Thanh Hóa nắng nóng cao điểm có lúc đến 40 độ C ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân

Theo thông tin từ Đài Khí tượng thủy văn Thanh Hóa, trong những ngày nghỉ lễ 30/4 - 1/5, nhiệt độ thời tiết tại Thanh Hóa luôn ở mức cao, có lúc đến 40 độ C.

Chú thích ảnh
Lực lượng cứu hộ luôn ứng trực để xử lý các tình huống xảy ra, đảm bảo an toàn cho du khách tắm biển. 

Nắng nóng kéo dài đã ảnh hưởng không nhỏ đến sinh hoạt, sản xuất, sức khỏe của người dân trên địa bàn tỉnh.

Ghi nhận tại bãi biển Sầm Sơn (Thanh Hóa), nắng nóng đỉnh điểm trùng vào thời điểm nghỉ lễ 5 ngày, hàng vạn du khách trong và ngoài tỉnh đã đổ về khu vực này tắm biển tránh nóng.

Chị Lê Thị Huyền, du khách chia sẻ, mấy năm gần đây với những thay đổi đột phá từ giao thông, cơ sở hạ tầng, dịch vụ lưu trú… Sầm Sơn luôn là lựa chọn đầu tiên của gia đình tôi trong các kỳ nghỉ lễ. Tôi không nghĩ ngày đầu kỳ nghỉ mà Sầm Sơn lại đông như vậy, một số đoạn không thể len chân. Tuy vậy, mức giá được duy trì ổn định, không có tình trạng chèo kéo, thổi hay ép giá.

Tại huyện Triệu Sơn (Thanh Hóa), do nền nhiệt độ ngoài trời tăng cao, có nơi nhiệt độ mặt đường lên đến 45 độ C nên khoảng thời gian từ 9 giờ sáng người dân đã hạn chế ra ngoài đường để tránh nóng. Những lao động tự do làm việc ngoài trời như làm nông nghiệp, công nhân xây dựng… để đảm bảo hoàn thành công việc và không ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe buộc phải bắt đầu công việc thật sớm để được nghỉ khi nắng đỉnh điểm.

Anh Lê Ngọc Lâm, công nhân nhà máy gạch Tuynel trên địa bàn huyện Triệu Sơn cho biết, bình thường anh bắt đầu công việc lúc 7 giờ sáng, tuy nhiên, mấy ngày gần đây nắng nóng đỉnh điểm, nhiệt độ ngoài trời có lúc lên đến 45 độ C, nên anh phải tranh thủ đi làm từ 4 giờ sáng để kết thúc công việc trước 10 giờ trưa. Công việc của anh hàng ngày phải bốc xếp gạch từ trong các hầm lò ra ngoài nên rất mất sức và ra nhiều mồ hôi khi thời tiết nắng nóng. Để đảm bảo sức khỏe anh phải mang theo đồ bảo hộ và uống nước thường xuyên…

Tại các chợ dân sinh, thời tiết nắng nóng nên lượng mua sắm của người dân cũng giảm dần; nhiều mặt hàng tiêu dùng rơi vào tình trạng ế ẩm. Thay vì đi chợ nấu ăn, nắng nóng khuyến nhiều người dân chọn giải pháp mua đồ ăn sẵn, hoặc chế biến những đồ ăn nhẹ, đơn giản.

Chị Lê Thị Hường, tiểu thương chợ Giắt, thị trấn Triệu Sơn (Thanh Hóa) chia sẻ, những ngày nắng nóng, người dân chỉ tranh thủ đi chợ lúc sáng sớm; tầm 9 giờ sáng đến chiều chợ đã vắng bóng người mua. Hàng quán ế ẩm, các tiểu thương bán hàng trong điều kiện các kiot chật chội, nóng bức nên rất mệt mỏi.

Tại các chợ dân sinh, chợ truyền thống vắng bóng người mua, tuy nhiên tại các siêu thị điện máy, cửa hàng điện lạnh lượng người đến mua sắm tăng nhiều so với những ngày thường. Các thiết bị như điều hoa, tủ lạnh, quạt tích điện, máy phát điện… bán ra với số lượng tăng gấp 3,4 lần so với ngày thường.

Không chỉ làm đảo lộn cuộc sống sinh hoạt mà nắng nóng còn gây ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe của người dân, nhất là đối với người già và trẻ nhỏ.

Chú thích ảnh
Những lao động tự do làm việc ngoài trời phải bắt đầu công việc rất sớm để tránh nắng đỉnh điểm.

Theo thống kê của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa, do nhiệt độ tăng cao, số người đến khám và nhập viện cũng tăng hơn so với ngày thường. Trong 3 ngày từ 25/4 đến 27/4, bệnh viện tiếp nhận 552 bệnh nhân nhập viện; trong đó có 305 bệnh nhân từ 60 tuổi trở lên nhập viện điều trị, chủ yếu là nhóm bệnh lý liên quan đến hô hấp, tai mũi họng, tim mạch, huyết áp, tiểu đường…

Ông Lê Văn Sỹ, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Thanh Hóa cho biết, Ban Giám đốc Bệnh viện đã chỉ đạo các khoa, phòng nhất là các khoa khám bệnh tăng cường quạt mát tại các vị trí có nhiều người nhà bệnh nhân; tăng cường nhân lực, sẵn sàng đáp ứng đầy đủ nhu cầu khám chữa bệnh cho người dân. Thời tiết nắng nóng kéo dài rất dễ bị tăng huyết áp, say nắng, mọi người, nhất là người già, đặc biệt là những người có tiền sử bệnh tim, huyết áp cần chú ý hạn chế ra đường thời điểm nắng gắt, nên uống nhiều nước, ăn nhiều hoa quả, ăn thức ăn nhạt, hạn chế hút thuốc, uống rượu bia...

Tại Bệnh viện Nhi Thanh Hóa, do ảnh hưởng của thời tiết nắng nóng, tỷ lệ trẻ em mắc bệnh có xu hướng tăng, chủ yếu là các bệnh về hô hấp, đường ruột... Chỉ tính từ ngày 26/4 đến 10 giờ sáng nay (28/4), bệnh viện tiếp nhận 1.048 bệnh nhi vào khám, trong đó có 300 bệnh nhi phải nhập viện điều trị… Để hạn chế những ảnh hưởng bất lợi của thời tiết, bệnh viện đã đảm bảo cung cấp đầy đủ thuốc men, hóa chất, vật tư y tế sẵn sàng đáp ứng công tác khám, cấp cứu bệnh nhân.

Theo dự báo, những ngày tới, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa vẫn còn nhiều đợt nắng nóng gay gắt kéo dài với nhiệt độ cao. Thời tiết nắng nóng không chỉ ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt của người dân, một số loại bệnh truyền nhiễm còn có nguy cơ bùng phát trong cộng đồng.

Ngành Y tế khuyến cáo người dân hạn chế đi ra ngoài đường khi trời nóng nếu không thật sự cần thiết. Trong trường hợp bắt buộc phải ra ngoài trời nắng, cần sử dụng mũ, quần áo chống nắng, không để da tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng. Uống nhiều nước, tuy nhiên, không nên uống nhiều nước đá hoặc nước quá lạnh dễ gây viêm họng. Không để nhiệt độ điều hòa trong phòng quá thấp. Thực hiện ăn chín, uống chín; đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Tin, ảnh: Khiếu Tư (TTXVN)
Nhiều trẻ nhỏ, người già được 'giải cứu' khỏi nắng nóng trên cao tốc Pháp Vân
Nhiều trẻ nhỏ, người già được 'giải cứu' khỏi nắng nóng trên cao tốc Pháp Vân

Sáng 28/4, trên nhiều trang mạng xã hội xuất hiện thông tin về một chiếc xe 16 chỗ bị đột ngột hỏng trên cao tốc Pháp Vân (cách Hà Nội khoảng 90 km về phía tỉnh Nghệ An).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN