Chia sẻ kinh nghiệm phát triển kinh tế số, hoàn thiện thể chế công nghệ

12:41' - 28/03/2024
BNEWS Chuyển đổi số là động lực thúc đẩy đổi mới sáng tạo nhằm tạo bứt phá, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế...

Sáng 28/3, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức Hội thảo "Phát triển kinh tế số và hoàn thiện thể chế về công nghệ: Kinh nghiệm quốc tế và hàm ý cho Việt Nam".

Hội thảo được tổ chức nhằm chia sẻ kinh nghiệm quốc tế và thực trạng chính sách, thể chế pháp lý thúc đẩy phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo ở Việt Nam. Động thời, nhận diện thách thức, rào cản chính sách tác động tới phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo. 

Phát biểu khai mạc tại hội thảo, TS. Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh, CIEM cho biết, chuyển đổi số là động lực thúc đẩy đổi mới sáng tạo nhằm tạo bứt phá, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Thời gian qua, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, chính sách khuyến khích phát triển kinh tế số. Nhờ đó, kinh tế số có những bước phát triển, được xem là một trong những động lực tăng trưởng quan trọng của đất nước.

"Việc hoàn thiện cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là yêu cầu quan trọng. Chính phủ cũng đặc biệt nhấn mạnh tới việc tạo lập khuôn khổ pháp lý để triển khai các cơ chế thí điểm, thử nghiệm và đặc thù đối với các loại hình, mô hình kinh tế mới dựa trên khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo", TS. Nguyễn Minh Thảo nhấn mạnh.

TS. Ming Tan, Giám đốc điều hành sáng lập, Viện Nghiên cứu công nghệ vì cộng đồng (TFGI) cho rằng, sự cần thiết và những vấn đề liên quan đến xây dựng và triển khai các cơ chế thế điểm, thử nghiệm và đặc thù đối với các loại hình, mô hình kinh tế mới dựa trên khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Chia sẻ kết quả nghiên cứu, ông Keith Detros, Giám đốc chương trình, Viện Nghiên cứu công nghệ vì cộng đồng (TFGI) cho rằng, mặc dù, chính sách phát triển công nghệ khác nhau giữa các nước trong khu vực nhưng đều có mối quan tâm chung, đó là duy trì cạnh tranh nhằm thúc đẩy đổi mới sáng tạo, bảo vệ người tiêu dùng, bảo vệ dữ liệu cá nhân để tạo dựng niềm tin và tăng cường an ninh mạng….

 

Các xu hướng chủ yếu mà Chính phủ ở 6 quốc gia Đông Nam Á (SEA-6) ban hành quy định để phù hợp bối cảnh thay đổi nhanh chóng của nền kinh tế số. Đó là, các cơ quan quản lý với vai trò ngày càng tăng, các cơ quan chuyên trách được thành lập với những nhiệm vụ mới; đồng thời, yêu cầu phối hợp ngày càng tăng và đổi mới các phương pháp tiếp cận chính sách.

Kiến nghị về tăng cường sự phối hợp, các chuyên gia kinh tế cho rằng, cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan Chính phủ thông qua các kênh "mềm" giúp tăng cường hiệu quả quản trị số bằng cách tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ hội phối hợp, liên kết và hợp tác.

Đối với các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á, các chuyên gia cho rằng, Chính phủ các nước Đông Nam Á cần hợp tác để thúc đẩy nền kinh số, tận dụng các sáng kiến như: thỏa thuận khung về kinh tế số để thiết lập các khuôn khổ có thể phối hợp và các quy định tương ứng….

Tại hội thảo, các đại biểu tham dự đã tập trung thảo luận các nội dung như: những sáng kiến đổi mới thể chế, chính sách thời gian qua và dự kiến tới đây; vai trò của các cơ quan xây dựng và thực thi chính sách; vai trò của các bên liên quan; lĩnh vực có triển vọng hợp tác trong khu vực Đông Nam Á. Các chủ thể nào trong nền kinh tế có vai trò trong quá trình thúc đẩy hoàn thiện thể chế hướng tới phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo…

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục