Nâng cao hiệu quả đầu tư bằng hình thức đối tác công tư tại Việt Nam

Theo chuyên gia ADB, mấu chốt cho sự thành công của PPP là phải có khung quy phạm pháp luật nhất quán, rõ ràng; quyết tâm chính trị cao và liên tục cải thiện năng lực tham gia của khu vực Nhà nước.

PPP được xem như một lựa chọn chiến lược để huy động đầu tư tư nhân và cải thiện việc cung cấp dịch vụ công. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)
PPP được xem như một lựa chọn chiến lược để huy động đầu tư tư nhân và cải thiện việc cung cấp dịch vụ công. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

Hợp tác đầu tư theo hình thức công tư (PPP) được xem như một lựa chọn chiến lược để huy động đầu tư tư nhân và cải thiện việc cung cấp dịch vụ công.

Tuy nhiên, việc thực hiện các dự án PPP ở Việt Nam nói chung vẫn gặp nhiều khó khăn, trở ngại dẫn đến số lượng dự án thành công thấp và khối kinh tế tư nhân còn dè dặt.

Đây là nhận định của nhiều chuyên gia tại Diễn đàn hỗ trợ pháp lý đầu tư với chủ đề Đầu tư bằng hình thức công tư trong bối cảnh mới của Thành phố Hồ Chí Minh do Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) phối hợp với Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức, ngày 24/4.

Thách thức về thể chế

Luật sư Ngô Thành Tùng - thành viên Công ty Luật Trách nhiệm Hữu hạn Quốc tế Hồng Đức (VILAF) cho biết hợp tác đầu tư theo hình thức PPP có nhiều ưu điểm như mang lại hiệu quả rõ ràng, đảm bảo chất lượng dự án và có sự chia sẻ rủi ro giữa các bên.

Việt Nam là một trong những quốc gia đã và đang theo đuổi PPP như một lựa chọn chiến lược để huy động đầu tư tư nhân và cải thiện việc cung cấp dịch vụ công.

Tuy nhiên, việc thực hiện PPP ở Việt Nam gặp nhiều khó khăn, trở ngại, dẫn đến số lượng dự án thành công thấp và khối kinh tế tư nhân còn dè dặt, đặc biệt là những nhà đầu tư thực sự có tiềm năng, muốn tham gia nghiêm túc.

Theo luật sư Ngô Thanh Tùng, một trong những thách thức chính trong việc thực hiện PPP ở các nước đang phát triển là thiếu khung pháp lý và quy định rõ ràng, nhất quán.

Do đó, vai trò, trách nhiệm và quyền lợi của các đối tác công và tư cũng như thủ tục lựa chọn, thẩm định, phê duyệt, mua sắm, quản lý hợp đồng, giám sát và đánh giá dự án không rõ ràng.

Bên cạnh đó, vấn đề về năng lực thể chế và nguồn nhân lực của khu vực công cũng là một yếu tố làm cản trở sự thành công của các dự án PPP.

Thêm vào đó, thị trường tài chính kém phát triển và chi phí vốn cao dẫn đến khả năng chi trả cho các dự án PPP còn hạn chế.

Cùng quan điểm, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Dương Đăng Huệ - Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ Pháp chế doanh nghiệp, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự-Kinh tế, Bộ Tư pháp nhận định, Luật PPP hiện nay đang có nhiều quy định chưa rõ ràng, chồng chéo, mâu thuẫn và gây ra sự bất tương xứng khi áp dụng trên thực tế.

Các văn bản pháp luật hiện hành về PPP chưa có quy định về trách nhiệm của nhà nước khi vi phạm nghĩa vụ hợp đồng; cơ chế cho việc phân chia lợi nhuận rủi ro chưa thực sự công bằng và gây tốn kém thời gian cho nhà đầu tư.

Nhà đầu tư không được tạo điều kiện thuận lợi trong quản lý, kinh doanh dự án PPP. Những bất cập này khiến nhà đầu tư tư nhân phải chịu nhiều thiệt thòi, mất đi tính cân bằng về quyền, lợi ích với cơ quan nhà nước khi thực hiện dự án.

dau tu_ppp 2.jpg
(Ảnh: Huy Hùng/TTXVN)

Tiến sỹ Trần Du Lịch - Phó Chủ tịch VIAC, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn triển khai thực hiện Nghị quyết 98/2023/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh thông tin, tính đến thời điểm hiện tại, thành phố đã kêu gọi 54 dự án đầu tư theo hình thức PPP (41 dự án trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, y tế theo Nghị quyết 181/NQ-HĐND; 5 dự án BOT công trình giao thông đường bộ hiện hữu và thêm 8 dự án khác thuộc lĩnh vực giáo dục, thể thao vừa được thành phố Thủ Đức kêu gọi vốn đầu tư ngày 17/4 vừa qua).

Thành phố cũng rất nỗ lực thực hiện hoá các quy định tại Nghị quyết 98/2023/QH15 trong việc triển khai các dự án PPP trên địa bàn thành phố.

Tuy vậy, quá trình kêu gọi triển khai các dự án PPP đang gặp một số vướng mắc như thiếu hướng dẫn cụ thể cũng như vấn đề liên quan đến tính phù hợp của hình thức PPP đối với một số dự án.

Nâng cao tính công bằng, minh bạch

Luật sư Ngô Thanh Tùng chỉ rõ để các dự án PPP thành công thường có được sự cam kết chính trị mạnh mẽ và sự hỗ trợ của Chính phủ thông qua cung cấp khung pháp lý, quy định toàn diện và chặt chẽ; khuyến khích sự tham gia và đổi mới của khu vực tư nhân.

Việc xác định vai trò, trách nhiệm của các cơ quan công quyền và cơ quan có liên quan trong chuẩn bị, thẩm định hiệu quả, tính khả thi của dự án rất quan trọng. Các nhà đầu tư cũng cần được cung cấp quy trình mua sắm công minh bạch, công bằng và cạnh tranh.

Trước đây, hầu hết dự án PPP đều tập trung vào lĩnh vực truyền thống như giao thông, năng lượng, nước hoặc quản lý chất thải. Nhưng gần đây, các dự án PPP trong lĩnh vực xã hội như thể thao và văn hoá trở thành một hiện tượng tương đối mới nổi lên ở Việt Nam.

Việc triển khai dự án PPP trong lĩnh vực xã hội sẽ giúp nâng cao chất lượng và khả năng tiếp cận dịch vụ công; thúc đẩy sự gắn kết xã hội, kích thích tăng trưởng kinh tế và du lịch.

Tuy nhiên, các dự án PPP lĩnh vực xã hội cũng gặp nhiều thách thức do đặc thù hiệu quả khó đánh giá trong thời gian ngắn, phụ thuộc vào sở thích, nhận thức của người sử dụng và thụ hưởng.

dau tu_ppp 3.jpg
Theo chuyên gia, mấu chốt cho sự thành công của PPP là phải có khung quy phạm pháp luật nhất quán, rõ ràng. (Ảnh: Huy Hùng/TTXVN)

Để cải thiện hiệu quả trong việc triển khai các dự án PPP lĩnh vực xã hội, Luật sư Ngô Thanh Tùng cho rằng Chính phủ, khu vực công và cả khu vực tư nhân cần áp dụng một số biện pháp cụ thể, chẳng hạn như xây dựng và áp dụng các phương pháp và chỉ số phù hợp; tham gia và tham vấn với các bên liên quan; cung cấp ưu đãi và hỗ trợ tài chính và phi tài chính, lồng ghép và điều chỉnh dự án PPP lĩnh vực xã hội với kế hoạch và chiến lược phát triển quốc gia và địa phương; bảo đảm tính minh bạch, trách nhiệm giải trình của các dự án PPP.

Trong khi đó, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Dương Đăng Huệ cũng đưa ra một số kiến nghị hoàn thiện quy định pháp luật, nâng cao vai trò và bảo vệ nhà đầu tư tham gia dự án PPP.

Cụ thể, Quốc hội cần thực hiện hoạt động giám sát thực hiện Luật PPP và trong khi chưa sửa đổi, bổ sung kịp thời luật và nghị định, thông tư hướng dẫn; cần nghiên cứu, soạn thảo và ban hành mẫu hợp đồng dự án PPP.

Bên cạnh đó, các cơ quan ban ngành liên quan cũng cần có sự tổng hợp liên tục vướng mắc, bất cập để đồng hành cùng nhà đầu tư, kịp thời giải quyết những vấn đề của họ. Có như vậy, dự án PPP mới thu hút được các nguồn đầu tư mới, có nhiều cải thiện hơn và triển khai hiệu quả hơn.

Bà Lương Thị Thanh Ngân - chuyên gia Phát triển Khu vực Tư nhân, Cơ quan Đại diện Thường trú Việt Nam, Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) - chia sẻ mỗi dự án PPP có thể được chia thành 3 giai đoạn đầu, giữa và cuối. Muốn cải thiện tỷ lệ thành công của dự án PPP đòi hỏi phải có sự nghiên cứu, sàng lọc kỹ ngay từ đầu.

Nói cách khác, phải lập kế hoạch và lựa chọn dự án phù hợp với hình thức đầu tư; tiếp cận chi phí theo trọn vòng đời dự án; phân bổ rủi ro phù hợp. Giai đoạn tiếp theo cần có quy trình đấu thầu cạnh tranh và minh bạch. Giai đoạn cuối phải thực thi hiệu lực hợp đồng đảm bảo tin cậy.

Mấu chốt cho sự thành công của PPP là phải có khung quy phạm pháp luật nhất quán, rõ ràng; quyết tâm chính trị cao và liên tục cải thiện năng lực tham gia của khu vực Nhà nước./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục