ đầu năm đến nay, ông Thân Đức Việt- Tổng giám đốc Tổng công ty May 10-CTCP cho biết, quý I/2024 May 10 có đơn hàng tốt hơn so với quý I/2023. Đáng chú ý, các đơn hàng quý II và nửa đầu quý III/2024 cũng đã có những tín hiệu tích cực hơn. Các thị trường lớn tại Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản, và những thị trường mà doanh nghiệp mới khai thác như Canada, ASEAN, Trung Quốc đều có những lượng đặt hàng tương đối tốt.

Tương tự, Công ty cổ phần Tập đoàn Gia Định đã có đơn hàng nhận được của doanh nghiệp tăng hơn 30%, đảm bảo cho người lao động làm việc đến tháng 9-10/2024. Để có được lượng đơn hàng này, bên cạnh những khách hàng truyền thống như Mỹ và EU, Tập đoàn Gia Định đã mở rộng thêm khách hàng ở Nhật Bản, Hàn Quốc và khai thác những thị trường ngách như Nam Phi, Mexico…

Ngoài ra, với những doanh nghiệp xuất khẩu rau quả như Công ty CP Ameii Việt Nam trước đây thường hướng tới thị trường truyền thống như EU, Hoa Kỳ, Trung Quốc, các nước Đông Bắc Á. Thế nhưng, bắt nhịp thị trường, doanh nghiệp chuyển hướng tìm kiếm đơn hàng từ khu vực Trung Đông, Nam Á và hướng đến kế hoạch tăng doanh thu 50% trong năm 2024.

Theo ông Nguyễn Khắc Tiến - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Ameii Việt Nam trước đây, thị trường Kuwait ít đươc doanh nghiệp chú trọng nhưng 2 năm gần đây, doanh nghiệp bắt đầu khai phá với sản phẩm nông sản; trong đó, có quả vải và ghi nhận được rất nhiều phản hồi tích cực từ phía khách hàng.

Liên tục nhận được những đơn hàng sang các thị trường khó tính, ông Đinh Minh Tâm - Giám đốc Công ty TNHH Cỏ May (Đồng Tháp) cho hay, những tháng đầu năm đơn hàng từ các thị trường chủ lực như châu Âu, Hong Kong (Trung Quốc) khá đều đặn. Theo đó, trung bình mỗi tháng đơn vị xuất khẩu 2 container gạo sang các thị trường này.

Riêng thị trường Hoa Kỳ, nhờ nhu cầu gạo tăng lên mỗi năm nên doanh nghiệp vẫn còn nhiều dư địa để mở rộng xuất khẩu. Đặc biệt, các thị trường xuất khẩu chính của doanh nghiệp đều tăng trưởng tốt với giá bán cao. Cỏ May chỉ xuất gạo lúa tôm, lúa tôm sinh thái. Từ đầu năm đến nay, điều kiện thị trường, thị phần tăng đều trưởng tốt, giá bán cao trên 1.000 USD/tấn.

Mặc dù vậy, các chuyên gia thương mại cho rằng: Nhiều doanh nghiệp đang phải đối mặt với nhiều thách thức lớn trong hoạt động xuất khẩu. Đơn cử, tại thị trường EU, một loạt quy định về sản phẩm sinh thái, trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất, truy xuất chuỗi cung ứng, yêu cầu về giảm thiểu phát thải carbon đối với các sản phẩm sản xuất… đã và sẽ được thực thi thời gian tới và yêu cầu quốc gia xuất khẩu vào thị trường EU phải tuân thủ. Đây là thách thức lớn đối với các nhà sản xuất; trong đó, có Việt Nam.

Vì vậy, để duy trì gam màu sáng trong bức tranh xuất khẩu, nhiều chuyên gia khuyến nghị doanh nghiệp cần tận dụng tối đa tiềm năng của thị trường mà Việt Nam đã ký kết Hiệp định thương mại tự do (FTA), nhất là các thị trường lân cận của Việt Nam, nơi mà có các FTA với ưu đãi lớn như khu vực Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), khu vực Mậu dịch Tự do ASEAN hay khối thị trường Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Cùng với đó là khai thác các thị trường mới, nhiều tiềm năng dư địa cho xuất khẩu như châu Phi, Trung Đông, Nam Mỹ.

Theo chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh, Việt Nam đã và đang tham gia 19 FTA song phương và đa phương với hầu hết các nền kinh tế trên thế giới; trong đó, 16/19 FTA đã có hiệu lực với hơn 60 đối tác, phủ rộng khắp các châu lục, với tổng GDP chiếm gần 90% GDP toàn cầu... Do vậy, bên cạnh việc tận dụng cơ hội từ các FTA, đồng thời khai thác thị trường mới, cũng như sử dụng sản phẩm ngách để tạo lợi thế cạnh tranh sẽ giúp doanh nghiệp giải phóng hàng tồn, mở ra cơ hội cho xuất khẩu bền vững.

Nhận định xung quanh mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu năm 2024, ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) khẳng định, Bộ Công Thương đang tiếp tục nỗ lực triển khai nhiều giải pháp đã đề ra. Đặc biệt sẽ mở rộng đàm phán các FTA, phổ biến để hiện thực hóa các ưu đãi từ FTA mà Việt Nam đã ký kết và đi vào thực thi. Đổi mới hoạt động xúc tiến thương mại, thực hiện chuyển đổi số.

Tuy nhiên, về phía doanh nghiệp cần đẩy mạnh đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa ngành hàng để giảm bớt sự phụ thuộc vào các thị trường/ngành hàng truyển thống. Cụ thể, phát triển các thị trường khu vực Bắc Âu, đông Âu, Mỹ La Tinh tuy nhỏ nhưng đang có tốc độ tăng trưởng cao và còn nhiều dư địa khai thác. Ngoài ra, doanh nghiệp cần tranh thủ sự hồi phục nhanh của các thị trường khu vực Asean và một số nước châu Á để đẩy mạnh xuất khẩu trong thời gian tới.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục