Cần Thơ dự kiến khánh thành cầu Trần Hoàng Na và cầu Tây Đô dịp lễ 30/4

21:36' - 22/04/2024
BNEWS Cầu Tây Đô khởi công năm 2022, do Sở Giao thông Vận tải thành phố Cần Thơ làm chủ đầu tư, gồm 2 đơn nguyên, tổng mức đầu tư gần 250 tỷ đồng; trong đó, đơn nguyên 1 hoàn thành và thông xe đầu năm 2023.

Ngày 22/4, lãnh đạo Ban Quản lý dự án ODA thành phố Cần Thơ, chủ đầu tư cầu Trần Hoàng Na cho biết, Hội đồng kiểm tra nhà nước về công tác nghiệm thu công trình xây dựng đã nghiệm thu, cơ bản thống nhất đưa cầu Trần Hoàng Na vào khai thác sử dụng. Ban Quản lý dự án ODA đang hoàn thiện các thủ tục còn lại để tổ chức khánh thành cầu vào dịp lễ 30/4.

 

Cầu Trần Hoàng Na thuộc dự án Phát triển thành phố Cần Thơ và tăng cường khả năng thích ứng của đô thị, có tổng mức đầu tư gần 800 tỷ đồng, sử dụng vốn vay của Ngân hàng Thế giới.

Cầu có chiều dài bao gồm đường dẫn 820m. Chiều rộng phía bờ Ninh Kiều là 37m, phía Cái Răng là 23m. Bề rộng cầu tại nhịp chính là 23m, nhịp biên là 29,3m, tại sàn vọng cảnh là 34,6m. Độ cao thông thuyền là 7m, tĩnh không hai bên bờ là 4,75m. Cầu được thế kế dạng cầu vòm chạy giữa, gồm ba nhịp kết cấu theo 49m+150m+49m, tổng chiều dài cầu là 586,9m, vận tốc thiết kế 60 km/h.

Công trình do liên danh nhà thầu Tổng công ty Xây dựng Công trình giao thông 1 – Công ty cổ phần và Công ty cổ phần Cầu 14 thi công. Đơn vị giám sát thi công là Công ty Trách nhiệm hữu hạn Dasan Consultants. Đơn vị thiết kế là Công ty cổ phần Tư vấn thiết kế Giao thông Vận tải phía Nam.

Cầu Trần Hoàng Na nằm giữa các cầu Hưng Lợi và cầu Cái Răng. Trước khi cầu Trần Hoàng Na hoàn thành, thành phố Cần Thơ đã có 3 cây cầu bắc qua sông Cần Thơ nối hai quận Ninh Kiều và Cái Răng, thông ra Quốc lộ 1A gồm: cầu Quang Trung, cầu Hưng Lợi và cầu Cái Răng; trong đó, nút giao IC3 kết nối với 2 cây cầu Quang Trung và Hưng Lợi thường xuyên xảy ra tình trạng ùn ứ, kẹt xe vào giờ cao điểm.

Do đó, khi cầu Trần Hoàng Na Cầu hoàn thành sẽ góp phần giải quyết tốt nhiệm vụ kết nối giao thông đô thị giữa Quốc lộ 1A và các tuyến đường trung tâm của thành phố Cần Thơ. Đồng thời, góp phần tạo điểm nhấn cho đô thị thành phố Cần Thơ, mở ra cơ hội cho ngành du lịch, thương mại, dịch vụ tăng tốc, bứt phá trong tương lai, cũng như cơ hội để cải thiện kiến trúc các công trình cầu vượt sông, tạo điểm nhấn cho cảnh quan, thu hút khách du lịch khi đến với Cần Thơ, đặc biệt là du khách tham quan trên sông.

Một cây cầu khác bắc qua sông Cần Thơ cũng sẽ được khánh thành vào dịp lễ 30/4 này là cầu Tây Đô nằm trên địa bàn huyện Phong Điền.

Cầu Tây Đô khởi công đầu năm 2022, do Sở Giao thông Vận tải thành phố Cần Thơ làm chủ đầu tư, gồm hai đơn nguyên, tổng mức đầu tư gần 250 tỷ đồng; trong đó, đơn nguyên 1 đã hoàn thành và thông xe đầu năm 2023. Đây là 1 trong 8 dự án trọng điểm của Cần Thơ nhiệm kỳ 2021-2026. Hiện các hạng mục thi công đơn nguyên 2 đã hoàn thiện và công trình sẽ được tổ chức khánh thành, đưa vào khai thác sử dụng nhân dịp kỷ niệm 49 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/42024).

Theo lãnh đạo Sở Giao thông Vận tải thành phố Cần Thơ, cầu Tây Đô hoàn thành sẽ giải quyết triệt để nút thắt giao thông tại đầu tuyến đường tỉnh 926 và nút giao đường tỉnh 923 thường xuyên bị kẹt xe trong giờ cao điểm, đồng thời giúp kết nối đồng bộ với các cầu của các tuyến đường tỉnh 923 và 926 và tuyến đường tỉnh 918 của thành phố.

Công trình giúp kết nối, mở rộng không gian phát triển cho thị trấn Phong Điền, huyện Phong Điền, từng bước hoàn thiện cơ sở hạ tầng giao thông làm động lực phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh trên địa bàn huyện Phong Điền nói riêng và địa bàn thành phố nói chung.

Tại buổi kiểm tra công trình cầu Tây Đô vào chiều 22/4, Bí thư Thành ủy Cần Thơ Nguyễn Văn Hiếu đánh giá cao nỗ lực của chủ đầu tư, nhà thầu đã khắc phục các khó khăn, hoàn thành dự án. Ông Nguyễn Văn Hiếu đề nghị huyện Phong Điền có đề xuất quy hoạch để khai thác hiệu quả quỹ đất hai bên đường tỉnh 926, góp phần tăng mức độ đô thị hóa của huyện sau khi cầu Tây Đô được đưa vào khai thác.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục