Tuần hoàn rác thải: Phải thúc đẩy phân loại, có chính sách hỗ trợ tái chế

Chỉ còn hơn 8 tháng, hộ gia đình, cá nhân bắt buộc phải phân loại rác thải. Do vậy, các địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền, có chính sách về kinh tế để khuyến khích công cuộc tái chế nhựa.

Hình ảnh người dân vứt rác thải tại phố Tân Mai, quận Hoàng Mai, Hà Nội. (Ảnh: Thanh Thảo/Vietnam+)
Hình ảnh người dân vứt rác thải tại phố Tân Mai, quận Hoàng Mai, Hà Nội. (Ảnh: Thanh Thảo/Vietnam+)

Theo Luật Bảo vệ môi trường 2020, từ ngày 1/1/2025, hộ gia đình, cá nhân bắt buộc phải phân loại rác thải tại nguồn, nhằm hướng tới mục tiêu tuần hoàn rác thải, cải thiện môi trường. Song thực tế hiện nay cho thấy rác vẫn còn ngổn ngang ở nhiều nơi, trong khi công tác xử lý rác thải vẫn chưa đồng bộ.

Vì thế, nhiều ý kiến cho rằng các địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền phân loại rác thải tại nguồn và có chính sách về kinh tế cho người dân cũng như có các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện công tác tái chế nhựa.

Gắn trách nhiệm khi vứt bỏ rác thải

Những ngày gần đây, tình trạng rác thải tràn lan lại tái diễn ở một số khu vực trên địa bàn Hà Nội, thậm chí một số nơi trở thành “con đường rác.”

Ghi nhận của phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus tại khu vực phường Mễ Trì (quận Nam Từ Liêm) cho thấy một số nơi, rác thải sinh hoạt lẫn phế thải xây dựng bị người dân đổ trộm tràn ra đường. Những đồ gia dụng cũ hỏng như bàn ghế, hộp xốp cũng bị “trưng bày” ngổn ngang ở trên vỉa hè.

Tại phố Tân Mai (quận Hoàng Mai), tình trạng vứt, đổ rác thải cũng diễn ra “tự do” ở nhiều ngõ nhỏ. Thậm chí dù có tấm biển “Xin đừng vứt rác tại đây,” một số người dân vẫn ngó lơ, thản nhiên vứt bỏ rác từ rác thải ra đường.

Bà Hoàng Thị Bích Hạnh - Phó Chủ tịch Công đoàn Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Môi trường đô thị (Urenco) Hà Nội cho biết mỗi ngày thành phố có khoảng 7.000-7.500 tấn rác thải sinh hoạt, song việc phân loại rác vẫn chưa được triển khai thường xuyên và đồng bộ với hoạt động thu gom, xử lý.

Theo bà Hạnh, công tác phân loại rác hiện mới được thí điểm tại một số đô thị lớn; còn lại phần lớn rác thải chưa được phân loại trước khi thu gom.

“Hiện nay, công việc của công nhân môi trường tập trung vào việc làm sạch các tuyến đường, tuyến phố. Tuy nhiên do mật độ dân cư đông, lượng rác phát sinh hằng ngày lớn nên công tác thu gom phân loại rác thải gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó là tình trạng người thu gom rác tái chế tự do bới, nhặt lại rác tái chế tại các thùng rác diễn ra phổ biến nên rác sau khi tập kết lại ngổn ngang, gây mất vệ sinh, mất mỹ quan đô thị,” bà Hạnh trăn trở.

anh 6 giam rac thai nhua, tui ni-long.jpg
Từ ngày 1/1/2025 sẽ thực hiện chế tài liên quan đến việc phân loại rác. (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)

Chị Loan, công nhân Urenco tại quận Hoàn Kiếm cũng cho biết hiện nhiều người vẫn chưa quan tâm đến việc đổ rác, trong khi chế tài còn khá ít và các chương trình phân loại rác hầu như công nhân môi trường tự loay hoay làm.

Trước thực tế đó, Viện trưởng Viện Chiến lược Chính sách Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Đình Thọ cho biết viện này đã đề xuất 2 phương án để người dân thực hiện tốt. Thứ nhất là tuyên truyền vận động người dân. Thứ hai là gắn trách nhiệm đối với hộ gia đình, cá nhân thông qua chế tài xử phạt như: Trường hợp vứt thải rác ra môi trường sẽ phải trả tiền để xử lý.

Theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 cũng như Nghị định 08/2022/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của luật này, từ ngày 1/1/2025, phân loại chất thải rắn sinh hoạt là việc làm bắt buộc với mọi cá nhân và hộ gia đình. Trường hợp không thực hiện sẽ bị phạt từ 500.000 đến 1 triệu đồng.

Cùng với đó, các địa phương cũng cần tuyên truyền cho người dân đổ rác đúng giờ, đúng chỗ; cũng như có hình thức tuyên truyền tại các trường đại học, các trường phổ thông để các bạn quay về tuyên truyền cho gia đình.

“Tôi mong công nhân môi trường, các cơ quan chức năng khi thấy người dân không đổ rác đúng giờ, đúng chỗ sẽ nhắc nhở từng người dân. Hy vọng chúng ta sẽ thực hiện tốt để sau này khi vứt rác ngoài đường sẽ cảm thấy vướng tay và tiếp đến là thấy rác sẽ nhặt và vứt đúng chỗ,” ông Thọ chia sẻ.

Làm thế nào để người dân tuân thủ?

Ông Nguyễn Hữu Tiến - Phó Chủ tịch Hiệp hội Tái chế Việt Nam nhấn mạnh thời gian bắt buộc phải áp dụng quy định phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn không còn nhiều. Tuy nhiên các địa phương đã có 3 năm cho việc tuyên truyền phổ biến luật, khởi động, xây dựng mô hình, làm điểm nên việc phân loại cần phải đảm bảo đến ngày 1/1/2025 chỉ việc vận hành.

Tuy vậy, ông Tiến cũng lưu ý bản chất của vấn đề ở đây là thời hạn bắt buộc áp dụng phân loại và các hình thức xử lý vi phạm chưa chính thức bắt đầu nên người dân chưa thực sự thấy thiết thực phải tiếp cận, tìm hiểu quy định của luật, nghị định hay hướng dẫn để triển khai trong thực tiễn hàng ngày.

rac thai ran sinh hoat.jpg
Ảnh minh họa. (Nguồn: Vietnam+)

“Đã đến lúc chủ nguồn thải phải thực sự nắm được tính chất của rác để thực hiện phân loại nếu không muốn mình bị rơi vào cảnh bị từ chối thu gom hoặc bị áp chế tài xử phạt hành chính. Nếu sự tương tác giữa cơ quan quản lý, đơn vị thu gom và chủ nguồn thải thực sự nhịp nhàng, khi đó chắc chắn rác sẽ đi đúng đường,” ông Tiến chia sẻ và nhấn mạnh rác có thể cồng kềnh nhưng công tác quản lý, xử lý rác nhất định không được cồng kềnh.

Ông Hoàng Văn Thức - Cục trưởng Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết hiện đã có gần 20 tỉnh/thành phố ban hành quy định về quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn, khoảng 30 địa phương bắt đầu phân loại chất thải rắn sinh hoạt.

Tuy nhiên để việc phân loại rác thải rắn sinh hoạt thực sự phát huy hiệu quả, ông Thức lưu ý rằng bên cạnh xây dựng hành lang pháp lý, đầu tư hạ tầng thì việc nâng cao nhận thức để người dân, nhà quản lý hay doanh nghiệp đều hiểu phân loại rác tại nguồn phải trở thành thói quen là điều quan trọng và cần thiết. Theo đó, tuyên truyền vận động phải được thực hiện bài bản có chiến lược và liên tục.

Về phía Bộ Tài nguyên và Môi trường, ông Thức cho biết sẽ tiếp tục hoàn thành và ban hành bộ định mức kinh tế, kỹ thuật về công tác thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt; tổ chức các đoàn công tác xuống địa phương để tập huấn, hướng dẫn, hỗ trợ triển khai hoạt động phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại hộ gia đình, cá nhân; phối hợp với các địa phương báo cáo, đề xuất Thủ tướng Chính phủ để có hỗ trợ nguồn lực đầu tư hạ tầng thu gom, vận chuyển và xử lý rác…

Bà Hoàng Thị Bích Hạnh, đại diện Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Môi trường đô thị Hà Nội cũng khuyến nghị các địa phương cần phải tuyên truyền, hướng dẫn người dân trong hoạt động phân loại rác thải rắn sinh hoạt và có chính sách về kinh tế để người dân tham gia tái chế nhựa một cách bền vững.

“Ví dụ như giảm chi phí nếu rác được phân loại. Cùng với đó là cần phải có các chính sách hỗ trợ thực hiện công tác tái chế như chính sách giảm thuế VAT cho doanh nghiệp,” bà Hạnh chia sẻ và nhấn mạnh việc quản lý, tái sử dụng rác thải hợp lý sẽ mang lại lợi ích kinh tế để việc phát triển bền vững./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục