Đòn nghi binh góp phần đánh bại Đức Quốc xã, chấm dứt Thế chiến 2 - Kỳ 2

“Vệ sĩ” không phải là một mà là nhiều chiến dịch, mỗi chiến dịch được thiết kế để cung cấp cho quân Đức một phần nhỏ của một câu chuyện lớn hơn nhiều. Hitler và tướng lĩnh của hắn đã hoàn toàn bị sa vào bẫy lừa giăng khắp châu Âu.

NHỮNG CÚ LỪA CỦA "VỆ SĨ"

“Vệ sĩ” không phải là một mà là nhiều chiến dịch, mỗi chiến dịch được thiết kế để cung cấp cho quân Đức một phần nhỏ của một câu chuyện lớn hơn nhiều. Ví dụ, các chiến dịch Graffham và Royal Flush nhằm thuyết phục người Đức rằng quân Đồng minh có kế hoạch đổ bộ vào Na Uy. Các nhà ngoại giao Đồng minh đã mở các cuộc đàm phán với Thụy Điển trung lập, với mục đích giành được quyền hạ cánh và tiếp nhiên liệu cho máy bay trên lãnh thổ Thụy Điển trong cuộc đổ bộ giả theo kế hoạch, đồng thời thuyết phục người Thụy Điển từ bỏ trung lập, đứng về phía Đồng minh. Trong khi đó, các đặc vụ Đồng minh bắt đầu kiểm tra các cơ sở đường sắt và cảng của Thụy Điển; Kho bạc Anh bắt đầu đầu tư vào chứng khoán Scandinavia, và cảnh sát mật Liên Xô, NKVD, đã phát động chiến dịch đánh lừa của riêng mình để thuyết phục người Đức rằng Hồng quân đang tập trung ở Murmansk và Petsamo để đổ bộ Na Uy từ phía bên kia.

Chú thích ảnh
Bản đồ vị trí các chiến dịch nhỏ nằm trong Tổng chiến dịch "Vệ sĩ" nhằm đánh lừa quân Đức về những cuộc đổ bộ ở nhiều nơi khác nhau, đánh lạc hướng chú ý tới vị trí đổ bộ thực sự ở Normandy, miền Bắc nước Pháp. Ảnh: DDayinfo.net

Tin tức về các cuộc đàm phán với Thụy Điển đã sớm bay về Berlin thông qua các đặc vụ Đức ở Thụy Điển và Na Uy. Cú lừa này cũng đã lợi dụng sự hoang tưởng của Hitler về Na Uy, quốc gia cung cấp phần lớn quặng sắt mà hắn ta cần để cung cấp nhiên liệu cho cỗ máy chiến tranh.

Tương tự, các chiến dịch Zeppelin, Vendetta và Copperhead đã thuyết phục người Đức rằng quân Đồng minh có kế hoạch đổ bộ vào Địa Trung Hải - đặc biệt là ở Balkan, Crete, Romania và miền Nam nước Pháp. Giống như Royal Flush, chiến dịch Vendetta liên quan đến việc các nhà ngoại giao của phe Đồng minh mở cuộc đàm phán với một cường quốc trung lập - trong trường hợp này là Tây Ban Nha - khiến người Đức tin rằng nước này có thể đổi phe và đóng vai trò như một đường dẫn trên bộ cho một cuộc đổ bộ sắp tới.

Trong khi đó, chiến dịch Zeppelin đã sử dụng lưu lượng vô tuyến giả để thuyết phục người Đức rằng các Tập đoàn quân số 9, số 10 và số 12 của Anh đang tập trung tại Ai Cập để chuẩn bị cho một cuộc đổ bộ vào vùng Balkan.

Còn chiến dịch Copperhead liên quan đến một trong những vụ lừa dối kỳ lạ và khó xảy ra nhất trong toàn bộ cuộc chiến. Đầu năm 1944, Tình báo Quân đội Anh phát hiện ra rằng một người tên M.E. Clifton James, Trung úy trong Quân đoàn Pay của Quân đội Hoàng gia Anh, có nét giống đáng kinh ngạc với Thống chế quân đội Anh Bernard Montgomery (tên gọi thân mật là Monty) chỉ huy của tất cả các lực lượng Đồng minh cho chiến dịch Overlord (đổ bộ vào Normandy, Pháp). James đồng ý hóa thân thành người đóng thế Thống chế Montgomery. Chỉ có điều, James hút thuốc và uống rượu rất nhiều trong khi ‘Monty’ thật lại là một người kiêng rượu. James còn bị mất một ngón tay trong Thế chiến thứ nhất và phải lắp ngón giả. Tuy nhiên, James cuối cùng đã học được cách nói và cư xử của Thống chế Montgomery, và vào tháng 5/1944, trong vai viên Tướng Anh, anh ta bắt đầu chuyến công du chính thức đến Địa Trung Hải, với các điểm dừng ở Gibraltar, Algiers và Cairo. Người ta hy vọng rằng sự hiện diện công khai của "Thống chế Montgomery" trong khu vực sẽ thuyết phục người Đức rằng cuộc đổ bộ theo kế hoạch của Đồng minh sẽ đến từ phía Nam châu Âu chứ không phải phía tây.

Chú thích ảnh
M. E. Clifton James đóng vai Thống chế Anh Bernard Law Montgomery (thứ hai phải sang), trong chuyến công du vùng Địa Trung Hải để đánh lừa quân Đức. Ảnh: History.net

Tuy nhiên, thành phần lớn nhất và phức tạp nhất của loạt chiến dịch “Vệ sĩ” là chiến dịch Fortitude. Bản thân nó được chia thành hai chiến dịch phụ: Fortitude Bắc, có mật danh Skye, và Fortitude Nam, có mật danh Quicksilver. Được tiến hành song song với chiến dịch Graffham và Royal Flush, Skye tìm cách tạo ra ảo tưởng rằng Tập đoàn quân số 4 hư cấu của Anh với quân số 250.000 người và do Tướng Sir Andrew Thorne chỉ huy đang tập trung tại Scotland để thực hiện một cuộc đổ bộ Na Uy. Để đạt được mục đích này, các đội quân công nhân đã xây dựng các trại lính giả với lều, doanh trại, xe tải và các thiết bị khác bằng gỗ, vải bạt và lưới thép. Trong khi đó, hàng trăm chiếc xe tăng bơm hơi do công ty cao su Dunlop sản xuất và những chiếc máy bay giả làm bằng gỗ và vải bố xếp hàng trên các cánh đồng; những sà lan hạ cánh giả bằng gỗ và bơm hơi neo đậu dọc các con sông, kênh rạch, tạo ảo giác về một lực lượng đổ bộ khổng lồ. Tàu đổ bộ giả còn được trang trí bằng đồ giặt của thủy thủ, phun khói từ ống xả và phát nhạc khiêu vũ trên radio, trong khi tàu kéo thật chạy ngoằn ngoèo quanh bến cảng để mô phỏng hoạt động thường xuyên.

Chú thích ảnh
Xe tăng Sherman M4 giả được bơm hơi trong chiến dịch Fortitude. Ảnh: IWM

Vào ban đêm, việc bố trí các loại đèn chuyển động được gọi là “Đèn Q” cũng được sử dụng để tạo ra hiệu ứng tương tự. Ở những nơi xe tăng giả được triển khai, xe moóc có trọng lượng với bánh xe đặc biệt được kéo đi để tạo ra những dấu vết thực tế. Bên cạnh đó còn là thông tin về các buổi khiêu vũ của Quân đoàn số 4, các trận đấu thể thao, đám cưới và các hoạt động khác, những chi tiết mà bất kỳ điệp viên Đức nào trong khu vực chắc chắn sẽ báo cáo. Để đảm bảo rằng máy bay trinh sát Đức chụp ảnh các địa điểm nhưng không đến quá gần, các xạ thủ phòng không đã được hướng dẫn nhắm mục tiêu và đảm bảo những kẻ dò la không thể xuống dưới 30.000 feet.

Trong khi đó, ở phía Đông Nam nước Anh, một “đội quân ma” khác thậm chí còn lớn hơn đang được triệu tập như một phần của chiến dịch Quicksilver. Mặc dù người Đức không biết chính xác nơi nào ở Pháp quân Đồng minh sẽ đổ bộ, họ vẫn nghi ngờ. Điều đáng lo ngại là chính Adolf Hitler đã phán đoán rằng địa điểm đổ bộ có nhiều khả năng nhất sẽ là Normandy, mặc dù nhiều tướng lĩnh của hắn ta không đồng ý, thay vào đó họ tin rằng cuộc đổ bộ sẽ diễn ra tại Pas de Calais.

Chú thích ảnh
Vị trí Pas de Calais, nơi nghi binh cuộc đổ bộ chính của quân Đồng minh, và Normandy - nơi diễn ra cuộc đổ bộ khổng lồ thực sự. Ảnh: 3dhistory

Nằm ở điểm hẹp nhất của eo biển Anh, Pas de Calais chỉ cách bờ biển Anh 34 km và là tuyến đường ngắn nhất giữa hai nước. Đây cũng là tuyến đường trực tiếp nhất vào trung tâm công nghiệp của Đức ở Thung lũng Ruhr và nắm giữ một số cảng lớn mà quân Đồng minh cần để vận chuyển người và vật tư cũng như duy trì một cuộc đổ bộ kéo dài.

Việc người Đức đánh giá một cuộc đổ bộ tại Pas de Calais là một giả định hợp lý, vì trong số 179 ụ súng hạng nặng dọc theo bờ biển nước Pháp, có tới 132 ụ được bố trí ở khu vực đó. Do đó, mục đích của chiến dịch Quicksilver là xác nhận những nghi ngờ của người Đức.

Giống như chiến dịch Skye, Quicksilver liên quan đến việc thành lập một đội quân tưởng tượng – trong trường hợp này là Tập đoàn quân số 1 của Mỹ hay FUSAG, bao gồm 50 sư đoàn quân đội Mỹ và Canada dưới sự chỉ huy của Tướng huyền thoại George S. Patton. “Lực lượng ma” này đóng quân ở Dover, ngay đối diện Pas de Calais, khiến không ai nghi ngờ về mục tiêu đã định của nó.

Quicksilver cũng sử dụng rộng rãi các trại giả, xe tăng bơm hơi và tàu đổ bộ cũng như các hình nộm khác để đánh lừa máy bay trinh sát Đức. Một trong những cơ sở lắp đặt này có liên quan đến một sự cố thú vị, trong đó một con bò đực giận dữ trốn thoát khỏi một trang trại gần đó, đã húc thủng một chiếc xe tăng bơm hơi – đánh dấu lần duy nhất FUSAG tham gia vào trận chiến thực sự. Quicksilver thậm chí còn tạo ra các phù hiệu đặc biệt cho từng sư đoàn ma trong FUSAG, được đeo bởi một đội quân nhỏ di chuyển qua các thị trấn xung quanh Dover, tạo ra ảo giác về một lực lượng lớn hơn nhiều.

Chú thích ảnh
Đội quân xe tăng bơm hơi nhằm đánh lừa quân Đức. Ảnh: IWM

Có lẽ "trò chơi" công phu nhất của chiến dịch Quicksilver là việc xây dựng toàn bộ một kho chứa dầu giả gần Dover, cho thấy sự tồn tại của một đường ống xuyên kênh để cung cấp cho lực lượng đổ bộ.

Xem tiếp kỳ cuối: HOÀN HẢO HƠN CẢ MONG 

Thu Hằng/Báo Tin tức (Theo Todayifoundout)
Đòn nghi binh góp phần đánh bại Đức Quốc xã, chấm dứt Thế chiến 2 - Kỳ cuối
Đòn nghi binh góp phần đánh bại Đức Quốc xã, chấm dứt Thế chiến 2 - Kỳ cuối

Chiến dịch Vệ sĩ là một trong những vụ đánh lừa táo bạo, công phu và thành công nhất trong lịch sử quân sự thế giới, mở đường cho chiến thắng cuối cùng của phe Đồng minh trong Thế chiến 2.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN