Vụ nghi ngộ độc thực phẩm ở Đồng Nai: Đoàn bác sỹ từ TP Hồ Chí Minh hỗ trợ điều trị ca nặng

Ngày 4/5, ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai cho biết, Bệnh viện đã mời đoàn bác sỹ từ Bệnh viện Nhi đồng 1 Thành phố Hồ Chí Minh trực tiếp xuống hội chẩn cùng các bác sỹ của đơn vị để cứu 2 bé nghi ngộ độc nặng sau khi ăn bánh mì thịt tại thành phố Long Khánh.

Chú thích ảnh
Bé trai trong vụ nghi ngộ độc thực phẩm ở Đồng Nai được điều trị tại Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Nhi đồng 1, Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh minh họa: Đinh Hằng/TTXVN

Theo ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Bệnh viện đang điều trị cho 13 bệnh nhi liên quan đến vụ nghi ngộ độc sau khi ăn bánh mì thịt tại cơ sở bánh mì B (thành phố Long Khánh); trong đó có 2 ca nặng đang thở máy, lọc máu chu kỳ thứ 2. Hai bệnh nhi này dù tình trạng đã cải thiện so với lúc đầu nhập viện (1 ca ngưng tim, ngưng thở), nhưng vẫn đang trong tình trạng nặng và phải lọc máu nhiều chu kỳ để lọc độc chất. Do đó, Bệnh viện mời đoàn bác sỹ từ Bệnh viện Nhi đồng 1 Thành phố Hồ Chí Minh trực tiếp xuống cùng các bác sỹ của đơn vị hội chẩn tìm ra phương án chữa trị phù hợp nhất.
 
Trực tiếp hội chẩn, điều trị cho 2 bệnh nhi nặng tại Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai, Phó Giáo sư, Tiến sỹ, bác sỹ Phạm Văn Quang, Trưởng khoa Hồi sức tích cực chống độc (Bệnh viện Nhi đồng 1 Thành phố Hồ Chí Minh) cho biết, 2 trường hợp này rất nặng. Một cháu 6 tuổi nhập viện trong tình trạng ngưng tim, ngưng thở, sốc nhiễm trùng nặng. Một cháu bị sốc nặng. “Chúng tôi đã hội chẩn, tiến hành lọc máu để cố gắng kiểm soát tình trạng nhiễm trùng. Hiện, huyết động học của 2 bệnh nhi này tạm ổn định nhưng 1 cháu 6 tuổi vẫn trong tình trạng nguy kịch”, bác sỹ Phạm Văn Quang cho biết.
 
Ngoài điều trị chống sốc, truyền dịch, vận mạch, lọc máu để loại bỏ các độc tố, 2 bệnh nhi này đã được lọc máu hấp phụ bằng quả lọc đặc biệt để loại bỏ độc tố và các chất không tốt cho bệnh nhân. Các bác sỹ chẩn đoán, các bệnh nhi bị sốc nhiễm trùng do nhiễm trùng huyết từ đường tiêu hóa, nghi ngộ độc thực phẩm. Tác nhân gây ngộ độc chính xác phải đợi kết quả phân lập vi sinh của cơ quan an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, những trường hợp nặng như vậy thường do 2 tác nhân chính là: tụ cầu hoặc Salmonella.
 
Theo số liệu cập nhật đến 10 giờ ngày 4/5, tổng số trường hợp nhập viện nghi ngộ độc sau khi ăn bánh mì ở Đồng Nai đã tăng lên 555 trường hợp; trong đó có 399 người đang điều trị tại các Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh, Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai, Bệnh viện Đa khoa Cao Su. Đến nay đã có 36 người điều trị khỏi và xuất viện.
 
Trước đó, phóng viên TTXVN đã đưa tin, tối 1/5, Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh (Đồng Nai) tiếp nhận và điều trị cho 73 bệnh nhân nghi ngộ độc thực phẩm sau khi ăn bánh mì. Các bệnh nhân nhập viện trong tình trạng sốt, đau bụng, nôn, tiêu chảy… do ăn bánh mì thịt tại cơ sở bánh mì B (phường Xuân Bình, thành phố Long Khánh) trong khoảng thời gian từ 15 - 19 giờ ngày 30/4/2024.
 
Lực lượng chức năng tỉnh Đồng Nai đã yêu cầu cơ sở tạm ngừng kinh doanh bánh mì cho đến khi có kết luận của cơ quan chức năng; đồng thời, phối hợp với cơ quan chức năng làm rõ nguyên nhân vụ việc.

Lê Xuân (TTXVN)
Năm người bị ngộ độc nhập viện sau khi ăn cá nóc
Năm người bị ngộ độc nhập viện sau khi ăn cá nóc

Ngày 4/5, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ngãi cho biết, đơn vị đang tích cực điều trị cho 4 bệnh nhân là người cùng gia đình tại thôn Tây An Vĩnh (huyện Lý Sơn) bị ngộ độc phải nhập viện điều trị sau khi ăn cá nóc. Ngoài ra, 1 người đang được điều trị tại Khoa Nhi tiêu hóa, Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN