Vạch trần thủ đoạn gọi điện đặt hàng rồi nhờ mua quà để chiếm đoạt tài sản

Thủ đoạn của các đối tượng là liên hệ với các cơ sở kinh doanh, đặt hàng với số lượng lớn, đồng thời chuyển trước tiền cọc để tạo uy tín, sau đó nhờ đặt thêm một số mặt hàng khác rồi chiếm đoạt tiền.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Thời gian gần đây, nhiều địa phương liên tục ghi nhận các trường hợp người dân bị lừa đảo khi các đối tượng sử dụng thủ đoạn gọi điện đặt hàng, sau đó nhờ chủ cửa hàng mua quà hoặc hàng hóa để chiếm đoạt tài sản. Đây là phương thức không mới nhưng có kịch bản, thao túng tâm lý nên nhiều người vẫn "sập bẫy."

Thủ đoạn nhằm vào các chủ cửa hàng, cơ sở kinh doanh

Theo Công an thành phố Hà Nội, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an thành phố nhận được đơn trình báo của người dân về việc bị các đối tượng sử dụng số điện thoại hoặc tài khoản mạng xã hội giả mạo các cơ quan, tổ chức liên hệ với các cơ sở kinh doanh để đặt hàng, sau đó nhờ mua quà tặng để chiếm đoạt tài sản.

Thủ đoạn của các đối tượng là liên hệ với các cơ sở kinh doanh để đặt hàng với số lượng lớn (như đặt hoa, đặt cỗ…), đồng thời chuyển trước tiền cọc để tạo uy tín cho chủ cơ sở kinh doanh.

Sau đó, đối tượng sẽ đưa ra yêu cầu đặt thêm một số mặt hàng khác mà cơ sở kinh doanh không có hoặc không đúng yêu cầu của đối tượng.

Lúc này, đối tượng giới thiệu một cơ sở khác và đề nghị chủ cơ sở liên hệ để đặt mua hàng rồi giao lại cho đối tượng. Đối tượng tiếp tục đóng giả là chủ cơ sở mới được giới thiệu, yêu cầu chủ cơ sở kinh doanh chuyển tiền đặt cọc rồi chiếm đoạt.

cuoc goi gia danh.jpeg
Ảnh minh họa.

Phòng an ninh mạng và phòng chống tội phạm công nghệ cao-Công an tỉnh Lai Châu thông tin về trường hợp một cửa hàng bán gas-bếp gas trên địa bàn huyện Tân Uyên nhận được cuộc gọi của một đối tượng tự nhận là quân nhân phụ trách nhà bếp của doanh trại đang đóng quân trên địa bàn huyện, cần mua 1 bếp gas và 5 van gas.

Sau đó, đối tượng gọi lại yêu cầu lấy gấp 10 lần số lượng nói trên, cùng với loại van gas đặc biệt. Khi chủ hàng nói cửa hàng không có van gas như yêu cầu, đối tượng đã giới thiệu một đại lý phân phối có số điện thoại 0869.644.172.

Sau khi chủ cửa hàng liên hệ với đại lý phân phối, đối tượng yêu cầu phải chuyển 40 triệu đồng thì mới lên hóa đơn. Sau khi đã chuyển 40 triệu đồng, đối tượng giả danh đại lý yêu cầu tiếp tục chuyển thêm tiền mới xuất hàng đi. Đến đây, chủ cửa hàng gas mới phát hiện mình bị lừa.

Một tình huống tương tự cũng xảy ra ở Bắc Giang. Ngày 11/1/2024, chị V trú tại phường Dĩnh Kế, thành phố Bắc Giang nhận được cuộc gọi từ một người tự giới thiệu là Nguyễn Quốc Tuấn, công tác tại một trường cao đẳng muốn đặt 50 chiếc giường và 5 tủ sắt (tổng giá trị hơn 200 triệu đồng).

Khi chị V báo trong kho nhà chị không còn đủ hàng theo đơn, đối tượng đã giới thiệu đơn vị cung cấp hàng có sẵn tại Hà Nội và nhờ chị đặt hàng hộ.

Khi chị V liên hệ theo số điện thoại đối tượng cung cấp thì cơ sở này yêu cầu chị chuyển khoản trước 40% giá trị đơn hàng.

Lúc này, chị V có gọi điện cho Tuấn đề nghị chuyển khoản trước tiền hàng. Ngay sau đó, Tuấn báo đã chuyển tiền, đồng thời gửi hình ảnh chuyển tiền thành công cho chị V. Do không thấy thông báo tiền đã được chuyển vào tài khoản của mình nên chị V đã gọi cho Tuấn để hỏi, tuy nhiên đối tượng nhắn tin thông báo đang bận không nghe máy được và khẳng định đã chuyển tiền thành công cho chị.

Cùng lúc đó, "cơ sở phía Hà Nội" liên tục gọi hối thúc chị chuyển khoản tiền cọc gấp để cho xe hàng đi. Chị V rất hoang mang, lo lắng, nghĩ rằng tài khoản của mình bị lỗi nên đã đến phòng giao dịch của ngân hàng để nhờ nhân viên ngân hàng kiểm tra.

Qua kiểm tra, xác minh hình ảnh giao dịch đối tượng gửi cho chị V, giao dịch viên phát hiện các yếu tố giả mạo trên hình ảnh chuyển tiền. Sau đó, chị V đã được ngân hàng và Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an tỉnh Bắc Giang giải thích về hình thức lừa đảo này.

Trước đó, hồi cuối năm 2023, Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an tỉnh Bình Phước cũng khuyến cáo người dân cảnh giác với thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản nhằm vào các chủ cửa hàng, dân kinh doanh.

Thời điểm đó, Công an tỉnh Bình Phước liên tục nhận được trình báo của nhiều cửa hàng bán hoa, cửa hàng kinh doanh ăn uống trên địa bàn về việc đối tượng sử dụng thủ đoạn lừa đảo đặt hoa, đặt bàn tiệc… sau đó, nhờ mua quà tặng khách rồi chiếm đoạt tài sản.

Theo nội dung trình báo của chị T.H.T, 30 tuổi, địa chỉ phường Minh Thành, thị xã Chơn Thành, chị nhận được một cuộc gọi từ đối tượng xưng danh là Hoài Thanh, kế toán của một công ty có địa chỉ tại thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương, đặt 1 lẵng hoa khai trương Chi nhánh công ty tại thị xã Chơn Thành, tỉnh Bình Phước với giá 1,5 triệu đồng.

Sau đó, đối tượng này xin số tài khoản và chuyển khoản 1,5 triệu đồng tiền đặt hoa. Một lúc sau, đối tượng này điện thoại nói nhờ cửa hàng chuẩn bị gấp 5 phần quà trị giá khoảng 50 triệu đồng để tặng khách mời và yêu cầu mỗi phần quà gồm chai rượu và hộp sâm VIP nhập khẩu nước ngoài. Tiếp đó, đối tượng gửi hình chai rượu và hộp sâm VIP vào Zalo của cửa hàng bán hoa.

Với tinh thần phục vụ khách hàng tốt nhất có thể, chị T.H.T cũng liên hệ vài nơi hỏi báo giá rượu vang và hộp sâm nhập khẩu nước ngoài về. Tuy nhiên, đối tượng không đồng ý với chủng loại rượu vang và hộp sâm do chị T.H.T gửi. Sau đó, đối tượng cung cấp số điện thoại của nơi bán rượu và sâm cho chị T.H.T để liên hệ.

Để tạo sự tin tưởng, đối tượng đã chuyển hình sao chụp giao dịch chuyển khoản vào tài khoản của cửa hàng hoa nhưng thực tế, chủ tài khoản chưa nhận được tiền.

lua dao binh phuoc.jpg
Tin nhắn và hình ảnh chuyển tiền đặt quà tặng. (Nguồn: Công an tỉnh Bình Phước)

Chị T.H.T cho biết: “Thấy tin nhắn chụp màn hình đã chuyển khoản của đối tượng nhưng tài khoản chưa nhận được, tôi cứ nghĩ do ngày nghỉ nên tiền khách chuyển vào tài khoản bị chậm. Trước đó, đối tượng đã chuyển khoản tiền đặt hoa nên tôi tin tưởng."

Chị T.H.T đã liên hệ với nơi bán rượu và sâm do đối tượng giới thiệu đặt 5 chai rượu và 5 hộp sâm VIP với giá 50 triệu đồng. Khi được cơ sở này yêu cầu chuyển 50 triệu đồng để thanh toán trước khi giao hàng thì chị nghi ngờ bị lừa đảo nên đã trình báo cơ quan công an.

Cùng thời điểm này, nhiều cửa hàng hoa trên địa bàn huyện Phú Riềng, Hớn Quản cũng nhận được đơn đặt hàng với hình thức tương tự, tuy nhiên, do tinh thần cảnh giác của các chủ cửa hàng nên chưa có cơ sở kinh doanh nào bị chiếm đoạt tài sản.

Nâng cao cảnh giác trước các thủ đoạn lừa đảo trực tuyến

Qua các vụ việc xảy ra, có thể thấy các đối tượng đã thu thập thông tin từ nhiều nguồn khác nhau sau đó lập kế hoạch, kịch bản, gọi điện “thao túng tâm lý," đánh vào lòng tham và sự mất cảnh giác của nhiều người.

Trước thủ đoạn lừa đảo trên, lực lượng chức năng khuyến cáo khi giao dịch mua bán online, người dân cần phải cẩn thận kiểm tra kỹ thông tin với bên mua bán hàng. Trường hợp phát hiện có dấu hiệu lừa đảo, người dân cần liên hệ ngay với cơ quan công an để kịp thời giải quyết theo quy định.

Theo lực lượng công an, người dân cần thực hiện "2 phải, 4 không" để phòng chống, ngăn chặn tội phạm lừa đảo trực tuyến, bảo vệ tài sản.

Hai phải là:

Phải thường xuyên cảnh giác, chủ động bảo mật các thông tin cá nhân, nhất là các thông tin quan trọng như: thông tin thẻ căn cước công dân; thông tin tài khoản ngân hàng; thông tin tài khoản mạng xã hội...

Phải liên hệ với công an khi có nghi ngờ, khi nhận được các cuộc gọi, tin nhắn hoặc các nội dung nghi ngờ là hoạt động lừa đảo hoặc không có cơ sở khẳng định nội dung thì các cá nhân phải báo ngay cho cơ quan chức năng để được hướng dẫn xử lý.

Bốn không bao gồm:

Không sợ: Không hoảng sợ khi nhận được điện thoại, tin nhắn, các thông tin mà người lạ gửi đến có nội dung xấu liên quan đến cá nhân và người thân, thông báo có liên quan đến các vụ việc, vụ án…

Không tham lam: Không tham lam những tài sản, món quà không rõ nguồn gốc có thể nhận được một cách dễ dàng, những lợi nhuận "phi thực tế" mà không tốn sức lao động, những lời mời chào, dụ dỗ "việc nhẹ lương cao"...

Không kết bạn với người lạ: Khi có người lạ mặt trên mạng xã hội kết bạn làm quen, mời tham gia các hội nhóm mà không rõ là ai, mục đích thì không nên kết bạn, bắt chuyện, tham gia; không được cung cấp các thông tin cá nhân để đối tượng có thể lợi dụng.

Không chuyển khoản: Khi các cá nhân không quen biết yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân hoặc yêu cầu chuyển tiền hay làm một số việc thì tuyệt đối không được làm theo./.

Infographics_lua dao truc tuyen.jpg
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục