Trưởng đại diện UN Women Việt Nam: Bốn thành tựu của Việt Nam về bình đẳng giới

Kể từ khi thực hiện các Mục tiêu Phát triển Bền vững, xếp hạng thế giới của Việt Nam về Bình đẳng giới tăng từ vị trí 83 lên 72 trong số 146 quốc gia, theo báo cáo do WEF công bố.

Bà Caroline Nyamayamombe, Trưởng đại diện UN Women Việt Nam. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)
Bà Caroline Nyamayamombe, Trưởng đại diện UN Women Việt Nam. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)

Ngày 9/4, Hội đồng Kinh tế Xã hội Liên hợp quốc (ECOSOC) đã bầu Việt Nam vào Hội đồng Chấp hành Cơ quan Liên hợp quốc về Bình đẳng giới và Trao quyền cho phụ nữ (UN Women) nhiệm kỳ 2025-2027.

Với việc được bầu vào Hội đồng Chấp hành, kể từ tháng 1/2025 đến hết năm 2027, Việt Nam sẽ tham gia điều phối xây dựng và triển khai các định hướng lớn của UN Women, bảo đảm các chiến lược và hoạt động của cơ quan này nhất quán với các mục tiêu và chính sách tổng thể của Liên hợp quốc về thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ.

Nhân dịp này, bà Caroline Nyamayamombe, Trưởng đại diện UN Women Việt Nam đã trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN về các nội dung liên quan đến việc Việt Nam trúng cử Hội đồng chấp hành UN Women và công tác đảm bảo quyền và sự tiến bộ cho phụ nữ của Việt Nam.

- Bà đánh giá thế nào về việc Việt Nam trúng cử Hội đồng chấp hành UN Women nhiệm kỳ 2025-2027?

Bà Caroline Nyamayamombe: Tôi xin chân thành chúc mừng Việt Nam đã được bầu vào Hội đồng Chấp hành UN Women nhiệm kỳ 2025-2027. Đây là sự ghi nhận quan trọng từ cộng đồng quốc tế trước cam kết kiên định của Việt Nam trong việc thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ, đồng thời nhấn mạnh mối quan hệ hợp tác bền chặt giữa Việt Nam và UN Women ở cấp độ quốc gia và toàn cầu.

ttxvn_binh dang gioi 1.jpg
Toàn cảnh phiên họp của Hội đồng Kinh tế Xã hội Liên hợp quốc (ECOSOC). (Ảnh: Thanh Tuấn/TTXVN)

Thứ hai, đây là một sự bổ nhiệm hoàn toàn xứng đáng bởi Việt Nam đã có nhiều bước tiến lớn trong những năm gần đây nhằm giải quyết bất bình đẳng giới và thúc đẩy quyền của phụ nữ trên nhiều lĩnh vực khác nhau, bao gồm luật pháp, chính trị, giáo dục và việc làm.

- Trong thời gian qua, Việt Nam đã có những nỗ lực đảm bảo quyền và sự tiến bộ cho phụ nữ. Bà có thể đánh giá về những nỗ lực này của Việt Nam và đâu là dấu ấn nổi bật, thưa bà?

Bà Caroline Nyamayamombe: Chính phủ Việt Nam đã duy trì động lực thúc đẩy bình đẳng giới trong nhiều năm qua.

Kể từ khi thực hiện các Mục tiêu Phát triển Bền vững, chúng ta đã thấy xếp hạng thế giới của Việt Nam về Bình đẳng giới tăng từ vị trí 83 lên 72 trong số 146 quốc gia (theo Báo cáo Khoảng cách giới Toàn cầu do Diễn đàn Kinh tế Thế giới công bố năm 2023).

Bất chấp những thách thức vẫn tồn tại, tôi có thể trích dẫn bốn thành tựu đáng chú ý kể từ khi thực hiện các Mục tiêu Phát triển Bền vững:

Việt Nam đã tiếp tục tăng cường khuôn khổ chính sách và pháp lý về bình đẳng giới. Đơn cử như Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (2017); Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) 2022; Bộ luật Lao động (sửa đổi) 2019.

Việt Nam đã đẩy mạnh sự tham gia của phụ nữ trong chính trị tại cuộc bầu cử năm 2021, với tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội đạt 30,26% - cao nhất kể từ năm 1976, cao hơn mức trung bình toàn cầu là 25%.

Việt Nam là một trong những quốc gia có tỷ lệ phụ nữ tham gia lực lượng lao động cao nhất thế giới. Tỷ lệ này cao gần bằng với nam giới (72% đối với nữ, so với 82% đối với nam).

Việt Nam mới đây đã lần đầu tiên thông qua Chương trình Hành động Quốc gia về Phụ nữ, Hòa bình và An ninh vào tháng 1/2024 và đã vượt mục tiêu đề ra về tăng cường vai trò và sự tham gia của phụ nữ trong hoạt động gìn giữ hòa bình.

- UN Women có khuyến nghị gì để Việt Nam phát huy tốt vai trò thành viên Hội đồng chấp hành UN Women nhiệm kỳ 2025-2027?

Bà Caroline Nyamayamombe: Hội đồng Chấp hành có vai trò cung cấp hỗ trợ liên chính phủ và giám sát các hoạt động điều hành của UN Women, nhất quán với các chính sách tổng thể của Đại hội đồng, Hội đồng Kinh tế và Xã hội và tuân thủ các trách nhiệm được nêu ra trong Hiến chương Liên hợp quốc. Hơn nữa, Hội đồng có nhiệm vụ đảm bảo rằng UN Women luôn tuân thủ và đáp ứng nhu cầu và ưu tiên của các quốc gia tiếp nhận.

Trong nhiệm kỳ 2025-2027, UN Women sẽ thông qua một chiến lược toàn cầu mới nhằm thúc đẩy việc thực hiện các Mục tiêu Phát triển Bền vững, mà trong đó bình đẳng giới là trọng tâm.

Dựa vào thành tích và kinh nghiệm của mình, Việt Nam với dân số đa dạng và văn hóa xã hội độc đáo, sẽ mang lại nhiều góc nhìn sâu sắc về thúc đẩy bình đẳng giới.

ttxvn_Xoa mu chu.jpg
Lớp học xóa mù chữ cho phụ nữ dân tộc thiểu số ở Lai Châu. (Ảnh minh họa. Nguồn: TTXVN)

Ví dụ, Việt Nam đã nỗ lực giảm nghèo đa chiều và đạt được mức thu nhập trung bình, tuy nhiên hiện tại có 10,3% phụ nữ trên toàn cầu vẫn đang sống trong tình trạng nghèo cùng cực. Có những thách thức và nhiều cơ hội trong quá trình chuyển đổi số và năng lượng, cũng như trong tăng cường sự tham gia của phụ nữ vào lĩnh vực biến đổi khí hậu, chính trị, hòa bình và ổn định toàn cầu.

Việt Nam có thể chia sẻ hành trình của riêng mình và truyền cảm hứng cho nhiều quốc gia khác. Những đóng góp này là vô giá trong việc cung cấp thông tin và hỗ trợ các phương pháp tiếp cận và hợp tác đổi mới, nhằm thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ.

- Trân trọng cảm ơn bà!./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục