Tòa án Pháp xét xử vụ kiện chất độc da cam của bà Trần Tố Nga vào đầu tháng 5

08:49' - 26/04/2024
BNEWS Chia sẻ với báo giới, bà Trần Tố Nga cho biết quyết tâm theo đuổi vụ kiện vì thấy có quá nhiều nạn nhân chiến tranh.

Theo phóng viên TTXVN tại Pháp, ngày 7/5 tới, Tòa án phúc thẩm Paris sẽ mở phiên điều trần liên quan đến vụ kiện dân sự giữa bà Trần Tố Nga, công dân Pháp gốc Việt, và các tập đoàn hóa chất Mỹ đã cung cấp cho quân đội nước này chất độc da cam/dioxine để sử dụng trong chiến tranh Việt Nam

 

Trong cuộc họp báo ngày 25/4 được tổ chức trực tiếp kết hợp với trực tuyến tại trụ sở Hội người Việt Nam tại Pháp ở Paris, bà Trần Tố Nga cùng các luật sư và các hội đoàn ủng hộ cuộc chiến pháp lý của bà đã thông báo sự kiện này trước đông đảo đại diện báo chí quốc tế, trong đó có Pháp và Việt Nam.

Chia sẻ với báo giới, bà Trần Tố Nga cho biết quyết tâm theo đuổi vụ kiện vì thấy có quá nhiều nạn nhân chiến tranh. Bà nói: "Khi bắt đầu khởi kiện, ở Việt Nam đã có hơn 3 triệu nạn nhân chất độc da cam. Chính con số này khiến trái tim tôi đau đớn và thúc đẩy tôi dấn thân vào vụ kiện.

Sau 12 năm theo đuổi hành trình công lý, tôi nhận thấy con số này đã không dừng ở đó, mà lên đến hơn 4 triệu nạn nhân và di truyền đến thế hệ thứ 4". Bà cũng nhấn mạnh cuộc chiến của bà không chỉ nhằm chống lại việc sử dụng chất độc da cam, mà còn là cơ sở cho các cuộc đấu tranh khác vì môi trường.

Bên cạnh đó, bà khẳng định: "Tôi luôn có nghị lực để theo đuổi vụ kiện vì đây là một cuộc đấu tranh chính nghĩa và cao quý. Tôi chiến đấu không chỉ cho bản thân mà cho tất cả các nạn nhân chất độc da cam Việt Nam và cả ở nước khác. Khi bạn đấu tranh cho chính nghĩa, thì bạn sẽ có nghị lực để theo đuổi. Chính điều này đã mang lại sức mạnh cho tôi và cũng không cho phép tôi buông bỏ giữa chừng. Vì thế, tôi sẽ đi đến cùng".

Sát cánh với bà Trần Tố Nga từ những ngày đầu của vụ kiện, hai luật sư William Bourdon và Bertrand Repolt luôn tình nguyện hỗ trợ cho bà Tố Nga và hàng triệu nạn nhân da cam Việt Nam chống lại các công ty hóa chất Mỹ.

Đề cập những khó khăn trong quá trình theo đuổi vụ kiện, luật sư William Bourdon cho biết thách thức lớn nhất trong phiên tòa sắp tới đó là bác bỏ quyền miễn trừ mà các doanh nghiệp Mỹ dựa vào và được Tòa án Évry chấp nhận. Theo ông, đó là một sự biện bạch hoàn toàn không có cơ sở.

Ông nhấn mạnh: "Chúng tôi cần phải đưa ra những luận cứ mạnh mẽ và thuyết phục để Tòa phúc thẩm Paris bác bỏ phán quyết vô lý của Tòa án Évry ủng hộ các công ty Mỹ đã sản xuất ra những hóa chất độc hại gây ra một thảm họa nhân đạo, y tế và môi trường chưa từng có trong lịch sử nhân loại".

Theo ông, có rất nhiều những luận cứ pháp lý để chỉ ra rằng các công ty Mỹ không hề bị Chính phủ Mỹ ép buộc mà họ tự nguyện đáp lại lời kêu gọi đấu thầu và chính họ đã chủ động sản xuất ra loại chất độc giết người màu da cam có chứa hàm lượng lớn dioxine, cũng là trọng tâm của vụ kiện này.

Do đó, ông bày tỏ tin tưởng vào kết quả phiên tòa này. Đó sẽ là một phiên tòa lịch sử, mở ra hướng thay đổi phán quyết của Tòa Évry.

Về phần mình, luật sư Bertrand Repolt cho rằng thách thức lớn nhất là sự việc đã diễn ra quá lâu, nhưng đến bây giờ mới có thể xét xử trách nhiệm của các công ty hóa chất Mỹ về những hành động mà họ đã thực hiện từ những năm 1960-1970 của thế kỷ trước, điều này dẫn đến những khó khăn trong việc tập hợp và đưa ra các bằng chứng để chứng minh rằng ở thời điểm đó các công ty này đều ý thức được sự nguy hiểm của việc sử dụng các hóa chất độc hại này.

Để vượt qua thách thức đó, các luật sư của bà Trần Tố Nga đã cộng tác với các đồng nghiệp Mỹ, những người có khả năng tiếp cận quá trình trao đổi thư từ nội bộ của các công ty này trong khoảng thời gian đó để có thông tin chứng tỏ rằng họ đã sớm nhận thức được sự nguy hiểm của sản phẩm từ quy trình đến phương thức sản xuất chất độc da cam.

Về thuận lợi, luật sư Repolt cho rằng bà Trần Tố Nga là một phụ nữ có nghị lực phi thường và bên cạnh đó còn có sự ủng hộ mạnh mẽ của các nạn nhân da cam cũng như các hội đoàn. Chính điều đó đã tạo nên sức mạnh thúc đẩy các luật sư đi đến cùng trong cuộc chiến pháp lý này.

Trên thực tế, rất nhiều cuộc biểu tình, hội họp, đã được tổ chức để bày tỏ sự đoàn kết với bà Trần Tố Nga và các nạn nhân chất độc da cam Việt Nam. Lá thư kêu gọi ủng hộ cuộc chiến pháp lý của bà Trần Tố Nga nhận được hàng nghìn chữ ký ủng hộ trong đó nhiều nhân vật quan trọng, các chính trị gia, nhà ngoại giao, nhà nghiên cứu, học giả, bác sĩ, văn nghệ sĩ...

Ngay trong khuôn khổ cuộc họp báo, nhiều hội đoàn ủng hộ nạn nhân da cam Việt Nam đã bày tỏ sự đoàn kết với bà Trần Tố Nga. Collectif Vietnam Dioxine thông báo sẽ tổ chức cuộc mít tinh ủng hộ Trần Tố Nga và các nạn nhân chất độc da cam vào ngày 4/5 tại Quảng trường Cộng hòa (Place de la République) ở Paris.

Một tiệc từ thiện cũng sẽ được tổ chức vào tối 26/4 để gây quỹ ủng hộ vụ kiện. Các hoạt động ủng hộ nạn nhân da cam cũng sẽ được tiến hành trong khuôn khổ sự kiện Tuần hành chống hóa chất nông nghiệp vào ngày 25/5 tại Paris.

Sinh năm 1942 tại tỉnh Sóc Trăng, bà Trần Tố Nga từng là phóng viên Thông tấn xã Giải phóng và bị nhiễm chất độc dioxin trong thời kỳ chiến tranh. Theo kết quả giám định y tế, nồng độ dioxine trong máu của bà cao hơn tiêu chuẩn quy định dẫn đến những ảnh hưởng nghiêm trọng về mặt sức khỏe.

Bà mắc 5 trong số 17 bệnh lý đã được Mỹ công nhận và liệt kê trong danh sách các bệnh do chất độc da cam gây ra. Không chỉ bản thân bà mà các con của bà đều bị dị tật tim và xương. Người con đầu đã qua đời khi mới 17 tháng tuổi do dị tật tim bẩm sinh.

Vào tháng 5/2009, bà Trần Tố Nga đứng ra làm chứng tại Tòa án lương tâm quốc tế vì nạn nhân da cam/dioxin Việt Nam ở Paris. Sau đó, với sự ủng hộ và đồng hành của một số luật sư và nhà hoạt động xã hội Pháp ủng hộ nạn nhân da cam Việt Nam, bà quyết định đứng ra kiện các công ty hóa chất Mỹ.

Tháng 5/2013, Tòa đại hình Évry, thành phố nơi bà Trần Tố Nga đang sinh sống, đã chấp thuận đơn của bà khởi kiện các công ty hóa chất cung cấp chất diệt cỏ cho quân đội Mỹ sử dụng tại chiến trường Việt Nam. Tuy nhiên sau 19 phiên thủ tục, trong phán quyết ngày 10/5/2021, Tòa án Evry đã chấp thuận bào chữa của các công ty bị kiện cho rằng họ “hành động theo theo lệnh và vì Nhà nước Hoa Kỳ” và như vậy được hưởng quyền “miễn trừ” vì không một Nhà nước có chủ quyền nào bắt một Nhà nước có chủ quyền khác dưới quyền tài phán của mình.

Phía luật sư của bà Trần Tố Nga đã phản đối phán quyết này và cho rằng những công ty này “đã dự thầu”, có nghĩa là không hành động do bị ép buộc. Theo họ, Tòa án Évry đã áp dụng một nguyên tắc lỗi thời “đi ngược lại với những nguyên tắc hiện đại của luật pháp quốc tế” và quốc gia Pháp.

Sau khi Tòa đại hình thành phố Evry phán quyết rằng họ không đủ thẩm quyền để xử vụ án liên quan đến các hành động trong thời chiến của Chính phủ Mỹ, bà Trần Tố Nga, với sự ủng hộ của các luật sư và các hội đoàn ủng hộ nạn nhân da cam Việt Nam, đã nộp đơn kháng cáo lên Tòa phúc thẩm Paris. Phiên điều trần sẽ được tổ chức vào ngày 7/5 tới.

Trong chiến tranh xâm lược Việt Nam, từ 1961 đến 1971, quân đội Mỹ đã rải hơn 80 triệu lít chất diệt cỏ, phần lớn là chất da cam/dioxin (chất độc nhất mà con người biết được từ trước đến nay) xuống 1/4 diện tích đất tự nhiên ở miền Trung và miền Nam Việt Nam.

Cuộc chiến tranh hóa học lớn nhất trong lịch sử này đã gây ra một thảm họa nhân đạo, sức khỏe và môi trường với những hệ quả vô cùng nặng nề và lâu dài: hơn 3 triệu người Việt Nam vẫn đang phải gánh chịu hậu quả vì ung thư và các bệnh do chất độc dioxine gây ra; khoảng 150.000 trẻ em, qua bốn thế hệ kể từ năm 1975 đến nay đã sinh ra với dị tật hoặc khuyết tật nghiêm trọng (không có chân tay, mù, điếc,..); 1 triệu ha rừng nhiệt đới bị tàn phá cùng sự biến mất của nhiều loài động vật hoang dã, 400.000 ha đất nông nghiệp bị ô nhiễm và cho đến nửa thế kỷ sau, di chứng của chất độc da cam vẫn còn tồn tại và gây nên những nỗi đau.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục