Dự tính 26.000 tỷ đồng phát triển nguồn nhân lực cho công nghiệp bán dẫn

16:32' - 24/04/2024
BNEWS Với bối cảnh và lợi thế đối với ngành công nghiệp bán dẫn, Việt Nam đang có cơ hội “nghìn năm có một” để tham gia vào chuỗi giá trị ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu.

Tại “Hội nghị phát triển nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp bán dẫn” tổ chức chiều 24/4, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, theo dự tính trong Đề án “Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2045”, để thực hiện mục tiêu đề ra, tổng mức kinh phí thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu của Đề án đến năm 2030 khoảng 26.000 tỷ đồng; trong đó ngân sách nhà nước khoảng 17.000 tỷ đồng và nguồn xã hội hóa khoảng 9.000 tỷ đồng. Mức kinh phí này được tính toán dựa trên mức chi phí trang thiết bị, nhân lực theo định mức và thông lệ trên thế giới, phân chia theo các hạng mục công việc cụ thể của từng nhóm nhiệm vụ, giải pháp và tổ chức thực hiện.

Đề án “Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2045” được xây dựng vào thời điểm này là hết sức có ý nghĩa và kịp thời, thể hiện tầm nhìn của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đối với tầm quan trọng của phát triển nguồn nhân lực cho ngành bán dẫn. Việt Nam cũng là quốc gia có bước đi nhanh hơn, bài bản hơn so với các quốc gia đang phát triển trong khu vực với việc đưa nội dung phát triển nguồn nhân lực thành một đề án tổng thể để thực hiện đầy đủ, toàn diện và hiệu quả.

 

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, về cơ sở vật chất, trên cơ sở kinh nghiệm thành công của các quốc gia có ngành công nghiệp bán dẫn phát triển, để hỗ trợ cho việc đào tạo, phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn, Việt Nam cần tối thiểu: 4 trung tâm bán dẫn dùng chung cấp quốc gia với các trang thiết bị theo tiêu chuẩn quốc tế đặt tại các đại học quốc gia, đại học vùng ở 3 miền Bắc, Trung, Nam và tại Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia.

Về nguồn lực, bao gồm: nguồn ngân sách trung ương, địa phương, doanh nghiệp, trường đại học, viện nghiên cứu, trung tâm đổi mới sáng tạo, cơ sở hỗ trợ đào tạo và các cơ quan, tổ chức, các nguồn vốn ODA và vốn tài trợ trong nước, nước ngoài, các nguồn vốn hợp pháp khác được huy động từ tư nhân để thực hiện nhiệm vụ, giải pháp, chương trình, dự án thuộc phạm vi Đề án.

Để thực hiện được mục tiêu của Đề án và có cơ sở xây dựng hệ thống các giải pháp, nhiệm vụ toàn diện, khả thi để triển khai Đề án, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, cần thống nhất một số quan điểm chỉ đạo sau: trước tiên, phát triển nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn phải phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam và xu hướng, bối cảnh phát triển kinh tế thế giới; khuyến khích, tạo điều kiện để doanh nghiệp tham gia đào tạo, tuyển dụng nhân sự chất lượng cao trong ngành công nghiệp bán dẫn. Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao là ưu tiên hàng đầu để phát triển ngành công nghiệp bán dẫn ở Việt Nam.

Bên cạnh đó, Chính phủ cần có cơ chế chính sách, giải pháp đột phá, thuận lợi để phát triển ngành công nghiệp bán dẫn và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành; góp phần tạo lợi thế cạnh tranh cho Việt Nam trong công cuộc phát triển kinh tế bền vững và thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tham gia vào chuỗi giá trị ngành công nghiệp bán dẫn.

Cùng với đó, đầu tư, hỗ trợ ban đầu của Nhà nước là yếu tố quan trọng cho sự thành công của ngành công nghiệp bán dẫn và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành.

Ngoài ra, đào tạo phải dựa trên việc hợp tác 3 bên Nhà nước - Viện nghiên cứu, trường đại học - Doanh nghiệp. Đẩy mạnh hợp tác quốc tế để nâng cao chất lượng đào tạo.

Trên cơ sở đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp thực hiện Đề án; đó là: đào tạo giảng viên, sinh viên hệ chính quy; đào tạo nhân lực trình độ sau đại học; đào tạo hệ ngắn hạn, chuyển tiếp; khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp tham gia đào tạo; đẩy mạnh nghiên cứu và phát triển; đầu tư cơ sở vật chất và hạ tầng công nghệ phục vụ đào tạo; thu hút chuyên gia, nhân tài; tạo đầu ra cho nguồn nhân lực, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp; xây dựng các cơ chế, chính sách đặc thù cho đào tạo nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn và các giải pháp về hợp tác quốc tế, truyền thông và hỗ trợ triển khai khác.

Lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, để Đề án triển khai được thành công và Việt Nam có thể nắm bắt được cơ hội “hiếm có” này để tham gia sâu vào chuỗi giá trị ngành công nghiệp bán dẫn thì cần có sự tham gia, vào cuộc của tất cả các bộ, ngành, địa phương, các doanh nghiệp, viện nghiên cứu, trường đại học, các chuyên gia trong và ngoài nước.

“Việt Nam cũng không thể đi đến đích nếu chỉ đi một mình, mà hơn lúc nào hết, ở giai đoạn và thời cơ quan trọng này, cần có sự hợp tác nhanh, mạnh và toàn diện với các quốc gia, nền kinh tế và các doanh nghiệp, đối tác hàng đầu thế giới về bán dẫn thì mới có thể đứng trên vai những người khổng lồ, tận dụng lợi thế nguồn nhân lực để vươn lên thành một quốc gia có vị thế trong phát triển ngành công nghiệp bán dẫn”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định.

Trong 20 năm qua, ngành công nghiệp bán dẫn đã có sự tăng trưởng nhanh và tác động lớn ở nhiều quốc gia, nền kinh tế trên thế giới. Từ năm 2001 đến năm 2021, ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu đã tăng 14% mỗi năm, đạt doanh thu gần 600 tỷ USD tính đến năm 2023. Ngành bán dẫn được kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ, đạt đến 1 nghìn tỷ USD vào năm 2030.

Nhiều quốc gia, nền kinh tế trên thế giới đều mong muốn tham gia và có cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội, thực hiện một số hành động cụ thể để phát triển ngành công nghiệp quan trọng này. Trong xu hướng đa dạng hóa chuỗi cung ứng và diễn biến phức tạp về địa chính trị trên thế giới, để tận dụng nguồn nhân lực, các doanh nghiệp ngành công nghiệp bán dẫn đã và đang chuyển hướng đến các nước khu vực châu Á để đặt trụ sở, nhà máy. Việt Nam có một số lợi thế chính để khẳng định mình đã sẵn sàng cho ngành công nghiệp bán dẫn, đó là: quyết tâm chính trị cao từ trung ương đến địa phương; môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi thu hút được nhiều doanh nghiệp FDI lớn trong lĩnh vực điện tử.

Hiện đã có hơn 50 doanh nghiệp trong ngành công nghiệp bán dẫn đã hoạt động tại Việt Nam như Intel, Amkor, Hana Micron (đóng gói, kiểm thử); Ampere, Marvell, Cadence, Renesas, Synopsys, Qorvo (thiết kế); Lam Research, Coherent (sản xuất thiết bị)...; có lực lượng lao động có chất lượng, chi phí hợp lý đã và đang hoạt động trong ngành công nghiệp điện tử dễ dàng chuyển đổi sang, với hơn 50% dân số dưới 30 tuổi (thời kỳ dân số vàng) và khoảng 1,8 triệu sinh viên tốt nghiệp đại học, cao đẳng hàng năm; Việt Nam đã nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với hầu hết các nước có ngành công nghiệp bán dẫn phát triển….

“Với bối cảnh và lợi thế trên, Việt Nam đang có cơ hội “nghìn năm có một” để tham gia vào chuỗi giá trị ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục