Nỗ lực đưa Lễ hội đền Thánh Nguyễn trở thành Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Lễ hội đền Thánh Nguyễn là một trong những lễ hội nổi tiếng của Cố đô Hoa Lư diễn ra từ ngày 16 - 18/4 (tức ngày mùng 8-10 tháng 3 âm lịch).

Chú thích ảnh
Một tiết mục văn nghệ đặc sắc tại lễ khai mạc Lễ hội Đền Thánh Nguyễn năm 2023. Ảnh: Đức Phương/TTXVN

Khai hội diễn ra vào tối 16/4. Đây là một trong những lễ hội lớn ở tỉnh Ninh Bình, gắn liền với cuộc đời, sự nghiệp và truyền thuyết về Thiền sư Nguyễn Minh Không. Lễ hội lưu giữ nét văn hóa đặc sắc của cộng đồng, được duy trì, lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, có sức lan tỏa mạnh mẽ.

Nguyễn Minh Không - vị quốc sư danh y "khổng lồ"

Từ xa xưa, dân gian lưu truyền rằng "Đại Hữu sinh vương, Điềm Dương sinh thánh" để nói về vùng đất địa linh đã sinh ra vua Đinh Tiên Hoàng và Thiền sư Nguyễn Minh Không, vị Quốc sư triều Lý, quê quán ở làng Điềm Giang, ngôi đền thờ ngài - đền Thánh Nguyễn còn tồn tại đến ngày nay. Đây là ngôi đền cổ thuộc làng Điềm, có tên gọi cổ xưa là Đàm Gia Loan, sau đổi là Đàm Xá, nay là hai xã Gia Tiến và Gia Thắng, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình.

Theo truyền thuyết, ông Nguyễn Minh Không là vị cao tăng đứng đầu của triều đại nhà Lý trong lịch sử Việt Nam. Ông là người đầu tiên áp dụng phương pháp chữa bệnh bằng thuốc Nam và châm cứu, thầy thuốc tài giỏi lúc bấy giờ. Năm 1136, vua Lý Thần Tông hai mươi tuổi bị bệnh nặng. Lúc đó, trong cung không ai chữa khỏi, triều đình triệu nhà sư Nguyễn Minh Không vào cung và đã chữa khỏi bệnh lạ cho vua. Qua đó, được vua kính trọng phong là Quốc sư, chức vị cao nhất trong hệ thống tăng quan nhà Lý thể hiện rõ tầm quan trọng của thiền sư trong lịch sử Phật giáo thời Lý và lịch sử Phật giáo Việt Nam. Cuộc đời, sự nghiệp của Thiền sư Nguyễn Minh Không là một không gian văn hóa đậm chất lịch sử và huyền tích. Ngài là một trong số rất ít nhân vật lịch sử có thật được dân gian phong Thánh, đồng thời là ông Tổ của nghề đúc đồng ở Việt Nam. Ngài được thờ phụng ở nhiều nơi, nhất là tại Ninh Bình và vùng châu thổ sông Hồng.

Theo các bậc cao niên tại huyện Gia Viễn, trong tâm thức dân gian, Nguyễn Minh Không là người có khả năng phi thường, đi mây về gió, người có phép thuật tài ba. Qua những câu chuyện của người xưa, Thiền sư Nguyễn Minh Không từ đời thực đã bước vào đời sống dân gian đậm màu truyền thuyết và huyền thoại với nhiều quyền năng. Ông còn tồn tại trong hình tượng ông "Khổng lồ" có sức mạnh phi thường, dời non, lấp biển, khai sơn, phá thạch. Ngoài ra, Nguyễn Minh Không còn được coi là ông tổ y dược.

Ông Phạm Đình Lập, xã Gia Thắng, huyện Gia Viễn chia sẻ, ngay từ khi còn bé, ông được nghe nhiều câu chuyện về Thiền sư Nguyễn Minh Không với những huyền tích kỳ bí. Đến nay, ngôi đền thờ Ngài vẫn được người dân giữ gìn, tu tạo. Hằng năm, cứ đến dịp Lễ hội, nhân dân trong xã và các xã lân cận đều phấn khởi, cùng nhau chuẩn bị kiệu, cờ hoa... Đây không chỉ là dịp con cháu đi xa được trở về dự lễ hội mà còn là dịp quảng bá nét văn hóa đặc sắc của quê hương đến nhân dân, du khách gần xa.

Hướng tới công nhận di sản văn hóa phi vật thể

Theo truyền thuyết khoảng năm 1121, ông Nguyễn Minh Không về quê Đàm Xá xây dựng một ngôi chùa nhỏ thờ Phật, tên là Viên Quang (Viên Quang tự) để tu tập và hành đạo cứu người. Tháng 8 năm 1141, Quốc sư Nguyễn Minh Không mất, người đời sau tôn ông là đức Thánh, để tưởng nhớ công ơn, nhân dân đã chuyển chùa Viên Quang thành nơi thờ tự Ngài.

Đền Thánh Nguyễn nằm trên mảnh đất dài 100m, rộng hơn 40m, xây dựng theo kiểu "nội công ngoại quốc" (là cách gọi theo lối triết tự từ chữ Hán). Đền quay hướng Nam, hướng về Cố đô Hoa Lư nên được xem như một di tích thuộc "Hoa Lư tứ trấn". Công trình là điển hình kiến trúc của thời Hậu Lê, vừa hài hòa, vừa trang nghiêm. Di tích lịch sử văn hóa đền Thánh Nguyễn được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật năm 1989.

Lễ hội đền Thánh Nguyễn diễn ra trong 3 ngày (từ ngày 8-10/3 âm lịch). Đây là dịp nhân dân địa phương tri ân đức Thánh Nguyễn Minh Không, người con của đất Gia Viễn. Lễ hội chính trước đây được tổ chức 6 năm một lần nhưng từ năm 2001 đến nay, lễ hội được tổ chức hằng năm.

Ông Đỗ Hữu Vệ, chủ tế tại Lễ hội Đức Thánh Nguyễn chia sẻ, ông rất tự hào vì đã có gần 30 năm là chủ tế tại Lễ hội. Năm nay, lễ hội được tổ chức trang trọng và có nhiều sự thay đổi trong tế lễ hướng tới việc bảo tồn các nghi thức truyền thống.

Lễ hội đền Thánh Nguyễn gồm hai phần lễ và hội. Phần lễ có lễ mở cửa đền, lễ mộc dục, lễ cáo yết, lễ rước bách thần, tế yên vị, dâng hương, rước nước và lễ tạ. Phần hội có phiên chợ làng Điềm, nhiều trò chơi dân gian, trưng bày triển lãm ảnh, giới thiệu tuyến, tour du lịch tìm về cội nguồn cùng nhiều hoạt động văn hóa, thể thao, trình diễn trang phục.

Bà Vũ Thị Dược, Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Viễn cho biết, huyện tập trung chỉ đạo tổ chức phần lễ trang trọng, giữ gìn nét văn hóa đặc sắc của lễ hội và làm mới, phong phú phần hội.

Ngay từ đầu năm, UBND huyện kêu gọi nhân dân cùng chung tay ủng hộ xây dựng vườn thảo dược Nguyễn Minh Không nhằm bảo tồn, phát triển thảo dược bản địa gắn với du lịch trải nghiệm trên địa bàn.

Hướng tới Lễ hội đền Đức Thánh Nguyễn trở thành di sản văn hóa phi vật thể và bức tranh dát vàng được lưu tại đền trở thành bảo vật quốc gia, thời gian tới, UBND huyện tiếp tục tuyên truyền sâu rộng đến nhân dân, đặc biệt là học sinh thông qua nhiều hoạt động, chương trình. Đồng thời phát triển tour du lịch về nguồn qua đó vừa giữ gìn, bảo tồn văn hóa vừa góp phần phát triển du lịch, kinh tế tại địa phương.

Việc tổ chức thành công Lễ hội góp phần bảo tồn, phục dựng các giá trị văn hóa phi vật thể độc đáo, thể hiện truyền thống "Uống nước nhớ nguồn", tưởng nhớ và tri ân công lao to lớn của Quốc sư Nguyễn Minh Không trong tiến trình lịch sử dân tộc. Đồng thời, quảng bá, phát huy tiềm năng du lịch lịch sử, tâm linh, văn hóa của địa phương và là tiền đề để Gia Viễn đưa Lễ hội đền Thánh Nguyễn trở thành Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Hải Yến (TTXVN)
Điện Biên có thêm 2 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia
Điện Biên có thêm 2 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa ban hành quyết định công bố nghệ thuật trang trí trên trang phục của người Lào, huyện Điện Biên, huyện Điện Biên Đông và nghề làm bánh khẩu xén, bánh chí chọp của người Thái trắng thị xã Mường Lay được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Như vậy, Điện Biên đã có 20 di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN