Ký hợp đồng triển khai dự án cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng

Chiều 14/4, UBND tỉnh Lạng Sơn tổ chức ký hợp đồng với nhà đầu tư triển khai dự án tuyến cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng theo hình thức BOT (xây dựng - vận hành - chuyển giao).

Dự án tuyến cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng do liên danh Công ty cổ phần xây dựng Đèo Cả - Công ty cổ phần Tập đoàn Đèo Cả - Công ty cổ phần xây dựng công trình 568 - Công ty cổ phần LIZEN là nhà đầu tư; tổng mức đầu tư 11.024 tỷ đồng (vốn ngân sách Nhà nước tham gia dự án là 5.495 tỷ đồng; vốn nhà đầu tư chịu trách nhiệm thu xếp là 5.529 tỷ đồng). Thời gian hoàn vốn cho dự án tuyến cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng là 25 năm 7 tháng 26 ngày. Thời gian xây dựng công trình hoàn thành trong năm 2026.

Dự án tuyến cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng được thực hiện trên địa bàn các huyện: Chi Lăng, Cao Lộc, Văn Lãng và thành phố Lạng Sơn, tổng chiều dài khoảng 59,87km bao gồm: Tuyến cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng dài khoảng 43,43km và tuyến kết nối cửa khẩu Tân Thanh và cửa khẩu Cốc Nam dài khoảng 16,44km; trong đó, tuyến cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng dài khoảng 43km, được thiết kế với quy mô 6 làn xe cơ giới, bề rộng nền đường 32,25m; tuyến kết nối cửa khẩu Tân Thanh và cửa khẩu Cốc Nam dài khoảng 17km, được thiết kế với quy mô 4 làn xe cơ giới, bề rộng nền đường 22m.

Trong giai đoạn phân kỳ, tuyến cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng xây dựng theo quy mô 4 làn xe, bề rộng nền đường 17m; tuyến kết nối cửa khẩu Tân Thanh và cửa khẩu Cốc Nam xây dựng theo quy mô 2 làn xe, bề rộng nền đường 14,5m...

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn Hồ Tiến Thiệu, dự án tuyến cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng được đầu tư nhằm hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại; kết nối với đường cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư. Dự án này đáp ứng nhu cầu vận tải cho tỉnh Lạng Sơn nói riêng, vùng Đông Bắc và cả nước nói chung; từng bước hoàn thiện quy hoạch mạng lưới giao thông đường bộ cao tốc của Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030.

Sau khi hoàn thành, đưa vào khai thác, tuyến cao tốc này sẽ là cầu nối quan trọng của tuyến hành lang kinh tế Nam Ninh - Lạng Sơn - Hải Phòng - Quảng Ninh, nhằm tạo ra hành lang kinh tế xuyên Á, tạo lợi thế để Việt Nam là cửa ngõ giao lưu thương mại với Trung Quốc và khu vực Đông Nam Á. 

Tuyến cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng cũng góp phần phát triển nhanh các lĩnh vực kinh tế trọng điểm của tỉnh Lạng Sơn như: Công nghiệp, du lịch, dịch vụ, xuất nhập khẩu hàng hóa; thúc đẩy phát triển Khu Kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn; tạo động lực để tỉnh Lạng Sơn phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững, trở thành một trong các cực tăng trưởng, trung tâm kinh tế của vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ...

Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Đèo Cả Nguyễn Hữu Hùng, đại diện các nhà đầu tư cam kết, nhà đầu tư sẽ tập trung triển khai dự án đảm bảo tiến độ, chất lượng, an toàn. Nhà đầu tư mong muốn, lãnh đạo tỉnh Lạng Sơn, các sở, ban, ngành của tỉnh tiếp tục đồng hành, hỗ trợ nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án trong quá trình triển khai thi công, xây dựng dự án.

Vũ Văn Đạt (TTXVN)
Cửa khẩu Quốc tế Nậm Cắn: Chiếc 'Áo cũ đã chật'
Cửa khẩu Quốc tế Nậm Cắn: Chiếc 'Áo cũ đã chật'

Cửa khẩu Quốc tế Nậm Cắn thuộc xã Nậm Cắn, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An là cửa khẩu quốc tế duy nhất ở tỉnh Nghệ An, đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế, quốc phòng, an ninh, đối ngoại và là cửa ngõ giao thương, hội nhập với các nước trong khu vực và trên thế giới.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN