Doanh nghiệp Nhật Bản kêu gọi chính phủ ngăn chặn đà mất giá của đồng yen

Nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ phàn nàn đồng yen yếu đang trở thành vấn đề đau đầu đối với du khách Nhật Bản, trong khi tạo ra lợi ích cho các du khách nước ngoài.

Đồng tiền mệnh giá 10.000 yen của Nhật Bản. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Đồng tiền mệnh giá 10.000 yen của Nhật Bản. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Giới lãnh đạo doanh nghiệp Nhật Bản vừa lên tiếng kêu gọi Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) sớm có sự điều chỉnh chính sách tiền tệ, nhằm ngăn chặn đà mất giá ngày càng lớn hơn của đồng yen, có thể dẫn đến những tác động tiêu cực đối với hoạt động doanh nghiệp và các thị trường hàng hóa.

Ngày 26/4, đồng yen Nhật Bản đã rơi xuống mức thấp nhất trong 34 năm, nằm quanh ngưỡng 158 yen đổi ngang 1 USD, sau khi các nhà hoạch định chính sách của BoJ tuyên bố tiếp tục duy trì lãi suất ngắn hạn trong phạm vi từ 0-0,1%.

Theo nhận định của giới phân tích thông báo của BoJ phần nào đã khiến đồng nội tệ của Nhật Bản suy yếu hơn nữa và những người theo dõi thị trường tin rằng khoảng cách lãi suất giữa Mỹ và Nhật Bản có thể sẽ vẫn còn kéo dài trong thời gian tới.

Đài truyền hình quốc gia Nhật Bản NHK đưa tin, các nhà lãnh đạo doanh nghiệp nội địa đang tăng cường kêu gọi ngân hàng trung ương điều chỉnh chính sách. Nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ phàn nàn đồng yen yếu đang trở thành vấn đề đau đầu đối với du khách Nhật Bản, trong khi tạo ra lợi ích cho các du khách nước ngoài.

Hiện “xứ sở anh đào” đang tận hưởng kỳ nghỉ lễ kéo dài đến ngày 6/5. Đài NHK trích dẫn khảo sát của công ty du lịch JTB cho biết khoảng 23,3 triệu người dân Nhật Bản, tương đương 90% mức trước đại dịch COVID-19, dự kiến sẽ đi du lịch trong kỳ nghỉ lễ này. Nhưng hơn 70% số người được hỏi chọn không thực hiện các chuyến đi qua đêm.

Trong ngành dịch vụ kinh doanh bán lẻ, Chủ tịch chuỗi siêu thị Akidai, Hiromichi Akiba, nói rằng đồng yen giảm giá đang tác động tiêu cực đến thói quen ăn uống của người Nhật Bản.

Ông chỉ ra rằng ngay cả thực phẩm nội địa cũng không tránh khỏi ảnh hưởng, do thức ăn chăn nuôi và phân bón phải nhập khẩu. Cùng với đó, chi phí vận chuyển, tiện ích công cộng và hầu hết các sản phẩm nông nghiệp đều đang tăng nhanh chóng và chưa có dấu hiệu dừng lại.

Ông Akiba cho biết, những người trong ngành từng nghĩ rằng việc chấm dứt lãi suất âm sẽ giúp mọi thứ dễ thở hơn, nhưng giờ đây, dường như tình hình sẽ chỉ trở nên tồi tệ hơn.

Phát biểu trong một cuộc họp báo sáng 23/4, Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Shunichi Suzuki khẳng định Nhật Bản sẽ có hành động thích hợp để ứng phó những biến động quá mức trên thị trường tiền tệ mà không loại trừ bất kỳ phương án nào.

Bộ trưởng Suzuki nói Chính phủ Nhật Bản đang theo dõi sát các diễn biến trên thị trường ngoại hối đồng thời duy trì liên lạc chặt chẽ với cơ quan quản lý tiền tệ của các quốc gia khác.

Trong cuộc họp báo hôm 26/4, Thống đốc BoJ Ueda Kazuo nhấn mạnh đồng yen yếu hơn không có tác động lớn đến tỷ lệ lạm phát cơ bản của Nhật Bản. Ông nhắc lại quan điểm rằng BoJ dự kiến sẽ tiếp tục chính sách tiền tệ nới lỏng trong thời điểm hiện tại.

Ngoài ra, ông Ueda cũng cho biết nếu tác động của đồng yen yếu hơn lên giá hàng hóa nói chung đạt đến mức không thể bỏ qua, nó sẽ được xem xét hoặc có thể được sử dụng làm cơ sở để BoJ đưa ra các quyết định về chính sách tiền tệ.

Tuy nhiên, bình luận của Thống đốc BoJ không được coi là một thông điệp mạnh mẽ nhằm kiểm soát sự mất giá của đồng yen và phần nào đã thúc đẩy các nhà đầu tư bán đồng tiền này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục