Lưu ý ôn tập thi tốt nghiệp THPT 2024 từ đề tham khảo

Mới đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố đề thi tham khảo Kỳ thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông năm 2024. Đây là cơ sở quan trọng để giáo viên, học sinh có định hướng ôn tập, chuẩn bị tốt cho kỳ thi sắp tới.

Chú thích ảnh
Thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023. Ảnh tư liệu: TTXVN

Theo nhận định chung của các thầy, cô giáo, đề thi tham khảo có cấu trúc ổn định như các năm trước, đảm bảo các cấp độ kiến thức trọng tâm, nhưng mức độ phân hóa tăng lên và tăng cường một số nội dung liên quan đến vận dụng thực tiễn.

Đề Ngữ văn - nắm chắc thể loại, rèn năng lực đọc hiểu

Cô Nguyễn Thị Hương Giang, Trường Trung học Phổ thông Trần Quang Khải (Hưng Yên) nhận định: Đề thi tham khảo môn Ngữ văn năm 2024 đã bám sát vào các định hướng trong hoạt động kiểm tra, đánh giá của chương trình hiện hành dành cho khối 12. Học sinh nắm chắc kiến thức về đặc trưng thể loại, rèn năng lực đọc hiểu các loại văn bản trong chương trình, hoàn toàn có khả năng chinh phục đề thi.

Thời gian làm bài 120 phút hoàn toàn phù hợp với cấu trúc của đề, học sinh đủ thời gian hoàn thành tốt yêu cầu đặt ra.

Về nội dung, phần Đọc hiểu (3 điểm) đưa văn bản thơ với 4 yêu cầu tương đương 4 câu hỏi tự luận; trong đó có 1 câu nhận biết, 1 câu thông hiểu giúp học sinh dễ có điểm; 1 câu vận dụng thấp rất quen thuộc với học sinh từ chương trình Trung học Cơ sở đến Trung học Phổ thông. Học sinh có học lực trung bình sẽ gặp chút khó khăn nhỏ ở câu 3 khi đề yêu cầu nêu nội dung của những dòng thơ: “Đã có lúc ghì mình sát đất/Rồi bay theo mộng mị kiếp người/hòa tất thảy vào đời sống khác/lại làm mây di tán tận lưng trời”.

Phần Viết (7 điểm) chia thành 2 câu. Câu Nghị luận xã hội có nội dung gần gũi, thiết thực với học sinh nên các em không gặp khó khăn khi triển khai đoạn văn. Dạng đề này, giáo viên Trung học Phổ thông đã rèn kỹ lưỡng qua các tiết Làm văn trong chương trình học.

Câu Nghị luận văn học yêu cầu viết bài văn phân tích vẻ đẹp của sông Hương trong tác phẩm “Ai đã đặt tên cho dòng sông?” của Hoàng Phủ Ngọc Tường. Đây cũng là mô típ đề quen thuộc với học sinh, không làm khó được các em. Song muốn được điểm cao ở câu này, học sinh cần nắm vững những đặc điểm nổi bật trong phong cách nghệ thuật của nhà văn, hiểu rõ giá trị của từng đoạn; nắm chắc thao tác, kỹ năng viết dạng đề nghị luận văn học; vận dụng linh hoạt, sáng tạo các bước làm bài, diễn đạt rõ ràng, thể hiện quan điểm, cảm nhận của cá nhân... khi phân tích và thực hiện tiêu chí phụ của đề.

Theo cô Nguyễn Thị Hương Giang, với đề thi này, điểm 6,75 đến 7,25 nhiều thí sinh dễ dàng đạt được. Song, nếu học sinh muốn đạt điểm từ 7,5 trở lên, cả giáo viên, học sinh đều cần có những định hướng về việc vận dụng kỹ năng, thao tác phân tích linh hoạt, sáng tạo và những kiến thức về lý luận văn học phù hợp khi làm bài.

Đề môn Toán - phân bổ thời gian hợp lý

Nhận xét về đề thi tham khảo môn Toán, thầy Nguyễn Quang Thi, Trường Trung học Phổ thông Bảo Lộc (Lâm Đồng) cho rằng: Đề quen thuộc như năm trước, câu hỏi dễ và khó được phân đều cho các chủ đề. Trong đó, 38 câu chỉ ở mức độ nhận biết và thông hiểu; 4 câu ở mức độ vận dụng thấp, học sinh có chút tư duy và một vài phép toán là làm được; 8 câu ở mức độ vận dụng cao, đòi hỏi học sinh biết hình thành sâu chuỗi kiến thức, kèm theo lập luận, suy đoán và tính toán nhanh mới làm được. Về phạm vi kiến thức, lớp 12 có 45 câu và lớp 11 có 5 câu.

Thầy Nguyễn Quang Thi bày tỏ tâm đắc với đề thi tham khảo vì phù hợp với từng đối tượng học sinh. Học sinh trung bình, yếu làm được từ 5 - 6 điểm, học sinh khá làm được từ 6 - 7,6 điểm, học sinh giỏi làm được từ 7,6 - 8,4 điểm, còn lại dành cho học sinh xuất sắc và có điểm tuyệt đối nhưng không nhiều.

Để chuẩn bị bước vào Kỳ thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông đạt hiệu quả cao, với môn Toán, thầy Nguyễn Quang Thi lưu ý: Học sinh cần xem lại những kiến thức nội dung đã học, ghi nhớ những công thức toán học và khắc sâu phương pháp làm bài của mỗi dạng toán.

Học sinh nên nhớ trong đề thi luôn có hai phần. Phần cơ bản chỉ tái hiện kiến thức chiếm khoảng 6 điểm, phần nâng cao có tư duy sáng tạo chiếm khoảng 4 điểm và tập trung vào các chuyên đề: Hàm số; Số phức; Phương trình, bất phương trình mũ và lôgarit; Tích phân; Phương pháp tọa độ trong không gian; Cấp số cộng và cấp số nhân; Tổ hợp, nhị thức và xác suất; Hình học không gian.

Trong quá trình ôn thi, học sinh cần phân bổ thời gian ôn tập một cách hợp lý nhất, tránh trọng tâm quá nhiều vào một phần hoặc không dành đủ thời gian cho việc ôn tập những phần kiến thức khác.

Nhấn mạnh yếu tố tâm lý khi làm bài, thầy Quang Thi cho rằng, nếu học sinh học tốt nhưng hay hồi hộp, lo lắng và căng thẳng, kết quả không đạt như mong muốn. Các em hãy tự tin vào bản thân mình vì có tới gần 38 câu thuộc phần kiến thức nhận biết và thông hiểu nên không phải lo lắng, tạo cho mình niềm tin trước khi bước vào kỳ thi.

Bài thi Khoa học Xã hội - Khoa học Tự nhiên  - tránh học tủ

Đánh giá đề thi tham khảo các môn thành phần trong bài thi Khoa học Xã hội, Khoa học Tự nhiên, các giáo viên nhận định, đề thi cơ bản giữ ổn định cấu trúc như năm 2023 và có tăng cường các câu hỏi giải quyết vấn đề của thực tiễn.

Thầy Trần Quốc Toản, giáo viên dạy Vật lý tại Hà Nội chia sẻ: Về mức độ, đề tham khảo có phần nhẹ nhàng với học sinh có mục tiêu tốt nghiệp (dễ kiếm điểm 5), phân loại tốt với học sinh dùng môn Vật lý để xét tuyển đại học (8 câu cuối). Các câu vận dụng cao vẫn rơi vào chương Dao động cơ (Hệ dao động), Dòng điện xoay chiều (đồ thị, mạch điện), Sóng cơ và sóng âm (Giao thoa sóng). Những câu khó mất khá nhiều thời gian để tư duy hiện tượng và giải, liên quan đến thực tiễn, ứng dụng.

Thầy Trần Quốc Toản lưu ý học sinh cần bình tĩnh đọc kỹ câu hỏi, không vội vàng trong việc chốt đáp án cuối cùng, đặc biệt là những câu trắc nghiệm định tính. Đôi khi đọc xong có cảm giác rất dễ nhưng có khi bị lừa về mặt bản chất Vật lý. Sau khi làm tới câu 30 - 32, các em kiểm tra lướt qua một lượt để đảm bảo độ chính xác cao. Sau đó, mới dồn tâm sức làm các câu vận dụng và vận dụng cao. Khoảng 5 phút cuối, các em không nên làm tiếp các câu khó nữa, dành thời gian kiểm tra việc tô chuẩn các đáp án.

Đưa ra một số lời khuyên để chuẩn bị tốt cho kỳ thi, thầy Toản cho rằng, học sinh cần học chắc kiến thức thức cơ bản theo tinh thần sách giáo khoa trước khi phát triển các dạng bài nâng cao. Ngoài ra, học sinh cần ôn kỹ chương trình Vật lý 12, sau đó mới ôn tới lớp 11, kết hợp luyện đề để rèn luyện kỹ năng làm bài và phân bố thời gian hợp lý. Các em cần bổ sung những kiến thức liên hệ thực tế đời sống và kỹ thuật, những kiến thức cơ bản về thí nghiệm thực hành, nắm chắc các hiện tượng vật lý, bản chất vật lý của câu hỏi để tránh bị lừa.

Trong bài thi Khoa học Xã hội, nhận xét về môn thành phần Địa lý, cô Nguyễn Diệu Linh, Trường Trung học Phổ thông Phan Đình Phùng (Hà Nội) chia sẻ: Về cấu trúc, 40 câu hỏi sắp xếp từ dễ đến khó, chủ yếu thuộc chương trình lớp 12 (95% - 38 câu hỏi) và một phần nhỏ thuộc chương trình lớp 11 (5% - 2 câu). Phần kiến thức lý thuyết gồm 21 câu chiếm 52,5%; phần kỹ năng gồm 19 câu chiếm 47,5%.

Về nội dung kiến thức, tỷ lệ chủ đề vẫn không thay đổi nhiều so với đề thi các năm trước, bao gồm tất cả các kiến thức về vị trí địa lý, địa lý tự nhiên, địa lý dân cư và địa lý kinh tế (ngành và vùng) của Việt Nam.

Về mức độ, các câu hỏi vận dụng và vận dụng cao chiếm 25%, đảm bảo phân hóa tốt thí sinh. Các câu hỏi mang tính phân loại cao tập trung chủ yếu vào phần Địa lý các vùng kinh tế.

Theo cô Nguyễn Diệu Linh, học sinh cần nắm chắc kiến thức cơ bản, hệ thống kiến thức bằng sơ đồ tư duy. Ở mỗi chủ đề, học sinh cần nắm vững nội dung cốt lõi cũng như các vấn đề cần giải quyết. Thí sinh nên biết cách xác định từ khóa, các hình ảnh gợi nhớ và mối quan hệ giữa các đối tượng địa lý..., tránh tình trạng học tủ nhưng không hiểu bản chất.

Học sinh nên luyện tập nhiều phần kỹ năng để thuần thục các kỹ năng sử dụng Atlat, kỹ năng bảng số liệu và kỹ năng bản đồ giúp các em giải quyết được gần 50% các câu hỏi trong đề. Kỹ năng Atlat cần được đặc biệt lưu tâm, rèn luyện thường xuyên, gắn kiến thức trong sách với kênh hình giúp các em nhớ kiến thức nhanh và lâu hơn.

Năm 2024 là năm cuối cùng thực hiện dạy học và thi theo Chương trình giáo dục phổ thông năm 2006. Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, trong đề thi sẽ có sự tăng cường hợp lý một số nội dung liên quan đến vận dụng thực tiễn, từng bước tiệm cận với định hướng đánh giá năng lực để phù hợp với mục tiêu phát triển năng lực phẩm chất người học của Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Do đó, các thí sinh cần lưu ý nội dung này trong quá trình ôn tập để đạt kết quả cao trong kỳ thi.

Việt Hà (TTXVN)
Thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT năm 2024 từ ngày 2/5
Thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT năm 2024 từ ngày 2/5

Theo văn bản hướng dẫn tổ chức kỳ thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông năm 2024 của Bộ Giáo dục và Đào tạo mới ban hành, thí sinh đang học lớp 12 năm học 2023 - 2024 sẽ chính thức đăng ký dự thi từ 2/5 đến 17 giờ ngày 10/5 theo hình thức trực tuyến.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN