Sẽ tổ chức 5 đợt kiểm tra kiến thức pháp luật bán hàng đa cấp

14:45' - 02/05/2024
BNEWS Để đảm bảo hành lang pháp lý trong quản lý bán hàng đa cấp, Bộ Công Thương sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra và cảnh báo để nâng cao nhận thức của người dân nhằm ngăn chặn hệ lụy xấu cho xã hội.

Trước việc kinh doanh biến tướng dựa trên mô hình kinh doanh đa cấp ngày càng diễn biến phức tạp và có xu hướng gia tăng, để đảm bảo hành lang pháp lý trong quản lý bán hàng đa cấp, Uỷ ban Cạnh tranh Quốc gia (Bộ Công Thương) cho biết sẽ tổ chức 5 đợt kiểm tra kiến thức pháp luật bán hàng đa cấp, kiến thức cho đầu mối tại địa phương. Theo đó, 3 điểm kiểm tra sẽ tập trung tại Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh và Tp. Đà Nẵng và thời gian kéo dài đến hết tháng 11/2024.

Theo Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia, hiện nay trên cả nước có 20 doanh nghiệp có giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp đang hoạt động. Tổng số lượng người tham gia bán hàng đa cấp khoảng 750.000 người, doanh thu tăng trưởng tốt từ 10 - 20%/năm, đóng góp tích cực vào ngân sách Nhà nước. Đặc biệt, hoạt động của doanh nghiệp bán hàng đa cấp có giấy phép đã cơ bản đi vào ổn định, ít xảy ra vụ việc đa cấp biến tướng gây xôn xao dư luận như trước đây.

Mặc dù doanh nghiệp chủ yếu đào tạo cơ bản cho người tham gia bán hàng đa cấp bằng phương thức đào tạo trực tuyến chiếm xấp xỉ 98%. Thế nhưng, vẫn có dấu hiệu thực hiện đào tạo cơ bản đối phó hoặckhông giám sát chặt chẽ để người tham gia bán hàng đa cấp vi phạm quy tắc và quy định pháp luật trong quá trình hoạt động. Hơn nữa, số lượng người tham gia bán hàng đa cấp rất đông nên vẫn còn những biểu hiện chưa tuân thủ pháp luật trong việc tổ chức hoạt động hội họp, đào tạo, tập huấn. 

Ngoài ra, số lượng người tham gia mới và chấm dứt hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp vẫn có sự biến động lớn, nhất là ở một số doanh nghiệp có số lượng người tham gia đông như Amway, New Image, Herbalife, Oriflame…Cùng đó, tỷ lệ người tham gia có thực hiện hoạt động bán hàng tiếp tục có xu hướng tăng, đồng thời số lượng người chỉ ký hợp đồng để hưởng mức chiết khấu ưu đãi có xu hướng giảm.

Chia sẻ thêm về vấn đề này, ông Lê Triệu Dũng, Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia cho biết, việc thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm được Bộ Công Thương thực hiện thường xuyên. Hầu hết các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã ban hành và triển khai quy chế phối hợp trong giám sát, kiểm tra, xử lý vi phạm trong hoạt động bán hàng đa cấp. Nhiều doanh nghiệp vi phạm đã bị xử phạt nghiêm minh và thu hồi giấy chứng nhận đăng ký.

Thống kê cho thấy, từ năm 2016 trở lại đây, Bộ Công Thương đã thu hồi giấy chứng nhận và chấm dứt, tạm ngừng hoạt động bán hàng đa cấp đối với 25 doanh nghiệp, khởi xướng điều tra 65 vụ việc, xử phạt 64 trường hợp với tổng tiền phạt là 11 tỷ đồng. Riêng năm 2023, Bộ Công Thương đã xử phạt vi phạm hành chính 5 doanh nghiệp bán hàng đa cấp và 1 cá nhân người tham gia bán hàng đa cấp tổng số tiền phạt hơn 1,1 tỷ đồng. Các vi phạm được công bố công khai trên trang thông tin điện tử của Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia nên việc tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp đã có chuyển biến tích cực.

Mới đây Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia đã xử phạt vi phạm hành chính Công ty TNHH Kyowon The Orm Việt Nam với số tiền 255 triệu đồng do không thực hiện đúng thủ tục sửa đổi, bổ sung giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp. Bên cạnh đó, hoạt động bán hàng đa cấp tại một số địa phương khi chưa được Sở Công Thương cấp xác nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp tại địa phương. 

Ngoài ra, công ty không thực hiện đúng quy tắc hoạt động công ty đã đăng ký; không thực hiện đúng quy định về việc thông báo danh sách đào tạo viên; chỉ định đào tạo viên không đáp ứng điều kiện để thực hiện đào tạo cơ bản cho người tham gia bán hàng đa cấp và thực hiện không đúng trách nhiệm báo cáo của doanh nghiệp.

Đối với Công ty TNHH Total Swiss Việt Nam bị xử phạt số tiền 140 triệu đồng do chỉ định đào tạo viên không đáp ứng điều kiện để thực hiện đào tạo cơ bản cho người tham gia bán hàng đa cấp; thực hiện không đúng việc đào tạo cơ bản cho người tham gia bán hàng đa cấp theo quy định của pháp luật; thực hiện không đúng trách nhiệm báo cáo của doanh nghiệp.

Cũng theo ông Lê Triệu Dũng, khi phát hiện hoặc tiếp nhận thông tin về dấu hiệu của hoạt động kinh doanh đa cấp không phép, biến tướng, Bộ Công Thương đã chuyển thông tin, tài liệu đến các cơ quan, đơn vị liên quan của Bộ Công an để theo dõi, tiến đến xử lý hình sự theo quy định tại qua Điều 217a Bộ luật Hình sự. Đồng thời, phối hợp trả lời, cung cấp thông tin cho cơ quan công an Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh, Hà Tĩnh, Hà Nam, Quảng Bình, Đà Nẵng trong việc xác định, xử lý  hoạt động kinh doanh đa cấp có dấu hiệu bất hợp pháp…

Đại diện Sở Công Thương Bắc Giang cho hay: Gần đây, trên địa bàn một số huyện, thành phố của tỉnh Bắc Giang xuất hiện tình trạng tổ chức, cá nhân bán hàng lưu động tại các nhà hàng, thậm chí tại nhà riêng của người dân để tổ chức giới thiệu, bán sản phẩm thực phẩm chức năng, hóa mỹ phẩm kết hợp với tư vấn khám sức khỏe miễn phí, khuyến mại, tặng quà, lợi dụng trà trộn, bán hàng kém chất lượng, giá cao; làm ảnh hưởng quyền lợi người tiêu dùng và tình hình an ninh trật tự ở địa phương. Do đó, Sở Công Thương Bắc Giang mới đây đã có văn bản gửi các sở, ngành liên quan đề nghị phối hợp, theo chức năng, nhiệm vụ được giao, tiếp tục tăng cường quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp trên địa bàn theo quy định của pháp luật.

Hơn nữa, tăng cường giám sát, thanh tra, kiểm tra hoạt động bán hàng đa cấp nói chung và hội nghị, hội thảo, đào tạo về bán hàng đa cấp nói riêng của doanh nghiệp và người tham gia bán hàng đa cấp tại địa phương. Mặt khác, Sở Công Thương khuyến cáo người dân không tham gia hoạt động kinh doanh đa cấp không phép, biến tướng, hành vi bán hàng, giới thiệu sản phẩm không lành mạnh, trá hình, lợi dụng sự thiếu hiểu biết, thiếu thông tin của người tiêu dùng để trục lợi…

Về phía Bộ Công Thương, nhằm đảm bảo hành lang pháp lý quản lý hoạt động bán hàng đa cấp, Bộ Công Thương đã liên tục tham mưu xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp.

Cụ thể gồm Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023, Nghị định số 18/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 40/2018/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp, Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Thông tư số 12/2023/TT-BCT của Bộ Công Thương sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 10/2018/TT-BCT quy định chi tiết một số điều của Nghị định số 40/2018/NĐ-CP ngày 12/3/2018 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp…

Đối với nhóm doanh nghiệp có giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp, Bộ Công Thương tiếp tục thanh tra, kiểm tra hàng năm và xử lý nghiêm minh với hành vi vi phạm. Đặc biệt, Bộ Công Thương đã ban hành văn bản đề nghị các Sở Công Thương tăng cường quản lý tại địa phương và yêu cầu doanh nghiệp tuân thủ nghiêm túc quy định về tổ chức hội nghị, hội thảo, đào tạo

Để tiếp tục chấn chỉnh hoạt động kinh doanh đa cấp, ông Lê Triệu Dũng cho biết: Tới đây, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục triển khai giải pháp đã phát huy hiệu quả; trong đó, tập trung vào 2 nhóm đối tượng chính. Cụ thể, doanh nghiệp có giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp, Bộ tiếp tục phát huy giải pháp quản lý hiệu quả, xử lý kịp thời doanh nghiệp hoạt động biến tướng.

Đối với hình thức biến tướng không thuộc phạm vi quản lý của Bộ Công Thương, Uỷ ban Cạnh tranh Quốc gia sẽ tăng cường tuyên truyền, cảnh báo để nâng cao nhận thức của người dân. Cùng đó, phối hợp với các bộ, ngành, lực lượng liên quan, nhất là cơ quan công an, xử lý nghiêm trường hợp vi phạm, nâng cao tính răn đe và ngăn chặn hệ lụy xấu cho xã hội.

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục rà soát quy định pháp luật hiện hành và nghiên cứu, học tập kinh nghiệm quốc tế để tham mưu sửa đổi, bổ sung quy định pháp luật về quản lý kinh doanh đa cấp phù hợp với thực tế tại Việt Nam.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục