Anh loại trừ khả năng ký thỏa thuận liên quan trao đổi sinh viên với EU

Người phát ngôn của Chính phủ Anh cho biết nước này loại trừ khả năng ký bất kỳ thỏa thuận nào với Liên minh châu Âu (EU) liên quan đến hoạt động di chuyển của thanh thiếu niên.

Ảnh minh họa. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Ảnh minh họa. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 20/4, người phát ngôn của Chính phủ Anh cho biết nước này loại trừ khả năng ký bất kỳ thỏa thuận nào với Liên minh châu Âu (EU) liên quan đến hoạt động di chuyển của thanh thiếu niên, được cho là tạo thuận lợi cho giới trẻ Anh sinh sống, học tập và làm việc trong khối này.

Người phát ngôn trên nêu rõ: “Việc di chuyển tự do trong EU đã kết thúc và chúng tôi không có kế hoạch giới thiệu kế hoạch này.”

Người phát ngôn của Anh đưa ra tuyên bố trên sau khi Ủy ban châu Âu (EC) kêu gọi 27 quốc gia EU mở các cuộc đàm phán về "kế hoạch di chuyển thanh niên" đối với công dân Anh trong độ tuổi 18-30.

Tuy nhiên, Anh nhấn mạnh ưu tiên các thỏa thuận song phương với từng quốc gia hơn là một thỏa thuận toàn EU.

Hiện Anh đang có các chương trình di chuyển thanh thiếu niên riêng với 13 quốc gia, trong đó có Australia, Canada, San Marino, Iceland, Monaco...

Sau Brexit, Anh đã rời khỏi chương trình trao đổi sinh viên châu Âu (Erasmus), nhưng EC cho biết vẫn "để ngỏ cửa" nếu Anh muốn tham gia trở lại.

Kế hoạch của EC dự kiến thiết lập mức học phí đại học ở Anh và EU ngang bằng với mức cho sinh viên EU và Anh, như trước Brexit.

Theo EC, học phí đối với sinh viên không phải công dân Anh tại các trường đại học ở Anh hiện trung bình là 22.000 bảng Anh (27.400 USD) một năm, so với khoảng 9.000 bảng đối với công dân Anh.

Theo kế hoạch, các công dân trẻ của EU và Anh được ở lại quốc gia mà họ lựa chọn trong tối đa bốn năm và phí thị thực sẽ không “quá cao.”

EC cho biết hiện tại, một thanh niên từ EU muốn học tập tại Anh phải trả phí thị thực 490 bảng Anh, trong khi mức phí thị thực lao động có tay nghề từ 719-1.639 bảng Anh.

Ngoài ra, EC muốn loại bỏ khoản chi phí bổ sung cho việc chăm sóc sức khỏe lên tới hàng trăm bảng Anh.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục