'Hà Tĩnh coi trọng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và công tác phát triển Đảng'

Theo Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Hà Tĩnh cần tiếp tục coi trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; sớm phê duyệt đề án xây dựng trường chính trị chuẩn.

Ông Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, phát biểu. (Ảnh: Hoàng Ngà/TTXVN)
Ông Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, phát biểu. (Ảnh: Hoàng Ngà/TTXVN)

Sáng 16/4, tại tỉnh Hà Tĩnh, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Tĩnh về tổng kết 40 năm thực hiện công cuộc đổi mới, kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025; kết quả công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công tác triển khai thực hiện Quy định số 11-QĐ/TW của Ban Bí thư về trường chính trị chuẩn.

Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng và Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh Hoàng Trung Dũng chủ trì buổi làm việc.

Tại buổi làm việc, các đại biểu đã thảo luận, làm rõ những bài học trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ, công tác xây dựng Đảng nhiệm kỳ vừa qua của tỉnh Hà Tĩnh; các vướng mắc trong quá trình triển khai và kiến nghị liên quan đến công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trong giai đoạn hiện nay, xây dựng Trường Chính trị Trần Phú đạt chuẩn mức II.

Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh Hoàng Trung Dũng cho biết quan điểm của tỉnh là luôn quyết liệt, linh hoạt, tạo sự đồng thuận cao trong thực hiện nhiệm vụ.

Ông Hoàng Trung Dũng đề xuất, kiến nghị đến Đoàn công tác một số nội dung liên quan đến phương án sắp xếp đơn vị hành chính; công tác đào tạo, bồi dưỡng và tuyển dụng, tạo nguồn cán bộ trẻ; phát triển khu kinh tế Vũng Áng; dừng khai thác mỏ sắt Thạch Khê...

Phát biểu kết luận buổi làm việc, ông Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương đánh giá tỉnh Hà Tĩnh đã vận dụng sáng tạo, triển khai có hiệu quả các chủ trương lớn của Đảng.

Thời gian tới, tỉnh cần bám sát mục tiêu, chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đã đề ra; tiếp tục chủ động dự báo, đánh giá đúng tình hình, xây dựng kế hoạch, đề ra giải pháp phù hợp.

ttxvn_ong nguyen xuan thang 2.jpg
Quang cảnh buổi làm việc. (Ảnh: Hoàng Ngà/TTXVN)

Tỉnh cần xác định rõ động lực kinh tế trọng điểm, phát triển kinh tế dựa trên nền tảng văn hóa, con người; tiếp tục đầu tư những ngành nghề thế mạnh như: nhiệt điện, cảng biển, logistics; quan tâm thu hút dự án đầu tư, kêu gọi các nhà đầu tư chiến lược; tạo môi trường để thu hút, đào tạo nguồn lao động…

Cùng với phát triển kinh tế, tỉnh cần quan tâm văn hóa-xã hội, đảm bảo an sinh-an toàn-an dân; xây dựng lộ trình, kế hoạch cụ thể đối với việc phát triển văn hóa, con người; chú trọng phát huy lợi thế về du lịch, kết nối tour-tuyến trong và ngoài tỉnh… Công tác xây dựng Đảng, tổ chức, sắp xếp bộ máy cần triển khai minh bạch, khách quan.

Trong xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, tỉnh cần tiếp tục quán triệt nghiêm túc, sâu sắc các chủ trương, nghị quyết của Đảng; coi trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; chú trọng công tác phát triển Đảng, xây dựng tổ chức cơ sở đảng; tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo Trường Chính trị Trần Phú, sớm phê duyệt đề án xây dựng và phát triển trường chính trị chuẩn theo quy định, chuẩn hóa đội ngũ cán bộ, giảng viên…

Báo cáo kết quả thực hiện công cuộc đổi mới của tỉnh Hà Tĩnh cho thấy những năm đầu tái lập, tỉnh đứng trước muôn vàn khó khăn, song với động lực mới, sự lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời của Đảng, Nhà nước, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh đã phát huy tinh thần đoàn kết, sáng tạo, nỗ lực, quyết tâm vượt khó vươn lên, đề ra nhiều chủ trương, chính sách và định hướng chiến lược, qua các giai đoạn đã có sự chuyển biến mạnh mẽ, phát triển toàn diện trên tất cả các lĩnh vực.

ttxvn_ha tinh.jpg
Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh Hoàng Trung Dũng phát biểu tại buổi làm việc. (Ảnh: Hoàng Ngà/TTXVN)

Tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 1991-2023 đạt gần 10%. GRDP bình quân đầu người tăng từ 0,7 triệu đồng (năm 1991) lên trên 77 triệu đồng (năm 2023). Kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội được đầu tư xây dựng, bộ mặt đô thị, nông thôn có nhiều khởi sắc. Đến nay, toàn tỉnh có 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới; 1.500 dự án trong và ngoài nước với quy mô hơn 22 tỷ USD.

Tỉnh đã kịp thời vận dụng sáng tạo, cụ thể hóa các chủ trương, nghị quyết của Trung ương sát với thực tế địa phương; đồng thời nỗ lực đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành. Nhờ vậy, việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị đạt được kết quả khá toàn diện trên các lĩnh vực.

Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ luôn được tỉnh thực hiện chặt chẽ và nghiêm túc, góp phần nâng cao trình độ và chất lượng đội ngũ cán bộ; từng bước hoàn thiện tiêu chuẩn ngạch, chức vụ, chức danh theo quy định. Thực hiện Quy định số 11-QĐ/TW, ngày 19/5/2021 của Ban Bí thư về trường chính trị chuẩn, đến nay, Trường Chính trị Trần Phú đã đạt 47/55 tiêu chí mức I./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục