Nhập khẩu LNG của châu Á có khả năng sẽ giảm do giá tăng cao

Nhập khẩu LNG của châu Á có thể sẽ giảm trong những tháng tới, một phần do nhu cầu giảm theo mùa, một phần khác do giá giao ngay tăng cao hạn chế hoạt động mua từ một số quốc gia đang phát triển.

Nhân viên làm việc bên cạnh các bồn chứa khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) tại một nhà máy ở Tây An, tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc. (Nguồn: Reuters)
Nhân viên làm việc bên cạnh các bồn chứa khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) tại một nhà máy ở Tây An, tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc. (Nguồn: Reuters)

Đã xuất hiện những dấu hiệu ban đầu cho thấy mức tăng cao của giá khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) giao ngay cho thị trường châu Á đang bắt đầu làm giảm nhu cầu từ những thị trường nhạy cảm về giá như Ấn Độ.

Giá LNG giao ngay đã tăng lên 10,50 USD trên một triệu đơn vị nhiệt Anh (Btu) trong tuần kết thúc vào ngày 19/4.

Đây là mức tăng cao nhất kể từ ngày 19/1 và tăng 26,5% so với mức thấp nhất tính từ đầu năm 2024 đến nay là 8,30 USD/1 triệu Btu ghi nhận hồi đầu tháng Ba.

Đà tăng gần đây chủ yếu do lo ngại về nguồn cung. Những xung đột đang diễn ra ở Trung Đông làm dấy lên lo ngại rằng các chuyến hàng từ Qatar, nước xuất khẩu LNG lớn thứ ba thế giới có thể bị gián đoạn.

Cho đến nay, những lo ngại này vẫn chưa thành hiện thực, nhưng chi phí vận chuyển LNG đã tăng lên khi các tàu đến châu Âu tránh đi qua Biển Đỏ, nơi lực lượng Houthi tại Yemen đã tiến hành các cuộc tấn công tên lửa nhằm vào một số tàu chở hàng.

Với giá giao ngay một lần nữa trên ngưỡng 10 USD/1 triệu Btu, giá LNG đã đạt đến mức từng khiến những khách hàng như Ấn Độ và thậm chí cả Trung Quốc, nhà nhập khẩu LNG hàng đầu thế giới phải giảm hoạt động mua vào.

Điều này là LNG nhập khẩu ở mức cao như vậy khó có thể cạnh tranh với các loại nhiên liệu khác tại thị trường trong nước.

Các nhà phân tích hàng hóa tại công ty nghiên cứu thị trường Kpler ước tính nhập khẩu LNG của Ấn Độ trong tháng 4/2024 là 1,90 triệu tấn, giảm so với mức 2,26 triệu tấn trong tháng Ba và cũng thấp hơn mức 1,98 triệu tấn của tháng 4/2023.

Kpler ước tính Trung Quốc nhập khẩu 6,14 triệu tấn LNG trong tháng này, giảm so với 6,64 triệu tấn trong tháng Ba nhưng cao hơn mức 5,31 triệu tấn của tháng Tư năm ngoái.

Nhập khẩu LNG của Trung Quốc trong quý đầu tiên năm 2024 rất mạnh. Rất có thể lý do là giá giao ngay LNG rẻ hơn trong phần lớn thời gian này, nhưng cũng có khả năng nhờ đà phục hồi của nền kinh tế, đặc biệt là lĩnh vực chế tạo.

Theo giới quan sát, sự cải thiện của nền kinh tế Trung Quốc có thể thúc đẩy nhu cầu về LNG. Nhưng giá cao hơn cũng có thể là một trở ngại.

khi dot.jpg
Giá LNG nhập khẩu đang ở mức cao ở nhiều nước châu Á. (Nguồn: Reuters/TTXVN)

Phần lớn sẽ phụ thuộc vào sự sẵn có của các lựa chọn thay thế. Đáng chú ý, sản lượng khí đốt tự nhiên trong nước của Trung Quốc cũng đang tăng mạnh, với sản lượng trong quý đầu tiên đạt 63,19 tỷ m3 và tăng 5,2% so với cùng kỳ năm 2023.

Trong khi đó, các nền kinh tế phát triển ở châu Á có xu hướng ít nhạy cảm hơn với giá LNG tăng. Điều này do phần lớn nhu cầu LNG của những nước này được đảm bảo theo hợp đồng dài hạn và hoạt động nhập khẩu phần lớn ổn định.

Kpler ước tính Nhật Bản, nước mua LNG nhiều thứ hai thế giới đã nhập khẩu 5,12 triệu tấn trong tháng Tư, giảm so với mức 5,96 triệu tấn trong tháng Ba nhưng cao hơn mức 4,98 triệu tấn vào tháng Tư năm ngoái.

Nhập khẩu LNG của Nhật Bản thường tăng theo mùa vụ: Nhu cầu cao điểm vào mùa Đông và mùa Hè, nhưng giảm dần trong hai mùa còn lại.

Hàn Quốc, nước nhập khẩu LNG nhiều thứ ba thế giới dự kiến sẽ nhập 4,12 triệu tấn trong tháng Tư, tăng từ 3,93 triệu tấn trong tháng Ba và vượt đáng kể mức 3,23 triệu tấn hồi cùng kỳ năm ngoái.

Tương tự Nhật Bản, nhập khẩu LNG của Hàn Quốc có thể giảm trong tháng tới do mô hình mua hàng theo mùa.

Nhìn chung, bức tranh tổng thể là khối lượng nhập khẩu LNG của châu Á có thể sẽ giảm trong những tháng tới. Một phần do nhu cầu giảm theo mùa từ các nền kinh tế phát triển, một phần khác do giá giao ngay cao hơn hạn chế hoạt động mua từ một số quốc gia đang phát triển./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục