Xảy ra 47 trận động đất liên tiếp trong tháng Ba tại tỉnh Kon Tum và Hà Nội

Trong số 47 trận động đất xảy ra trong tháng 3/2024, có tới 46 trận xảy ra tại huyện Kon Plong, tỉnh Kon Tum; một trận động đất xảy ra ở huyện Mỹ Đức, thành phố Hà Nội.

Động đất thường xuất hiện tại khu vực xã Đắk Tăng, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum. (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)
Động đất thường xuất hiện tại khu vực xã Đắk Tăng, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum. (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)

Sau một thời gian “yên tĩnh,” trong tháng 3/2024, trên cả nước đã liên tiếp xảy ra 47 trận động đất nhỏ có độ lớn từ 2,5 đến 4.

Trong số các trận động đất trên, có tới 46 trận xảy ra tại huyện Kon Plong, tỉnh Kon Tum; một trận động đất xảy ra ở huyện Mỹ Đức, thành phố Hà Nội.

Đáng chú ý, trận động đất có độ lớn 4 xảy ra vào ngày 25/3 tại khu vực huyện Mỹ Đức đã khiến nhiều khu vực có dấu hiệu rung lắc, đặc biệt là các tòa nhà nhà cao tầng ở một số quận nội thành Hà Nội; người dân lo lắng.

Các ngày xuất hiện nhiều động đất trong tháng Ba như: Ngày 16/3 với 8 trận; ngày 14/3 xảy ra 4 trận; ngày 19/3 xảy ra 5 trận; ngày 21 và 25/3 xảy ra 3 trận.

Trước đó, trong 2 tháng đầu năm 2024, cả nước đã xảy ra 25 trận động đất có độ lớn từ 2,5-4. Phần lớn các trận động đất này xảy ra tại tỉnh Kon Tum.

Cụ thể trong tháng Hai xảy ra 17 trận động đất tại khu vực huyện Kon Plong (trong đó riêng ngày 7/2 xảy ra 9 trận động đất, độ lớn cao nhất là 4).

Trước đó trong tháng Một, trên cả nước cũng đã xảy ra 8 trận động đất có độ lớn từ 2,5-2,8. Trong số này có 6 trận động đất xảy ra ở huyện Kon Plong, tỉnh Kon Tum; 2 trận động đất khác xảy ra tại các huyện Mường Tè thuộc tỉnh Lai Châu và huyện Lương Sơn của tỉnh Hòa Bình.

Như vậy, trong 3 tháng đầu năm 2024, trên cả nước đã xảy ra 72 trận động đất nhỏ tại các tỉnh Kon Tum, Lai Châu, Hòa Bình và thành phố Hà Nội.

Đại diện Viện Vật lý Địa cầu (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) cho hay tất cả các trận động đất xảy ra trong 3 tháng đầu năm 2024 là động đất nhỏ. Thông thường những trận động đất có độ lớn dưới 5, ít gây rủi ro thiên tai.

Những trận động đất từ 5-6 độ trở lên là động đất trung bình, nguy cơ xảy ra rủi ro thiên tai; từ 6 trở lên là động đất lớn, nguy cơ rủi ro thiên tai rất cao.

Theo quy định về “quy chế phòng, chống động đất, sóng thần,” ủy ban nhân dân các cấp khi nhận được tin động đất, cảnh báo sóng thần phải thông báo tin trên đến nhân dân trong khu vực; tổ chức hướng dẫn sơ tán dân và huy động các phương tiện trên địa bàn để giúp dân sơ tán đến nơi an toàn đồng thời có biện pháp bảo đảm an ninh, trật tự trong khu vực.

Khi nhận được tin động đất, cảnh báo sóng thần, mọi công dân trong vùng bị ảnh hưởng phải chủ động sơ tán khỏi vùng nguy hiểm để đảm bảo an toàn./

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục