Chào tuần mới: Kết nối Hồ Gươm với sông Hồng

25/03/2024 07:17 GMT+7 | Văn hoá

Một thông tin đáng chú ý: Ít ngày trước, lãnh đạo quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) vừa công bố thông tin về việc hầm đường bộ qua đê sông Hồng trên trục phố Trần Nguyên Hãn - Chương Dương Độ sẽ được khởi công trong quý 3 năm nay và hoàn thành sau 6 tháng.

Hầm này sẽ nối liền Hồ Gươm với không gian ven sông Hồng, đồng thời làm thay đổi sinh hoạt của hàng ngàn hộ dân ngoài đê. Thế nhưng, hầm này đã phải trải qua quãng đường tròn 10 năm kể từ khi được nghiên cứu (2014) cho tới thời điểm được xây dựng theo dự kiến.

Nhìn vào bản đồ Hà Nội, 2 phường Phúc Tân và Chương Dương (quận Hoàn Kiếm) có vị trí nằm sát cạnh Hồ Gươm. Nhưng, không gian của khu vực này lại bị tách biệt với Hồ Gươm và khu phố cổ bởi tuyến đê sông Hồng - nay là các trục đường Trần Quang Khải và Trần Nhật Duật. Không có một tuyến đường kết nối thẳng từ Hồ Gươm tới sông Hồng, những người có nhu cầu di chuyển giữa 2 khu vực này thường phải đi vòng một đoạn khá dài qua nhiều nút giao khác.

Nhìn lại, thực tế này gắn với một câu chuyện riêng của lịch sử quy hoạch Hà Nội: Sau trận lụt lớn năm 1925, chính quyền thuộc địa khi đó đã cho gia cố lại tuyến đê sông Hồng và nâng lên chiều cao gần 14,6 mét. Tuyến đê này vừa khiến người dân Hà Nội phía trong đê bị "đẩy lùi" khỏi dòng sông, vừa cắt rời khu vực ngoài đê (khi đó chủ yếu là đất trống) theo suốt chiều dài hàng chục cây số của tuyến đê này.

Chào tuần mới: Kết nối Hồ Gươm với sông Hồng - Ảnh 1.

Mô phỏng hầm đường bộ qua đê sông Hồng. Nguồn: UBND quận Hoàn Kiếm

Để rồi, đến tận bây giờ, dù đã phát triển, việc tiếp cận với các tiện ích của khu vực nội đô vẫn là một thiệt thòi với những người dân ngoài đê, bởi cảnh "gần nhà xa ngõ". Ngược lại, người dân của nhiều quận nội thành cũng ít có tiếp cận với đôi bờ sông Hồng và thụ hưởng những giá trị sinh thái mà không gian này có thể mang về.

***

Trở lại câu chuyện của hầm đường bộ nối Trần Nguyên Hãn - Chương Dương Độ. Như những thông tin được chia sẻ, hầm đường bộ này liên quan tới hệ thống đê sông Hồng, do đó dự án kéo dài nhiều năm qua khi phía Hà Nội phải xin ý kiến các cơ quan chức năng liên quan về chỉ tiêu thiết kế, phương án kỹ thuật, quy mô dự án.

Để rồi, ở thời điểm hiện tại, thiết kế được thông qua của hầm đường bộ này khá hiện đại, với kết bê-tông cốt thép, chiều dài gần 16 mét, có đủ 2 làn xe lớn cho các phương tiện và 2 làn bộ hành. Đáng nói nhất, 2 phía cửa hầm được bố trí hệ thống các cửa tự động và cửa lắp ghép để có thể đóng và đảm bảo an toàn khi có lũ.

Như thế, nhờ công nghệ hiện đại, Hà Nội đang chuẩn bị có một con đường gần như ngắn nhất, với chiều dài khoảng 700 mét, để trực tiếp nối từ Hồ Gươm ra bãi đất ven sông Hồng - nơi có khá nhiều dự án nghệ thuật cộng đồng và thiết lập không gian sinh thái xuất hiện trong thời gian qua.

Đây không chỉ là câu chuyện tạo ra tiện ích giao thông để kết nối người dân trong và ngoài đê, mà còn là một bước đi quan trọng trong kế hoạch dài hơi về quy hoạch và chỉnh trang không gian ven sông Hồng - vốn đang được thành phố đặt ra trong vài năm qua với quyết tâm cao nhất.

Bởi như nhiều chuyên gia từng đề xuất, những khu đất nằm sát Hồ Gươm như các phường Phúc Tân hoặc Chương Dương hoàn toàn có thể trở thành một phần mở rộng của trung tâm Hà Nội, thậm chí là một phần "mặt tiền" của thành phố, để nhìn ra sông Hồng. Miễn là những không gian ấy được "đánh thức" một cách hợp lý và khoa học, sau nhiều năm dài có phần bị lãng quên…

Trí Uẩn

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm