Thách thức trong phát triển thương mại điện tử bền vững

Theo Cục trưởng Thương mại điện tử-Kinh tế số Lê Hoàng Oanh, thương mại điện tử Việt Nam phát triển nhanh và liên tục, tăng trưởng đạt 25% nhưng vẫn bộc lộ một số yếu tố chưa thực sự bền vững.

Thương mại điện tử đã có sự phát triển mạnh mẽ nhất trong 10 năm vừa qua với góc độ 16-30%/năm. . (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Thương mại điện tử đã có sự phát triển mạnh mẽ nhất trong 10 năm vừa qua với góc độ 16-30%/năm. . (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Ngày 25/4, tại Hà Nội đã khai mạc Diễn đàn toàn cảnh Thương mại điện tử Việt Nam 2024 (Vietnam Online Business Forum 2024) với chủ đề “Thương mại điện tử bền vững.”

Đây là sự kiện thường niên do Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) tổ chức nhằm mang đến một góc nhìn toàn cảnh về thương mại điện tử trong năm vừa qua cũng như cập nhật những xu hướng công nghệ mới nhất về thương mại điện tử thông qua nghiên cứu thị trường về hành vi người tiêu dùng thông minh hay tổng quan về thị trường và những xu hướng nổi bật trong năm nay.

Phát biểu chỉ đạo tại diễn đàn, bà Lê Hoàng Oanh, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số thuộc Bộ Công Thương, nhận định thương mại điện tử đã có sự phát triển mạnh mẽ nhất trong 10 năm vừa qua với góc độ 16-30%/năm.

Theo Sách trắng thương mại điện tử năm 2023 của Việt Nam, doanh thu thương mại điện tử bán lẻ tại Việt Nam năm 2023 là tăng 25% so với năm trước đó, đạt 20,5 tỷ USD.

Tuy tăng trưởng nhanh và liên tục nhưng có thể nói, thương mại điện tử của Việt Nam vẫn còn tồn tại những hạn chế; trong đó, doanh thu thương mại mới chỉ chiếm 8% trên tổng doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng của cả nước. Điều này còn thấp hơn so với mức trung bình của thế giới là 90,4%.

Hơn nữa, vấn đề vi phạm người tiêu dùng trong thương mại điện tử còn khá phổ biến, ảnh hưởng đến niềm tin của người tiêu dùng trong việc phát triển thương mại điện tử. Đồng thời, thương mại điện tử nói chung cũng đang bộc lộ một số yếu tố chưa thực sự bền vững.

Bên cạnh đó, thương mại điện tử Việt Nam mới chỉ phát triển tập trung ở một số thành phố lớn. Đối với các địa phương cũng mong muốn để có thể thu hẹp khoảng cách này. Đặc biệt, sự liên kết giữa các nội vùng cũng như là các vùng để tận dụng cơ hội hiệu quả như là nguồn lực, nguồn nguyên liệu hay là vận chuyển logistics.

Cũng đề cập về vấn đề này, ông Nguyễn Ngọc Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam, mong muốn trong thời gian tới các địa phương cũng như Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội sẽ có những thay đổi và càng ngày càng cố gắng cùng nắm tay phát triển bền vững các hoạt động trong lĩnh vực thương mại điện tử.

Trong khuôn khổ diễn đàn, các chuyên gia, hiệp hội, doanh nghiệp đã cùng nhau phân tích, lắng nghe những xu hướng để Việt Nam tận dụng được những xu hướng phát triển bền vững trong thương mại điện tử. Đồng thời, hỗ trợ, tập trung vào việc phát triển nguồn nhân nhân lực, giúp cho việc tăng cường bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cũng như thu hẹp khoảng cách phát triển thương mại điện tử và đề ra giải pháp để phát triển thương mại điện tử xanh và bền vững.

Ngoài ra, một số chủ đề nóng và đang nhận được nhiều sự quan tâm cũng được các diễn giả và chuyên gia trao đổi, phân tích tại diễn đàn như nghiên cứu thị trường về xu hướng hành vi tiêu dùng trên thương mại điện tử; cẩm nang tăng trưởng thương mại điện tử. Cùng đó là việc tối ưu chiến dịch Affiliate và KOC tăng tốc thương mại điện tử; xu hướng ứng dụng công nghệ AI vào thương mại điện tử; phát triển thương hiệu bài bản trên sàn thương mại điện tử và tăng doanh số bền vững…

Bên cạnh các phiên chính, diễn đàn còn có tọa đàm bàn tròn với sự tham gia của các chuyên gia trao đổi về những vấn đề còn vướng mặt trong lĩnh vực thương mại điện tử bền vững./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục