Doanh nghiệp dự báo hoạt động sản xuất kinh doanh khả quan hơn trong quý 2

Báo cáo “Điều tra xu hướng sản xuất-kinh doanh hằng quý” cho biết 82% doanh nghiệp kỳ vọng hoạt động sản xuất-kinh doanh quý 2 sẽ tốt hơn hoặc giữ ổn định, song 18% đánh giá có thể khó khăn hơn.

Doanh nghiệp dự báo hoạt động sản xuất kinh doanh khả quan hơn trong quý 2

Ngày 29/3, Tổng cục Thống kê công bố báo cáo “Điều tra xu hướng sản xuất-kinh doanh hằng quý.” Theo đó, nhìn chung các doanh nghiệp trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đánh giá tình hình của quý 2 sẽ khả quan hơn so với quý 1.

Cụ thể, 82% doanh nghiệp kỳ vọng hoạt động sản xuất-kinh doanh quý 2 sẽ tốt hơn hoặc giữ ổn định, song 18% doanh nghiệp đánh giá có thể khó khăn hơn. Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp này chia sẻ hoạt động sản xuất-kinh doanh quý 1 của họ khó khăn hơn quý 4/2023. Trong đó, 22% doanh nghiệp cho biết hoạt động tốt hơn, 42,8% giữ ổn định và 35% doanh nghiệp gặp khó khăn.

Về chỉ số cân bằng chung (đơn đặt hàng mới, sử dụng lao động, khối lượng sản xuất và tồn kho thành phẩm), xu hướng sản xuất-kinh doanh quý 1 so với quý 4/2023 đã âm 13% (trong đó 22% doanh nghiệp cho biết tốt hơn và 35% doanh nghiệp chia sẻ khó khăn). Trong đó, chỉ số cân bằng của khu vực doanh nghiệp FDI âm 7,8% (24% tốt hơn và 32% khó khăn), khu vực doanh nghiệp Nhà nước âm 11% (25% tốt hơn, 36% khó khăn hơn), khu vực doanh nghiệp ngoài Nhà nước âm 15,5% (21% tốt hơn, 36% khó khăn).

Tuy nhiên, các doanh nghiệp vẫn tin tưởng sang quý 2 sẽ lạc quan hơn. Theo đó, chỉ số cân bằng chung quý 2 so với quý 1 là 27,4%, trong đó 45% doanh nghiệp dự báo tốt hơn, 18% doanh nghiệp cho rằng sẽ khó khăn.

Báo cáo cho biết với tình hình như trên, các doanh nghiệp kiến nghị cần có các chính sách hỗ trợ hoạt động sản xuất-kinh doanh trong các quý tiếp theo. Thứ nhất, các cấp quản lý cần tạo cơ hội để các doanh nghiệp được giao lưu, tìm hiểu nhằm mục đích tìm kiếm nguồn cung cấp nguyên vật liệu cũng như khách hàng mới.

Thứ hai là hỗ trợ tuyên truyền, nâng cao vai trò của các ngành nghề trong xã hội. Đây là cơ sở để nâng cao tay nghề và trình độ của người lao động, giảm tình trạng thiếu lao động có tay nghề và lao động tay nghề cao.

Thứ ba là triển khai các biện pháp kích cầu tiêu dùng hiệu quả nhằm hỗ trợ tiêu thụ và sản xuất hàng hóa. Bốn là tăng cường các chính sách nhằm ổn định giá cả và nguồn cung cấp nguyên vật liệu cho các doanh nghiệp./.

Báo cáo “Điều tra xu hướng sản xuất kinh doanh hằng quý” thực hiện lấy ý kiến của 6.500 doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Trong kỳ điều tra quý 1, tổng số doanh nghiệp trả lời là 5.751 đơn vị (chiếm 88,5% số doanh nghiệp được chọn mẫu điều tra).

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục