Kon Tum: Gần 120 giếng đào bị khô hạn, người dân thiếu nước sinh hoạt

Theo thống kê, toàn xã Hòa Bình, thành phố Kon Tum có 86 hộ có khả năng bị thiếu nước sinh hoạt do nắng nóng, trong đó có 16 hộ (tại thôn 2, thôn 5 và thôn Kép Ram) giếng đã hoàn toàn khô cạn.

Ông Huỳnh Xuân Ba (thôn 2, xã Hòa Bình, thành phố Kon Tum) phải đi xin nước từ các hộ còn nước để tích lũy sử dụng. (Ảnh: Dư Toán/TTXVN)
Ông Huỳnh Xuân Ba (thôn 2, xã Hòa Bình, thành phố Kon Tum) phải đi xin nước từ các hộ còn nước để tích lũy sử dụng. (Ảnh: Dư Toán/TTXVN)

Theo thống kê của ngành nông nghiệp tỉnh Kon Tum, do ảnh hưởng của nắng nóng, hạn hán kéo dài, trên địa bàn thành phố Kon Tum đã xảy ra tình trạng gần 120 giếng đào của người dân và một điểm trường tiểu học bị khô hạn. Điều này ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của người dân cũng như quá trình dạy và học tại điểm trường.

Hiện, chính quyền địa phương đang nỗ lực hỗ trợ nước sinh hoạt cho các hộ dân, đảm bảo không để tình trạng thiếu nước xảy ra.

Từ tháng Hai đến nay, giếng đào sâu 25m của gia đình ông Huỳnh Xuân Ba (sinh năm 1955, trú thôn 2, xã Hòa Bình, thành phố Kon Tum) đã cạn kiệt nước. Cứ cách khoảng 4-5 ngày, ông Ba mới có thể bơm được một ít nước lên bồn chứa để phục vụ cho việc tắm, giặt. Sau đó, ông lại phải chờ để nước tích tụ rồi mới bơm tiếp lên được.

Do nước cạn nên nhiễm phèn, ông không thể sử dụng để nấu ăn hay uống mà phải đi xách nước từ nhà con trai, cách khoảng 100m để dùng.

ttxvn_gieng nuoc 1.jpg
Giếng nước của gia đình ông Huỳnh Xuân Ba (thôn 2, xã Hòa Bình, thành phố Kon Tum) cạn nước, vài ngày mới tích tụ được một ít nước nhưng nhiễm phèn nên không thể sử dụng. (Ảnh: Dư Toán/TTXVN)

"Tôi có tuổi rồi nên mỗi lần lấy được hai can 10 lít thôi. Sức yếu, nhiều khi con trai phải chở nước sang để tôi dùng. Ngặt nỗi ở đây cao quá nên chưa có nước máy, chúng tôi phải phụ thuộc hoàn toàn vào nước giếng, mong cơ quan chức năng sớm có giải pháp đưa nước máy về để sử dụng," ông Huỳnh Xuân Ba chia sẻ.

Ông Mai Thu Nhi A, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Hòa Bình, thành phố Kon Tum, cho biết toàn xã có gần 1.850 hộ thì chỉ có hơn 700 hộ được sử dụng nước máy, còn lại phải sử dụng giếng tự đào hoặc giếng chung để lấy nước sinh hoạt.

Theo thống kê, toàn xã có 86 hộ có khả năng bị thiếu nước sinh hoạt do nắng nóng, trong đó có 16 hộ (tại thôn 2, thôn 5 và thôn Kép Ram) giếng đã hoàn toàn khô cạn.

"Xã đã vận động người dân ở gần các hộ bị cạn nước giếng chia sẻ nguồn nước sinh hoạt cho các hộ này, đảm bảo tối thiểu lượng nước sinh hoạt. Ủy ban Nhân dân xã đã làm việc với Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn của tỉnh và đề xuất thành phố sớm đưa hệ thống nước máy về để tất cả người dân của xã được sử dụng nguồn nước này," ông Mai Thu Nhi A cho biết thêm.

Điểm Trường Tiểu học và Trung học Cơ sở Trần Hưng Đạo (phường Trần Hưng Đạo, thành phố Kon Tum) là nơi học tập của 427 học sinh. Hơn một tháng qua, giếng đào sâu hơn 30m của nhà trường đã cạn nước.

Cô Nguyễn Thị Hoàn, Hiệu trưởng Trường Tiểu học và Trung học Cơ sở Trần Hưng Đạo, cho biết mỗi ngày, giếng chỉ bơm được khoảng 1-2m3 nước, sau đó lại rơi vào tình trạng khô cạn. Việc hết nước gây rất nhiều khó khăn cho học sinh trong việc vệ sinh cá nhân, nhà trường cũng không có nước để rửa dọn hay tưới cây trong khuôn viên trường. Thậm chí, nhà trường buộc phải đóng cửa hệ thống nhà vệ sinh tầng 3 để tiết kiệm nước.

"Khi giếng mới hết nước, nhà trường phải nối ống nước sang nhà người dân xung quanh để xin nhưng bây giờ các hộ dân cũng không còn nước để xin. Nhà trường tận dụng nước giếng đào, được chút nào hay chút ấy, còn lại là trông chờ vào sự hỗ trợ từ Ủy ban Nhân dân phường," cô Nguyễn Thị Hoàn nói.

Theo ông Dương Quốc Cường, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân phường Trần Hưng Đạo, ngoài điểm Trường Tiểu học và Trung học Cơ sở Trần Hưng Đạo, toàn phường có hơn 40 hộ dân khác đang bị thiếu nước sinh hoạt.

ttxvn_gieng nuoc 2.jpg
Sau 1 ngày tích nước, giếng nước tại điểm Trường Tiểu học và Trung học Cơ sở Trần Hưng Đạo (phường Trần Hưng Đạo, thành phố Kon Tum) chỉ bơm được 5 phút rồi lại hết nước. (Ảnh: Dư Toán/TTXVN)

Để hỗ trợ nước sinh hoạt cho người dân, phường đã bố trí 3 bồn nước có dung tích 1.000m3, đặt tại các vị trí người dân có nhu cầu nước sinh hoạt. Mỗi tuần, phường sẽ đưa nước lên điểm Trường Tiểu học và Trung học Cơ sở Trần Hưng Đạo từ 1-2 lần tùy theo nhu cầu để phục vụ việc dạy và học của nhà trường.

"Hiện nay, 100% phường chưa có nước máy sử dụng. Nguyên nhân là do điều kiện địa hình đồi cao nên áp lực nước không đủ để đưa nước lên. Ủy ban Nhân dân phường đã có kiến nghị với thành phố, làm việc với các cơ quan chức năng có thẩm quyền để nghiên cứu, đưa nước máy về cho người dân sử dụng, nhất là trong giai đoạn nắng nóng, cao điểm của mùa khô," ông Cường nhấn mạnh.

Ông Phan Thanh Nam, Trưởng phòng Kinh tế hạ tầng, Phó trưởng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai-Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự thành phố Kon Tum, cho biết trước thực trạng nhiều giếng nước bị khô cạn, ảnh hưởng đến sinh hoạt, đời sống của người dân, Ủy ban Nhân dân thành phố Kon Tum đã yêu cầu Ủy ban Nhân dân các xã, phường tăng cường công tác tuyên truyền, vận động các hộ dân nạo vét giếng nước, chia sẻ nguồn nước sinh hoạt giữa các hộ trong cụm dân cư, sử dụng nước sinh hoạt tiết kiệm, tránh lãng phí nhằm đảm bảo nước sinh hoạt tối thiểu cho nhân dân; chủ động bố trí các điểm cấp nước tập trung phục vụ người dân.

Về lâu dài, Ủy ban Nhân dân các xã, phường và các đơn vị quản lý công trình chỉ đạo, phân công cán bộ phụ trách thường xuyên kiểm tra các công trình nước tự chảy, giếng nước sinh hoạt để có giải pháp chống hạn riêng cho từng khu vực công trình; tuyên truyền vận động nhân dân dùng nước tiết kiệm, chuẩn bị các vật dụng như bồn chứa, thùng nhựa, can đựng nước... để dự trữ nước sinh hoạt.

Riêng đối với giếng đào, các địa phương, đơn vị cần chủ động khuyến cáo nhân dân thường xuyên kiểm tra và tổ chức nạo vét đáy giếng để đảm bảo nguồn nước phục vụ sinh hoạt.

"Trong trường hợp thiếu nước sinh hoạt nghiêm trọng ở một số khu vực, Ủy ban Nhân dân xã, phường có giải pháp cấp nước sinh hoạt hỗ trợ nhân dân bằng biện pháp chở nước sinh hoạt từ các nơi khác đến; sử dụng các bồn chứa nước có dung tích 2.000 lít/bồn. Bên cạnh đó, đề nghị Công ty Trách nhiệm hữu hạn Cấp nước Kon Tum tổ chức khảo sát, lắp đặt hệ thống cấp nước phục vụ nước sinh hoạt cho nhân dân, trong đó tập trung vào các khu vực thường xuyên xảy ra thiếu nước sinh hoạt như xã Hòa Bình, phường Trần Hưng Đạo, phường Duy Tân," ông Phan Thanh Nam nhấn mạnh./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục