Rà soát sau vụ nổ ở Đồng Nai: Nhiều cơ sở chế biến gỗ ở Bình Dương dùng lò hơi

Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Dương tổ chức các đoàn thanh, kiểm tra về an toàn vệ sinh lao động; rà soát, xây dựng quy trình, biện pháp làm việc, an toàn phòng, chống cháy nổ.

Hiện trường nơi xảy ra vụ nổ lò hơi tại Công ty TNHH gỗ Bình Minh khiến 6 người chết 7 người bị thương. (Ảnh: Sỹ Tuyên/TTXVN)
Hiện trường nơi xảy ra vụ nổ lò hơi tại Công ty TNHH gỗ Bình Minh khiến 6 người chết 7 người bị thương. (Ảnh: Sỹ Tuyên/TTXVN)

Liên quan vụ nổ lò hơi ở Đồng Nai gây thiệt hại nặng nề về tính mạng của 6 người lao động và khiến 5 người bị thương, ngày 2/5, trao đổi với phóng viên TTXVN, Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Dương Phạm Văn Tuyên cho biết qua rà soát hầu hết các công ty sản xuất, gia công chế biến gỗ trên địa bàn tỉnh đều sử dụng lò hơi cung cấp năng lượng nhiệt sấy gỗ và sử dụng bình chịu áp lực, cung cấp khí nén cho việc sơn, vệ sinh, ép...

Ông Phạm Văn Tuyên cho hay đa số các thiết bị này đều được kiểm định, đăng ký sử dụng với Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Dương và được sở cấp giấy xác nhận.

Trong quá trình quản lý, Sở cũng đã kiểm tra thực tế việc sử dụng các thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt này (nồi hơi, bình chứa khí nén, xe nâng, cầu trục, thang máy....). Trường hợp nào chưa được kiểm định và đăng ký sử dụng sẽ bị xử lý vi phạm hành chính theo quy định.

Theo ông Tuyên vẫn còn một vài doanh nghiệp nhỏ cố tình tránh né không thực hiện đúng quy định về an toàn lao động.

Trong tháng cao điểm về an toàn vệ sinh lao động năm 2024 được tổ chức từ ngày 1 - 31/5/2024, Sở đã đề nghị siết chặt quản lý sản xuất, đảm bảo an toàn lao động; tập trung rà soát các cơ sở gia công, chế biến đồ gỗ có sử dụng lò hơi.

Qua đó, Sở tiếp tục tổ chức các đoàn thanh, kiểm tra về an toàn vệ sinh lao động trong các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất; kiểm tra an toàn phòng cháy, chữa cháy các cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ như cơ sở sản xuất trong khu công nghiệp, kho có diện tích lớn, nhà cao tầng, chợ, trung tâm thương mại, dịch vụ có nhiều người tham gia, kinh doanh xăng dầu, gas…

Ngành chức năng tổ chức kiểm tra công tác an toàn hóa chất tại doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, sử dụng hóa chất, phân bón, thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật…, nhất là các doanh nghiệp kinh doanh, sử dụng vật liệu nổ công nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Cùng với đó, Sở hướng dẫn các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đổi mới, nâng cao chất lượng các hoạt động huấn luyện về an toàn vệ sinh lao động, chú trọng huấn luyện thực hành, kỹ năng làm việc an toàn cho người lao động; rà soát, xây dựng quy trình, biện pháp làm việc an toàn vệ sinh lao động, phòng, chống cháy nổ.

Ngành ứng dụng công nghệ thông tin trong kiểm soát các yếu tố nguy hiểm, có hại tại nơi làm việc, phòng ngừa tai nạn lao động; tiếp tục triển khai các hoạt động chăm sóc sức khỏe, cải thiện điều kiện làm việc, giảm căng thẳng tại nơi làm việc.

Đồng thời, lực lượng chức năng hướng dẫn người dân, doanh nghiệp, cơ sở trên địa bàn tỉnh cài đặt ứng dụng "Báo cháy 114" và quan tâm, theo dõi tài khoản Zalo "Cục Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy - Cứu hộ cứu nạn."

“Tỉnh đã ban hành văn bản đến các sở, ngành, các Ban Quản lý các khu công nghiệp để triển khai hướng dẫn các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh thuộc phạm vi quản lý tổ chức các hoạt động hưởng ứng trong tháng hành động cao điểm về an toàn vệ sinh lao động cho khoảng 9.000 đến 10.000 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh,” ông Phạm Văn Tuyên cho biết thêm./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục