Tưng bừng các hoạt động lễ hội, trải nghiệm trong kỳ nghỉ 30/4-1/5 trên cả nước

Từ trung tâm Thủ đô đến lên rừng hay xuống biển dịp nghỉ lễ 30/4 này, các địa phương đều có rất nhiều hoạt động văn hóa, du lịch, lễ hội nhằm kích cầu nội địa, thu hút người Việt đi du lịch Việt Nam.

(Ảnh minh họa: Mai Mai/Vietnam+)
(Ảnh minh họa: Mai Mai/Vietnam+)

Kỳ nghỉ lễ 30/4-1/5 đã cận kề, song không phải gia đình nào cũng chọn xuất ngoại hay bay đến những điểm xa nhà. Vậy, du lịch ở các địa phương lân cận sẽ có hoạt động gì đặc sắc để trải nghiệm? Hãy cùng điểm danh các sự kiện được tổ chức công phu, hoành tráng trên khắp cả nước dịp nghỉ lễ này.

Hà Nội

Trong dịp này, Sở Du lịch Hà Nội đã tổ chức công bố Điểm đến du lịch cộng đồng bản Miền, thôn Hợp Sơn, xã Ba Vì, huyện Ba Vì; lễ hội Du lịch Hà Nội 2024 với chủ đề “Thăng Long Hà Nội, Thủ đô quyến rũ”; khai mạc tuần văn hóa-thương mại-làng nghề gắn với lễ hội truyền thống Lệ Mật; chuỗi các sự kiện, hoạt động văn hóa năm 2024 với chủ đề “Giữ nghề xưa trên phố” tại Trung tâm giao lưu Văn hóa Phố cổ Hà Nội...

Bên cạnh đó, Làng Văn hóa Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội) cũng tổ chức các sự kiện chào mừng “Ngày hội non sông thống nhất” với điểm nhấn là không gian chợ phiên vùng cao “Sắc màu phiên chợ non nước Cao Bằng”, mang đến cho du khách cơ hội khám phá những nét văn hóa đặc trưng của một phiên chợ vùng cao gắn với các hoạt động dân ca, dân vũ, trò chơi dân gian, không gian ẩm thực, sản vật với sắc màu của bà con các dân tộc Lô Lô, Mông, Tày, Nùng, Dao ở Cao Bằng ngay tại Thủ đô.

Không gian chợ phiên càng thêm náo nhiệt với các màn tương tác trình diễn của các chủ thể văn hóa như trình diễn nghệ thuật khèn Mông; giới thiệu Di sản Văn hóa Phi vật thể quốc gia nghề làm hương Phia Thắp và nghề in sáp ong của đồng bào Nùng, Dao cùng nhiều nghề truyền thống khác…

Loạt chương trình, sự kiện của Thủ đô nhằm kích cầu du lịch nội địa.

du khach (1).jpg
Du khách quốc tế tham quan Văn Miếu-Quốc Tử Giám. (Ảnh minh họa: Huy Hoàng/Vietnam+)

Hạ Long, Quảng Ninh

Ngày 26/4, tỉnh Quảng Ninh thông tin về những trải nghiệm đáng thử nhất tại Hạ Long dịp lễ 30/4 này. Trong số chuỗi 11 sự kiện, đáng chú ý có: Lễ hội Rồng tại khu du lịch Sun World Ha Long; lễ hội Carnaval Hạ Long là chương trình nghệ thuật trên biển và bờ vịnh Hạ Long, kết hợp giữa nghệ thuật nhạc kịch và văn hóa, làm nổi bật vẻ đẹp của di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long; trình diễn máy bay không người lái xếp hình kết hợp công nghệ 3D mapping khắc họa những biểu tượng đặc trưng của Hạ Long; khai trương tuyến phố đi bộ Bãi Cháy vào tối 27/4; bắn pháo hoa...

Đặc biệt, Hạ Long cũng sẽ lần đầu tiên mang đến cho du khách trong nước và quốc tế lễ hội Bia và Chả mực.

Sa Pa, Lào Cai

Đến Sapa vào dịp nghỉ lễ này, du khách sẽ được chiêm ngưỡng và trải nghiệm lễ hội hoa đỗ quyên với sắc đỏ rực rỡ trải khắp bản làng. Đầu tháng 5 là thời điểm đẹp nhất để chiêm ngưỡng vẻ đẹp của thung lũng hoa hồng với đa dạng sắc màu và hương thơm dịu nhẹ.

Lễ hội mùa hè “Sa Pa xứ sở của tình yêu” năm 2024 sẽ khai mạc vào ngày đầu tiên của kỳ nghỉ lễ 30/4.

thung lung hoa hong (3).jpg
Thung lũng hoa ở Sa Pa, Lào Cai. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Tuyên Quang

Từ ngày 27/4-2/5, tỉnh Tuyên Quang sẽ khai mạc Năm du lịch và Lễ hội Khinh khí cầu quốc tế Tuyên Quang năm 2024. Lễ hội ánh sáng khinh khí cầu quốc tế kết hợp phần trình diễn của các ban nhạc Disc Jockey (DJ). Sẽ có 22 khinh khí cầu do các phi công Anh, Australia, Tây Ban Nha, Hà Lan, Nhật Bản, Trung Quốc, Thái Lan và Việt Nam điều khiển.

Tuyên Quang là một tỉnh miền núi phía Bắc, có nhiều cảnh quan thiên nhiên nổi bật với nhiều ngọn núi cao, thảm rừng nguyên sinh trải rộng và 2 con sông lớn uốn lượn là sông Lô và sông Gâm, với hồ Na Hang, thác Mơ, suối khoáng Mỹ Lâm…

Sầm Sơn, Thanh Hoá

Tối ngày 27/4, Sầm Sơn sẽ khai mạc Lễ hội du lịch Biển năm 2024 và khánh thành Quảng trường Biển cùng với màn bắn pháo hoa tầm thấp. Quảng trường Biển với trục đại lộ trung tâm dài hơn 2,6 km và rộng 120 m sẽ là trung tâm của lễ hội, với các tiện ích như đài phun nước, hệ thống chiếu sáng và âm thanh tạo ra show nhạc nước hấp dẫn.

Các công trình kiến trúc độc đáo như cây trang trí hình trống đồng, mô hình hòn Trống Mái trên núi Trường Lệ và cầu bàn tay vàng cũng sẽ góp phần tạo điểm nhấn cho địa điểm mới này.

vnp_thanh hoa.jpg
Biển Thanh Hóa chuẩn bị vào cao điểm du lịch Hè. (Ảnh minh họa: Mai Mai/Vietnam+)

Đà Nẵng

Sở Du lịch Đà Nẵng giới thiệu mùa du lịch Hè 2024 với chủ đề “Enjoy Danang-Tận hưởng Đà Nẵng” với lễ khai trương mùa du lịch biển mang tên Sóng mùa Hè dịp lễ 30/4, 1/5.

Bên cạnh đó, Đà Nẵng còn tổ chức lễ hội Bóng đá Việt Nam-Brazil; liên hoan nghệ thuật đường phố quốc tế; chương trình biểu diễn Bài chòi xứ Quảng; trải nghiệm bay dù lượn “ngắm Đà Nẵng từ trên cao”; chuỗi sự kiện “Rực rỡ du lịch Việt Nam” tại công viên châu Á.../.

Nhằm bảo đảm an toàn cho các hoạt động du lịch dịp cao điểm này, Cục Du lịch quốc gia Việt Nam đã ra văn bản yêu cầu các địa phương, cơ quan quản lý du lịch cần quản lý, chỉ đạo hiệu quả để các đơn vị kinh doanh tuân thủ nghiêm quy định về đăng ký, niêm yết công khai giá bán hàng hóa, dịch vụ và bán đúng giá niêm yết đối với sản phẩm, dịch vụ phục vụ nhu cầu vui chơi giải trí, mua sắm, tham quan, trải nghiệm và ẩm thực của du khách (giá dịch vụ phải được niêm yết tại khu vực lễ tân, nơi dễ nhìn thấy, nơi khách tiếp cận trước khi sử dụng dịch vụ). Đặc biệt, không tùy tiện tăng giá, ép khách, gây ảnh hưởng xấu đến ngành du lịch.

Cục đề nghị tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân không đảm bảo điều kiện kinh doanh du lịch, tiêu chuẩn chất lượng dịch vụ du lịch; các hành vi vi phạm pháp luật du lịch và pháp luật liên quan…

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục