Đồng Nai: Cung cấp nước, khoáng chất cho động vật hoang dã mùa cao điểm khô hạn

Khu Bảo tồn Thiên nhiên Văn hóa Đồng Nai xây dựng và tổ chức 2 tuyến tiếp nước với 68 bể chứa phục vụ cho các loài thú nhỏ và 2 hồ lớn cho loài voi và các loài thú lớn đến uống nước trong mùa khô hạn.

Lực lượng kiểm lâm và cán bộ của Khu Bảo tồn Thiên nhiên Văn hóa Đồng Nai kiểm tra một điểm tiếp nước cho động vật hoang dã tại rừng Mã Đà. (Ảnh: Sỹ Tuyên/ TTXVN)
Lực lượng kiểm lâm và cán bộ của Khu Bảo tồn Thiên nhiên Văn hóa Đồng Nai kiểm tra một điểm tiếp nước cho động vật hoang dã tại rừng Mã Đà. (Ảnh: Sỹ Tuyên/ TTXVN)

Đều đặn cứ 2 tuần một lần, lực lượng kiểm lâm và nhân viên Khu Bảo tồn Thiên nhiên Văn hóa Đồng Nai lại vào rừng thực hiện một đợt tiếp nước và muối khoáng cho thú rừng, giúp các loài động vật hoang dã chống chọi với khô hạn khốc liệt khi các dòng suối trong rừng đều đã khô cạn.

Theo lãnh đạo Khu Bảo tồn Thiên nhiên Văn hóa Đồng Nai, hiện đơn vị đã xây dựng và tổ chức được 2 tuyến tiếp nước với 68 bể chứa phục vụ cho các loài thú nhỏ và 2 hồ lớn cho loài voi và các loài thú lớn đến uống nước.

Ông Võ Quang Trung - Phó Trưởng Phòng Bảo tồn Thiên nhiên và Hợp tác, Khu Bảo tồn Thiên nhiên Văn hóa Đồng Nai cho biết rừng miền Đông Nam Bộ mùa khô thường kéo dài 6 tháng.

Thời điểm này hầu hết các suối trong rừng đều đã cạn. Do đó việc triển khai các bể tiếp nước giúp thú rừng, đặc biệt là thú móng guốc và các loại động vật nhỏ có điều kiện tiếp cận với nguồn nước và muối khoáng.

Phương án cải tạo sinh cảnh, cấp nước và muối khoáng cho thú rừng hoang dã, đặc biệt đối với thú móng guốc, đã được Khu bảo tồn thiên nhiên văn hóa Đồng Nai triển khai 5 năm nay.

Đơn vị đã xây dựng 68 bể chứa và cống bi tiếp nước, trong đó có 43 bể chứa với dung tích mỗi bể nửa khối, và 25 bể dung tích mỗi bể một khối.

TTXVN_1404tiepnuocthurung5.jpg
Khoáng chất được tạo thành dạng bánh có chứa magie, canxi, photpho được treo vào gốc cây giúp thú rừng đến liếm, bổ sung khoáng chất cần thiết. (Ảnh: Sỹ Tuyên/ TTXVN)

“Tại mỗi điểm tiếp nước, ngoài các bể lộ thiên đặt ngang mặt đất, chúng tôi còn treo các tấm đá liếm để bổ sung muối khoáng cho thú rừng. Các bánh đá liếm chứa khoáng chất được treo vào gốc cây. Thành phần của đá liếm gồm các khoáng chất như magie, canxi, photpho. Những bánh đá liếm này đã được nhà sản xuất làm sẵn, lực lượng chuyên trách của Khu bảo tồn chỉ mua về và treo trên gốc cây tại các điểm tiếp nước, nơi thú rừng có thể dễ dàng tiếp cận," ông Võ Quang Trung cho biết.

Ghi nhận của phóng viên tại điểm tiếp nước rừng Mã Đà, trên tuyến Căn cứ Trung ương Cục miền Nam cho thấy tại khu vực này được xây dựng 2 bể tiếp nước gồm một bể lớn dung tích 1 khối và một bể nhỏ nửa khối.

Gần nơi đặt bể nước, các bánh khoáng chất dạng đá liếm màu vàng được treo vào gốc cây, nơi thú rừng dễ dàng tiếp cận để liếm bổ sung khoáng chất.

Ông Hà Chí Lực, bộ phận quản lý bảo vệ rừng thuộc Hạt Kiểm lâm Khu bảo tồn thiên nhiên văn hóa Đồng Nai, cho biết ngoài dự án tiếp nước cho động vật móng guốc và các loài thú nhỏ, hiện khu bảo tồn đã xây dựng được 2 công trình tiếp nước cho loài voi Châu Á.

“Hiện chúng tôi đã thực hiện được 2 công trình chảo tiếp nước cho loài voi Châu Á trong rừng của Khu bảo tồn. Các công trình chảo nước này có diện tích hàng trăm mét vuông,” ông Lực chia sẻ và cho biết tại các chảo voi đều được đơn vị tạo một giếng khoan để bơm cấp nước theo định kỳ.

Theo ông Lực, vào cao điểm mùa khô như hiện nay, hệ thống suối trong rừng hầu hết đã cạn nước. Do đó, các điểm tiếp nước cho thú rừng thực sự hữu ích, đây được xem là nguồn nước quý để thú rừng tìm đến uống nước. Tại các chảo voi, lực lượng kiểm lâm thường xuyên ghi nhận voi đến uống nước.

Hàng năm, Khu Bảo tồn Thiên nhiên Văn hóa Đồng Nai đều thực hiện điều tra, giám sát và đánh giá hiệu quả của việc tiếp nước và muối khoáng cho thú rừng.

TTXVN_1404tiepnuocthurung1.jpg
Hai cá thể bò tót đến uống nước tại một điểm tiếp trong rừng được Khu Bảo tồn Thiên nhiên Văn hóa Đồng Nai ghi nhận bằng công nghệ “bẫy ảnh.” (Ảnh: TTXVN phát)

Qua ghi nhận thực tế và sử dụng công nghệ đặt “bẫy ảnh,” cho thấy động vật đến uống nước và liếm khoáng rất nhiều.

“Các loài thú móng guốc, trong đó ghi nhận nhiều nhất là bò tót, các loại thú nhỏ hơn như chồn, cheo cheo. Đặc biệt, tại các bể tiếp nước trong rừng là nơi rất thuận lợi cho các loài lưỡng cư, bò sát đến uống nước và sinh sản. Kéo theo chuỗi thức ăn của các loài bò sát, rắn cũng tăng lên,” ông Võ Quang Trung cho biết.

Khu Bảo tồn Thiên nhiên Văn hóa Đồng Nai có tổng diện tích hơn 100.000ha. Khu bảo tồn có khoảng 1.500 loài thực vật bậc cao, trong đó có 43 loài nằm trong danh lục Đỏ IUCN (2015), 36 loài trong sách Đỏ Việt Nam (2007), 11 loài nguy cấp, quý hiếm theo Nghị định số 32/2006/NĐ-CP, 6 loài thực vật đặc hữu của Đồng Nai.

Về động vật, Khu bảo tồn có hơn 1.800 loài động vật bậc cao, trong đó có 25 loài được ghi trong danh lục Đỏ IUCN (2015); 27 loài ghi trong Sách Đỏ Việt Nam (2007); 27 loài ghi trong Nghị định số 32/2006/NĐ-CP.

Theo nhận định của các chuyên gia, Khu Bảo tồn Thiên nhiên Văn hóa Đồng Nai hiện đang giữ vai trò quan trọng trong công tác bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường, điều hòa nguồn nước và được xem là “lá phổi xanh” của cả vùng Đông Nam Bộ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục