Bình Định: Chuyển đổi một số nghề ảnh hưởng đến nguồn lợi, môi trường sinh thái

UBND tỉnh Bình Định vừa ban hành Kế hoạch chuyển đổi một số nghề khai thác hải sản ảnh hưởng đến nguồn lợi và môi trường sinh thái trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2024-2030 nhằm khắc phục “thẻ vàng” IUU.

Tàu thuyền đánh bắt xa bờ. (Ảnh minh họa: Huỳnh Anh/TTXVN)
Tàu thuyền đánh bắt xa bờ. (Ảnh minh họa: Huỳnh Anh/TTXVN)

Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Định vừa ban hành Kế hoạch chuyển đổi một số nghề khai thác hải sản ảnh hưởng đến nguồn lợi và môi trường sinh thái trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2024-2030.

Kế hoạch nhằm từng bước cân bằng lại cường lực khai thác phù hợp với khả năng phục hồi tái tạo nguồn lợi thủy sản, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả đội tàu cá trong khai thác, bảo vệ nguồn lợi, cải thiện môi trường, đảm bảo 100% ngư dân có việc làm và thu nhập ổn định sau khi chuyển đổi nghề hướng tới khắc phục cảnh báo “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu.

Theo đó, đến năm 2025, toàn tỉnh sẽ chuyển đổi 342 tàu cá hoạt động ở vùng biển ven bờ, vùng lộng đang làm khai thác hải sản có tính xâm hại nguồn lợi thủy sản cao sang các nghề khai thác hải sản khác có ảnh hưởng ít hơn hoặc sang các ngành nghề khác; tập huấn, đào tạo nghề cho 2.000 ngư dân có tàu cá chuyển đổi nghề phù hợp với nghề chuyển đổi mới.

Giai đoạn 2026-2030, tỉnh sẽ chuyển đổi 198 tàu cá hoạt động ở vùng lộng và vùng khơi đang làm nghề lưới kéo và nghề câu mực kiêm lưới mành sang các nghề khai thác hải sản khác có ảnh hưởng ít hơn hoặc sang các ngành nghề khác; tập huấn, đào tạo nghề cho 1.000 ngư dân có tàu cá chuyển đổi nghề phù hợp với nghề chuyển đổi mới.

Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chỉ đạo và hướng dẫn Ủy ban Nhân dân các huyện, thành phố, thị xã ven biển triển khai Kế hoạch đạt mục tiêu đề ra. Bên cạnh đó, Sở chủ trì, phối hợp với sở, ngành liên quan và Ủy ban Nhân dân các huyện, thị xã, thành phố tham mưu trình Ủy ban Nhân dân tỉnh ban hành chính sách chuyển đổi nghề khai thác thủy sản ảnh hưởng đến nguồn lợi thủy sản, môi trường, hệ sinh thái sang các nghề khai thác hải sản thân thiện với môi trường hoặc chuyển ra ngoài lĩnh vực khác; kiểm tra, giám sát đánh giá việc thực hiện Kế hoạch, báo cáo Ủy ban Nhân dân tỉnh theo định kỳ hoặc đột xuất theo quy định.

Sở Kế hoạch và Đầu tư xem xét, bố trí vốn đầu tư công để thực hiện các hạng mục đầu tư thuộc Kế hoạch theo quy định.

Sở Tài chính tham mưu Ủy ban Nhân dân tỉnh đề xuất Trung ương hỗ trợ kinh phí chuyển đổi nghề theo Quyết định số 208/QĐ-TTg ngày 10/3/2023 của Chính phủ (đối với tỉnh không cân đối được ngân sách). Sở hướng dẫn các cơ quan, đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch, dự toán kinh phí thực hiện để bố trí dự toán ngân sách các cấp hằng năm theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước và các quy định hiện hành...

Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tăng cường đào tạo nghề, tư vấn, giới thiệu việc làm cho lao động là thuyền viên tàu cá; trong đó, ưu tiên ngư dân tham gia chuyển nghề, xuất khẩu lao động…

Thời gian qua, tỉnh Bình Định đã nỗ lực trong chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định; tuy vậy, công tác này vẫn tồn tại một số hạn chế. Từ đầu năm 2023 đến nay, tỉnh đã xử phạt 115 trường hợp vi phạm hành chính lĩnh vực thủy sản với tổng số tiền lên tới gần 3,4 tỷ đồng.

Tại Hội nghị trực tuyến kết nối 28 tỉnh, thành phố ven biển quán triệt và triển khai thực hiện Chỉ thị số 32/CT-TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định và phát triển bền vững ngành Thủy sản do Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức ngày 22/4, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Định Phạm Anh Tuấn thông tin, sau hơn 6 năm thực hiện các giải pháp chống khai thác IUU, tỉnh đã coi đây là nhiệm vụ trọng tâm và quan trọng trong phát triển thủy sản bền vững.

Tỉnh sẽ tiếp tục tăng cường tuyên truyền, phổ biến sâu rộng quy định về chống khai thác IUU; xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân thiếu trách nhiệm, thiếu sâu sát để xảy ra sai phạm hoặc không hoàn thành nhiệm vụ, công việc được giao; thực hiện nghiêm việc quản lý đội tàu, truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác, ngăn chặn, chấm dứt tàu cá, ngư dân địa phương vi phạm khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài…

Toàn tỉnh Bình Định hiện có hơn 5.300 tàu cá với hơn 40% tàu cá di chuyển ngư trường đánh bắt trên toàn quốc, tập trung nhiều ở các tỉnh phía Nam./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục