Xem xét bố trí vốn gia cố 12 hầm yếu trên tuyến đường sắt

14:35' - 05/05/2024
BNEWS Sau khi khắc phục xong sự cố sập hầm Bãi Gió, các cấp có thẩm quyền xem xét bố trí vốn gia cố bước 1 đối với 12 hầm yếu trên tuyến

 

Trước con số thống kê gần 1.100 điểm đen và điểm tiềm ẩn có nguy cơ xảy ra tai nạn đường sắt, cũng như sự cố sập hầm Bãi Gió đoạn qua Đèo Cả giữa tỉnh Phú Yên và Khánh Hoà vừa qua, nhiều giải pháp kiểm soát an toàn giao thông đường sắt đang được đặt ra.

 

Theo Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) Đặng Sỹ Mạnh, sau khi khắc phục xong sự cố sập hầm Bãi Gió, các cấp có thẩm quyền xem xét bố trí vốn gia cố bước 1 đối với 12 hầm yếu trên tuyến cần phải ưu tiên xử lý với kinh phí dự kiến dưới 500 tỷ đồng. Cùng đó, có phương án xử lý 27 hầm yếu trên toàn tuyến đường sắt Thống nhất.

Tại địa phương, để đảm bảo an toàn giao thông đường sắt, các chủ thể liên quan phải áp dụng các biện pháp tạm thời như cảnh giới, thu hẹp lối đi, cắm biển hạn chế phương tiện, biển cảnh báo.

Một số địa phương đã chủ động đầu tư kinh phí rào đóng xóa bỏ các lối đi tự mở nguy hiểm, duy trì cảnh giới an toàn giao thông; hỗ trợ giải phóng mặt bằng cho các dự án xây dựng hệ thống đường gom, hàng rào cách ly dọc đường sắt vốn ngân sách Trung ương, giúp việc đi lại của nhân dân được thuận lợi, an toàn.

Theo Đề án Đảm bảo trật tự hành lang an toàn giao thông đường sắt và xử lý dứt điểm lối đi tự mở qua đường sắt được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 10/3/2020, Bộ Giao thông Vận tải, ngành đường sắt và địa phương đã hoàn thành việc lập hồ sơ chi tiết và tổ chức quản lý vị trí nguy hiểm, lối đi tự mở. 34/34 tỉnh thành đã xây dựng kế hoạch, lộ trình thực hiện thu hẹp, giảm, xóa bỏ lối đi tự mở tại các địa phương.

Thống kê từ năm 2019 đến hết năm 2023, cả nước đã thực hiện xóa bỏ được 777/4.093 lối đi tự mở trên địa bàn khu vực đông dân cư có mật độ chạy tàu cao và tại các vị trí tiềm ẩn nguy cơ cao về tai nạn giao thông đường sắt; đồng thời, không để phát sinh lối đi tự mở trên các tuyến đường sắt.

Bộ Giao thông Vận tải và địa phương đã thực hiện rào thu hẹp chiều rộng của 1.348/1.805 lối đi tự mở xuống dưới 3 m đối với các lối đi tự mở có chiều rộng trên 3 m; cắm biển "Chú ý tàu hỏa" tại 2.993/3.316 lối đi tự mở; tổ chức cảnh giới tại 358/592 điểm.

Địa phương và ngành đường sắt hiện mới xây dựng được 20.757 m đường gom và 15.089 m hàng rào ngăn cách giữa đường bộ - đường sắt; xây dựng hầm chui được 2/149 hầm; xây dựng mới 3/297 đường ngang.

Theo báo cáo của Bộ Giao thông Vận tải trình Chính phủ về kết quả thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm trật tự an toàn giao thông lĩnh vực đường sắt từ năm 2019 đến hết năm 2023 vừa qua, trên các tuyến đường sắt hiện tồn tại 5 điểm đen (Km81+487, Km109+350, Km257+990, Km267+500, Km299+625 tuyến đường sắt Bắc - Nam) và 1.087 điểm tiềm ẩn có nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông đường sắt./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục