Liệt sĩ Thu Hồng và những dòng nhật ký

Mùa xuân năm nay, cùng với anh trai - nhà báo, nhà văn Trần Mai Hạnh- tôi có dịp thăm lại cầu Hiền Lương, sông Bến Hải, nơi đất nước một thời cắt chia. Chúng tôi đã đến nghĩa trang Gio Linh, thắp hương tưởng nhớ liệt sĩ Thu Hồng và các anh hùng liệt sĩ trên mảnh đất địa đầu giới tuyến.

Chú thích ảnh
Chân dung liệt sĩ Thu Hồng trước khi chị hy sinh. Ảnh do nhà báo Trần Mai Hưởng, phóng viên TTXGP, chụp ngày 25/2/1972 tại xã Gio Mỹ, huyện Gio Linh, Quảng Trị.

Lâu nay, bức ảnh về Thu Hồng đã quen thuộc với bạn đọc. Đấy là hình ảnh đẹp về một người con gái đã ngã xuống trên mảnh đất quê hương mình trong cuộc chiến đấu vì độc lập tự do. Đấy cũng là một trong những bức ảnh đầu tiên tôi chụp khi vào mặt trận Quảng Trị đầu năm 1972. Những di vật của Thu Hồng để lại còn có cuốn nhật ký, những trang viết cho thấy suy nghĩ, tâm tư của chị đến sát ngày chị hy sinh. Trong chuyến đi lần này, sau 52 năm, tôi mới có dịp cầm lại cuốn nhật ký ấy, một câu chuyện cũng rất đặc biệt đối với tôi.

Khi chúng tôi đến nghĩa trang Dốc Miếu, những cán bộ, chiến sĩ trong đội du kích Gio Mỹ, các đồng đội của chị Thu Hồng năm xưa đã chờ sẵn. Khi biết tin về chuyến đi của anh Trần Mai Hạnh và tôi, chị Thu Lan, các anh Nguyễn An Trung, Nguyễn Chính Nghĩa, những người em ruột của chị Thu Hồng từ Hà Nội vào, thành phố Hồ Chí Minh, từ Huế ra cùng có mặt. Chúng tôi gặp lại những người trong đội du kích xã Gio Mỹ từ hơn 50 năm trước. Các anh Nguyễn Văn Em, Trần Xuân Tiếp, Nguyễn Thị Thỉu... và nhiều anh chị khác. Tình cảm giữa chúng tôi với mọi người qua thời gian vẫn tự nhiên, thân thiết, không có khoảng cách nào.

Chú thích ảnh
Nhà báo Trần Mai Hưởng bên mộ liệt sĩ Thu Hồng tại nghĩa trang Gio Linh, 24/3/2024.

Bên mộ liệt sĩ Thu Hồng, cùng với những người thân và đồng đội của chị năm xưa, tôi đã đọc bài thơ “Tuổi Hai Mươi" viết về người con gái ấy:

Em gửi lại tuổi hai mươi trên cát
Cát trắng tinh khôi tự bao đời
Mãi tươi trẻ đón từng cơn gió nhẹ 
Chạy lại xao như sóng khắp chân đồi

Và:

Cát trắng hôm nay níu bước chân về
Bao la nắng và xôn xao biển hát
Kể về người con gái trắng trong như ngọc
Giữa lòng cát quê hương vẫn sáng tựa trăng rằm

Trong cuộc gặp, tôi khá bất ngờ khi Nguyễn An Trung, em ruột liệt sĩ Thu Hồng, một cán bộ cao cấp trong ngành công an, đưa ra cuốn số nhỏ và giới thiệu với mọi người:

- Đây là Nhật ký của chị Thu Hồng. Sau khi chị Thu Hồng hy sinh, các đồng đội của chị trong đội du kích Gio Mỹ đã trao cuốn nhật ký này cho nhà báo Trần Mai Hưởng, phóng viên TTXGP, khi ấy đi chiến dịch ngang qua, để chuyển cho ba má tôi! Anh Hưởng đã có lần nói về cuốn nhật ký này, nhưng do thất lạc, nay gia đình mới tìm lại được!

Chú thích ảnh
Nhật ký của liệt sĩ Thu Hồng trên mộ của chị tại nghĩa trang Gio Linh.

Trong khi Nguyễn An Trung kính cẩn đặt cuốn nhật ký lên mộ liệt sĩ Thu Hồng, tôi nhớ lại mọi chuyện. Lần ấy, trong những ngày đầu chiến dịch, tôi hành quân qua Gio Mỹ, rất bàng hoàng nghe tin Thu Hồng hy sinh trong trận đánh ở cầu Bến Ngự quê hương. Xã đội trưởng Nguyễn Văn Em khi ấy đã trao cuốn nhật ký ấy cho tôi, nhờ tôi chuyển đến gia đình của Thu Hồng. Khi bơi qua sông Hiền Lương để về căn cứ phát bài, chuyển ảnh ra Hà Nội, tôi đã cẩn thận bọc kỹ cuốn nhật ký ấy trong túi ni lông, rồi cho cả ba lô trong một bao ni lông lớn cho khỏi ướt.

Về Vĩnh Linh, tôi đã nhờ các anh bên khu ủy chuyển cuốn nhật ký ấy cho ba má của Thu Hồng là bác Nguyễn Thư, Ủy viên thường vụ Tỉnh ủy Quảng Trị, Trưởng ban Dân vận và bác Nguyễn Thị Toàn, Phó Chủ tịch Hội liên hiệp phụ nữ giải phóng tỉnh. Rất tiếc là sau này, khi có dịp gặp và hỏi chuyện, chị Thu Lan, em liệt sĩ Thu Hồng, nói là gia đình không tìm thấy cuốn nhật ký đó! Rất may là gần đây, khi tìm lại những đồ đạc, tài liệu của gia đình lưu gửi ở nhiều nơi trong những năm chiến tranh và hòa bình, anh Nguyễn An Trung mới tìm thấy cuốn nhật ký ấy.

Những trang nhật ký được ghi từ khi Thu Hồng rời trường học sinh miền Nam ở Đông Triều trở về tham gia công tác, chiến đấu trên quê hương Quảng Trị. Những ghi chép dành cho chính mình ấy đã cho thấy những suy nghĩ thật cao đẹp của người con gái ấy. 

Chú thích ảnh
Nhà báo Trần Mai Hưởng cùng những người thân và đồng đội của liệt sĩ Thu Hồng tại nghĩa trang Gio Linh.

Chị viết về những giây phút bên ba mẹ sau những năm xa cách và quyết tâm rèn luyện, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ: “Suốt ngày hôm nay được sống bên cạnh ba má, được ba má tâm sự và bày vẽ bao nhiêu chuyện sinh hoạt trong cuộc sống. Sao mà tình thương của ba má dối với mình có cái gì thiêng liêng và cao cả vô cùng. Suốt một buổi sáng ba má và mình đều soạn ba lô. Mình nhìn ba cái mũ giải phóng và ba cái thắt lưng… Thật là đáng tự hào! Trong lúc này, nhiệm vụ thiêng liêng và cao cả nhất mà Tổ quốc gọi chúng ta là tất cả trẻ già,  những người con yêu tổ quốc hãy đứng lên cầm súng đánh Mỹ cứu nước…”.

Và: “Có thể nói đêm nay một niềm vui... Con đã khóc rất nhiều khi má nằm tâm sự với con. Trong lòng mình dậy lên một tình thương mãnh liệt. Thương ba má và ba đứa em yêu quý của mình… Ba má kính yêu ơi! Con nguyện theo lời ba má, đem hết nghị lực của mình trong công tác. Con nguyện nốt gót theo truyền thống gia đình và những người thân đã mất, quyết chiến đấu đến hơi thở cuối cùng …".

Chú thích ảnh
Các nhà báo Trần Mai Hạnh, Trần Mai Hưởng cùng hai người em trai của liệt sĩ Thu Hồng - Nguyễn An Trung (trái), Nguyễn Chính Nghĩa (thứ hai từ phải sang) trên cầu Hiền Lương.

Về tình cảm riêng tư còn nhiều e ấp với một người chiến sĩ, Thu Hồng rất trung thực với mình khi chị viết: 

“Sao mà mình mong và nhớ anh đến thế. Thật là mối tình đầu có gì rất đẹp và bí ẩn bên trong. Từ hôm xa nhau đến giờ, không lúc nào hình ảnh anh mờ đi trong tâm trí mình...". “Chính trị tư tưởng những ngày này rất tốt. Luôn nghĩ đến công tác sắp tới… Khuyết điểm: Nghĩ nặng về tình yêu làm cho mình có cái gì đó cứ xao xuyến bồi hồi. Nhớ ba má quá nhiều".

Dù vậy, chị Thu Hồng vẫn khắc ghi lời ba má:

“Ba má dặn hai đứa thương nhau thì phải trung thực, xác định đúng về lập trường và nhân sinh quan cách mạng, như chị Hồng Gấm… Khi yêu nhau phải hiểu nhau cả về hoàn cảnh gia đình, giúp đỡ nhau trong công tác để cùng tiến bộ… Ba má nói mình cứ nói thật để ba má biết và giúp đỡ… Song làm sao mà báo với ba má được trong lúc này vì anh và mình vẫn còn nhiều vấn đề chưa hiểu hết".

Thu Hồng ghi lại cảm tưởng những ngày đầu về với đội du kích xã: 

“Lần đầu tiên về gặp anh chị em đông đủ trong xã nhà và lần đầu tiên được ăn Tết với mọi người, sao mà vui thế. Suốt buổi sáng mình lao vào nấu ăn, anh Đồng ( bí thư Đảng ủy ) và anh Em ( xã đội trưởng ) cứ đùa: Sao vất vả quá đi Hồng à !… Mình suy nghĩ phải làm sao để anh chị em tin tưởng mình hơn. Lúc gặp mặt đông đủ, anh Đồng đứng lên phát biểu cảm tưởng và giới thiệu mình về công tác ở xã. Mình cũng đứng lên nói cảm nghĩ của một người con được về quê hương chiến đấu…”.

Kỷ niệm về các đồng chí hy sinh, Thu Hồng ghi lại:

“Chiều lên làm lễ truy điệu cho chị Cam, anh Sự, anh Hà… Gặp chú Soa, chú căn dặn: Cháu phải sống thế nào cho xứng đáng là con cha cháu ông. Qua buổi làm lễ truy điệu của các đồng chí trong đơn vị mình thấy được gương chiến đấu anh dũng của các đồng chí. Mình nguyện suốt đời sống theo gương các đồng chí trong xã đã hy sinh, đặc biệt là gương dũng cảm của chị Cam, vừa là đồng chí nhưng đồng thời là tình cảm chị em gia đình. Chị Cam kính yêu! Chị không còn nữa song hình ảnh và việc làm của chị sẽ sống mãi với em, em sẽ theo bước chị để làm những công việc được giao …”.

Giữa những trang nhật ký, Thu Hồng ghi câu thơ của nhà thơ Nam Hà mà ngày ấy, thế hệ chúng tôi đều thuộc:

Đất nước của những người con gái con trai
Đẹp như hoa hồng cứng hơn sắt thép
Xa nhau không hề rơi nước mắt
Nước mắt để dành cho ngày gặp mặt…

Không xa những dòng thơ ấy là lời ghi ngắn của Thu Hồng về cuộc gặp của chúng tôi, khi tôi cùng nhà báo Phạm Tài Nguyên, hai phóng viên TTXGP, về công tác ở Gio Mỹ, thời điểm mà tôi đã chụp bức ảnh Thu Hồng đang luyện tập chuẩn bị cho chiến dịch đang đến. Chị viết:

“...Hôm nay tập trung cao độ vào công việc. Gặp được hai anh nhà báo ở Hà Nội vào, tính vui vẻ dễ thương, có nhiều lúc nghiêm nghị, suy nghĩ…”.

Chú thích ảnh
 Sông Bến Hải một thời là ranh giới cắt chia.

Thời điểm Thu Hồng nhắc đến trong nhật ký ấy là sáng 25/2/1972 (Ngày 11 tháng Giêng năm Nhâm Tý ), một buổi sáng chân hòa ánh nắng trên thao trường của những người du kích xã Gio Mỹ, ngay bên dòng Bến Hải, cách căn cứ của quân Sài Gòn trên đồi 31, Gio Linh không xa. Đấy là những ngày căng thẳng, khẩn trương vì chiến dịch Tổng tiến công ở mặt trận Quảng Trị cũng như trên toàn chiến trường miền Nam đang đến.

Những dòng cuối cùng của cuốn nhật ký, Thu Hồng viết: “Đảng gọi con, Tổ quốc gọi con, con sẵn sàng có mặt! Con nguyện đi theo truyền thống của ba má, đem con tim và giọt máu của mình tô thắm màu cờ của Tổ quốc! Con sẽ thực hiện lời ba má dặn lúc chia tay. Con đã xác định rằng, nếu hạnh phúc dân tộc không có thì không có hạnh phúc gia đình. Tình yêu của chúng ta gắn liền với tình yêu dân tộc… Vì độc lập tự do của dân tộc, tôi nguyện ra đi chiến đấu đến hơi thở cuối cùng… Tôi vui sướng nhất là khi ngã xuống mà mọi người dân đều được hưởng tự do!

Tạm biệt dòng Nhật ký - 11h -29/3/1972".

Chú thích ảnh
Các nhà báo Trần Mai Hạnh, Trần Mai Hưởng và những người thân của liệt sĩ Thu Hồng tại nhà của gia đình (Huế, 25/3/2924).

Đấy chính là thời điểm Thu Hồng cùng đội du kích xã Gio Mỹ bước vào chiến dịch ngay trên quê hương, phối hợp với các đơn vị chủ lực, bộ đội địa phương trong toàn vùng. Chị hy sinh trong trận đánh đồn Bến Ngự  - Gio Linh ngay trong đêm 31/3/1972. Liệt sĩ Thu Hồng đã nêu tấm gương cao đẹp, sống với nguyện ước thiêng liêng, “chiến đấu đến hơi thở cuối cùng", vì sự nghiệp giải phóng dân tộc! Hình ảnh của chị sẽ sống mãi cùng quê hương đất nước, sống mãi trong lòng mọi người.

Trần Mai Hưởng
Cựu chiến binh Mỹ sang Việt Nam trao trả cuốn nhật ký cho gia đình liệt sĩ
Cựu chiến binh Mỹ sang Việt Nam trao trả cuốn nhật ký cho gia đình liệt sĩ

Sáng 5/3, tại trụ sở UBND xã Kỳ Xuân (huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh), UBND huyện Kỳ Anh đã tổ chức lễ tiếp nhận cuốn nhật kí của liệt sĩ Cao Xuân Tuất từ cựu binh Mỹ Peter Mathews.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN