Khoảng 1/3 nhân loại đối mặt nạn đói nhưng tỷ lệ lãng phí thực phẩm vẫn tăng cao

Theo UNEP, gần 1/5 lượng thực phẩm được sản xuất trên toàn cầu trong năm 2022 đã bị lãng phí (tương đương 1,05 tỷ tấn), mặc dù khoảng 1/3 nhân loại đang phải đối mặt nạn đói.

Các em nhỏ nhận thực phẩm cứu trợ tại thành phố Rafah, Dải Gaza, ngày 28/4/2024. (Ảnh: THX/TTXVN)
Các em nhỏ nhận thực phẩm cứu trợ tại thành phố Rafah, Dải Gaza, ngày 28/4/2024. (Ảnh: THX/TTXVN)

Theo báo cáo Chỉ số Rác thải thực phẩm của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP), gần 1/5 lượng thực phẩm được sản xuất trên toàn cầu trong năm 2022 đã bị lãng phí (tương đương 1,05 tỷ tấn), mặc dù khoảng 1/3 nhân loại đang phải đối mặt nạn đói.

Báo cáo trên được công bố vào cuối tháng Ba vừa qua, khi UNEP đang theo sát tiến độ của các quốc gia trong nỗ lực giảm 50% lượng rác thải thực phẩm vào năm 2030 được đề ra trong Mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc.

Tuy nhiên, số liệu thống kê nói trên tồi tệ hơn nhiều so với con số ghi nhận trong báo cáo trước đó - công bố năm 2021, khi lượng rác thải thực phẩm của năm 2019 là 931 triệu tấn.

Dữ liệu từ báo cáo mới nhất cho thấy trong số 1,05 tỷ tấn rác thải thực phẩm của năm 2022, có khoảng 60% đến từ các hộ gia đình, trong khi tỷ lệ này ở lĩnh vực dịch vụ thực phẩm và bán lẻ lần lượt khoảng 28% và 12%.

Tính trung bình, mỗi người bỏ phí 79kg thực phẩm/năm - tương đương 1,3 bữa ăn/ngày đối với những người trên thế giới bị ảnh hưởng bởi nạn đói. Trong khi đó, khoảng 29,6% dân số toàn cầu đang phải đối mặt tình trạng mất an ninh lương thực.

Theo báo cáo, tình trạng lãng phí thực phẩm cũng tác động đến khí hậu. Những dữ liệu gần đây cho thấy thất thoát và lãng phí lương thực gây ra 8-10% lượng phát thải khí nhà kính hằng năm trên toàn cầu, gần gấp 5 lần mức phát thải của ngành hàng không.

Trong một thông cáo báo chí, Giám đốc điều hành UNEP Inger Andersen cho biết: “Đây không chỉ là một vấn đề lớn đối với sự phát triển toàn cầu, mà tác động của lượng rác thải chúng ta hoàn toàn có thể kiểm soát này đang gây ra tổn thất đáng kể cho khí hậu và thiên nhiên."

Theo báo cáo của UNEP, Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) có thể đóng vai trò "đầu tàu" trong hợp tác quốc tế và phát triển chính sách nhằm đạt được mục tiêu hạn chế rác thải thực phẩm, đồng thời có thể chia sẻ kiến thức chuyên môn với các nước mới bắt đầu ứng phó vấn đề này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục