Gần 80% diện tích rừng của tỉnh Cà Mau bị khô hạn, nguy cơ cháy cao

Hiện tỉnh Cà Mau ghi nhận có hơn 15.460ha rừng ở mức báo động cấp cháy nguy hiểm (cấp IV), hơn 12.500ha rừng ở mức báo động cấp cháy cực kỳ nguy hiểm (cấp V).

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Cà Mau Huỳnh Quốc Việt (trái) cùng các đơn vị, chủ rừng kiểm tra độ ẩm của lớp thực bì dưới tán rừng U Minh Hạ. (Ảnh: Huỳnh Anh/TTXVN)
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Cà Mau Huỳnh Quốc Việt (trái) cùng các đơn vị, chủ rừng kiểm tra độ ẩm của lớp thực bì dưới tán rừng U Minh Hạ. (Ảnh: Huỳnh Anh/TTXVN)

Chiều 3/4, ông Lê Văn Hải, Chi cục Trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Cà Mau, cho biết trên địa bàn tỉnh hiện có khoảng 35.600ha trong tổng số 45.679ha rừng (chiếm tỷ lệ 78%) đang bị khô hạn, nguy cơ cháy cao.

Hiện tỉnh ghi nhận có hơn 15.460ha rừng ở mức báo động cấp cháy nguy hiểm (cấp IV), hơn 12.500ha rừng ở mức báo động cấp cháy cực kỳ nguy hiểm (cấp V).

Diện tích rừng bị khô hạn, có nguy cơ cháy cao tập trung phần lớn tại khu vực rừng của Công ty Lâm nghiệp U Minh Hạ, Vườn Quốc gia U Minh Hạ, Hạt Kiểm lâm Rừng cụm đảo Hòn Khoai và các địa phương có rừng trên địa bàn huyện U Minh và huyện Trần Văn Thời.

Đề phòng, ngăn chặn xảy ra cháy rừng gây thiệt hại lớn, Đoàn Công tác Ủy ban Nhân dân tỉnh Cà Mau do Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Huỳnh Quốc Việt dẫn đầu vừa có chuyến đi kiểm tra thực tế công tác phòng cháy, chữa cháy rừng tại Công ty Lâm nghiệp U Minh Hạ, Vườn Quốc gia U Minh Hạ...

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh chỉ đạo các đơn vị, chủ rừng chủ động túc trực, sẵn sàng ứng phó, chủ động các biện pháp phòng cháy, chữa cháy trong tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, nắng nóng kéo dài.

Các đơn vị, chủ rừng tiếp tục tổ chức tuyên truyền, vận động người dân tích cực tham gia và có ý thức chấp hành tốt các quy định về phòng cháy, chữa cháy rừng từ nay đến kết thúc mùa khô; thường xuyên kiểm tra việc thực hiện ký cam kết phòng cháy, chữa cháy rừng đối với các hộ dân.

Đến nay, toàn tỉnh có hơn 4.500 hộ dân đã ký cam kết thực hiện nghiêm các quy định về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, tham gia phòng cháy, chữa cháy rừng.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Cà Mau đề nghị Chi cục Kiểm lâm, các chủ rừng tăng cường phối hợp giữa các lực lượng quản lý, bảo vệ rừng, chính quyền địa phương, cơ quan chuyên môn và người dân trong việc theo dõi cảnh báo cháy rừng.

Các lực lượng chuyên trách phòng cháy, chữa cháy rừng, tổ máy bơm thường xuyên ứng trực 24/24 giờ theo phương châm “Bốn tại chỗ,” kịp thời xử lý tình huống cháy rừng, không để xảy ra cháy lớn, cháy lan; công bố đường dây nóng để người dân báo tình hình, diễn biến khô hạn.

Trước đó, ngày 22/3, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Cà Mau đã nhận được tin báo của Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Khánh An phát hiện vụ cháy rừng xảy ra tại thửa đất của hộ gia đình, cá nhân (được giao đất theo Nghị định Số 43/2014/NĐ-CP), thuộc ấp 16, xã Khánh An, huyện U Minh.

Chi cục Kiểm lâm tỉnh Cà Mau chỉ đạo Hạt Kiểm lâm huyện U Minh đã khẩn trương điều động một tổ máy bơm và chín lực lượng chữa cháy, sau 20 phút đã có mặt tại hiện trường để tham gia cùng với lực lượng tại chỗ của Ủy ban Nhân dân xã Khánh An thực hiện chữa cháy rừng.

ca mau_kho han 2 (Custom).jpg
Kiểm tra công tác ứng trực, vận hành thiết bị chống cháy ở Cà Mau. (Ảnh: Huỳnh Anh/TTXVN)

Đến 17h30 cùng ngày, các lực lượng chữa cháy đã khoanh được đám cháy và dập tắt lửa hoàn toàn trên toàn diện tích các đám cháy.

Kết quả điều tra, đo đạc thực tế cho thấy diện tích cây rừng thiệt hại hoàn toàn do bị cháy là 1,4ha, với tổng khối lượng thiệt hại là 129,48m3.

Nguyên nhân cháy rừng được xác định ban đầu là do người dân lén lút vào rừng lấy mật ong, bất cẩn để xảy ra cháy.

Ủy ban Nhân dân xã Khánh An, huyện U Minh cũng đã cử cán bộ chuyên môn phối hợp với các lực lượng có liên quan hướng dẫn ba hộ dân có diện tích rừng bị cháy chủ động dọn vệ sinh đối với cây rừng bị cháy ảnh hưởng nhẹ, có khả năng phục hồi, tái sinh và phát triển lại rừng.

Trường hợp diện tích rừng sau cháy không có khả năng phục hồi, các lực lượng chức năng cần hướng dẫn người dân tận thu lâm sản, chuẩn bị mặt bằng khắc phục trồng rừng lại ngay sau mùa vụ trồng rừng trong năm.

Chính quyền địa phương nghiêm cấm người dân tự ý sử dụng đất rừng sau cháy để sản xuất nông nghiệp hoặc sử dụng với mục đích khác không đúng quy định pháp luật./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục