Vụ ngộ độc thực phẩm do ăn cơm gà ở Khánh Hòa: Còn 26 nạn nhân chưa xuất viện

Tính đến chiều 19/3, liên quan đến vụ ngộ độc thực phẩm do ăn cơm gà, ngành y tế chỉ tiếp nhận 1 ca mới, nâng tổng số ca liên quan đến vụ ngộ độc lên con số 368, trong đó 26 ca đang được điều trị.

Bác sỹ Bệnh viện Đa khoa Tâm Trí Nha Trang kiểm tra sức khỏe cho bệnh nhi trong vụ ngộ độc thực phẩm. (Ảnh: Phan Sáu/TTXVN)
Bác sỹ Bệnh viện Đa khoa Tâm Trí Nha Trang kiểm tra sức khỏe cho bệnh nhi trong vụ ngộ độc thực phẩm. (Ảnh: Phan Sáu/TTXVN)

Vụ ngộ độc thực phẩm ở quán cơm gà T.A, đường Bà Triệu, thành phố Nha Trang mới đây là vụ ngộ độc có quy mô lớn trong vài năm gần đây của tỉnh Khánh Hòa với gần 370 người mắc. Do có sự phối hợp thực hiện điều trị theo phác đồ đúng hướng, kịp thời, chiều 19/3, hầu hết các nạn nhân đã được điều trị khỏi và xuất viện.

Song vụ việc cũng là hồi chuông cảnh tỉnh cho tất cả các đơn vị, hộ kinh doanh thực phẩm, cần đảm bảo khâu an toàn vệ sinh thực phẩm trong chế biến, trưng bày và bán sản phẩm.

Kinh nghiệm ứng phó ngộ độc thực phẩm hàng loạt

Về vụ ngộ độc thực phẩm tại quán gà T.A, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Khánh Hòa Trịnh Ngọc Hiệp cho biết ngành y tế là một trong những đơn vị đầu tiên vào cuộc khi nhận liên tiếp các ca nhập viện từ ngày 12/3. Đội ngũ y, bác sỹ, cơ sở vật chất của các bệnh viện tập trung ưu tiên tiếp nhận, cấp cứu cho các bệnh nhân ngộ độc.

Từ ngày 13/3, hàng loạt bệnh nhân nhập viện do đau bụng, nôn ói, nghi do ăn thức ăn nhiễm khuẩn từ quán gà trên đường Bà Triệu, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa.

Lực lượng chức năng của thành phố Nha Trang ngay lập tức vào cuộc, tiến hành kiểm tra, lấy mẫu thực phẩm và tạm đình chỉ hoạt động quán ăn để làm rõ nguyên nhân vụ việc nêu trên.

Từ kinh nghiệm của vụ ngộ độc thực phẩm tại Trường iSchool Nha Trang năm 2022, Sở Y tế đã hoàn thiện quy trình xử lý ngộ độc thực phẩm hàng loạt. Do đó, lần này các đơn vị y tế, bệnh viện theo quy trình áp dụng, việc tiếp nhận, xử lý và điều trị cho bệnh nhân rất nhịp nhàng, hiệu quả cao.

Đáng chú ý, trong đợt này có một ca sản phụ có biểu hiện nặng, sau hai ngày điều trị ở Khoa Hồi sức Tích cực Chống độc, Bệnh viện Đa khoa Khánh Hòa. Ca bệnh này đã được điều trị ở khu bệnh nội trú, sức khỏe phục hồi tốt và đang được theo dõi kỹ trong thời gian này.

Tính đến 15 giờ ngày 19/3, liên quan đến vụ ngộ độc thực phẩm do ăn cơm gà, ngành y tế chỉ còn tiếp nhận 1 ca mới, nâng tổng số lên 368 ca có liên quan vụ ngộ độc, trong đó còn 26 ca đang được điều trị tại các cơ sở y tế.

Nhận định về tình hình điều trị cho các bệnh nhân liên quan vụ ngộ độc ở quán gà T.A, bác sỹ Trần Thị Cẩm Tú, Khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa Tâm Trí Nha Trang cho biết từ vụ ngộ độc thực phẩm tại Trường iSchool Nha Trang hồi tháng 11/2022, các bác sỹ ở bệnh viện đã đã có kinh nghiệm xử lý tình huống.

Khi các nạn nhân nhập viện, bác sỹ khai thác lâm sàng, xét nghiệm bệnh phẩm xác định đúng nguyên nhân do nhiễm trùng, nhiễm độc đường ruột. Từ đó, bác sỹ sử dụng đúng phác đồ điều trị nên không có ca trở nặng. Mặt khác, các bệnh nhân cũng vào viện sớm nên công tác điều trị cũng thuận lợi hơn.

Đưa ra hướng dẫn ban đầu để người dân nhận biết tình hình và cách xử trí vấn đề, bác sỹ Trần Thị Cẩm Tú khuyến cáo khi người bị ngộ độc thực phẩm có biểu hiện sốt, cần tiến hành các phương pháp hạ sốt. Nếu nạn nhân đi ngoài nhiều lần, tiến hành bù điện giải. Nếu không ổn định, khẩn trương đến các cơ sở y tế để được bác sỹ điều trị.

Tăng cường công tác an toàn thực phẩm

Dựa trên các báo cáo xét nghiệm mẫu bệnh phẩm của bệnh nhân, mẫu thực phẩm, kết hợp điều tra dịch tễ, triệu chứng lâm sàng, đại diện ngành y tế khẳng định đây là vụ ngộ độc thực phẩm do vi sinh vật (vi khuẩn Salmonella spp, Bacillus cereus, Staphylococcus aureus).

Để hạn chế tối đa trường hợp tương tự xảy ra trong thời gian tới, các chuyên gia về lĩnh vực Hồi sức-Chống độc đưa ra khuyến cáo thông thường, nguyên nhân gây ngộ độc thực phẩm có thể từ nhiều nguồn nước ô nhiễm, có chứa phân người, động vật, chim bị nhiễm bệnh; sữa và các sản phẩm sữa chưa tiệt trùng; trái cây và rau củ bị nhiễm khuẩn trong quá trình chăm bón hoặc sơ chế làm sạch bằng nước; thức ăn chưa được nấu chín...

ttxvn_com ga 2.jpg
Bác sỹ Bệnh viện Đa khoa Tâm Trí Nha Trang kiểm tra sức khỏe cho bệnh nhi trong vụ ngộ độc thực phẩm, sáng 19/3. (Ảnh: Phan Sáu/TTXVN)

Trong các chủng gây bệnh ngộ độc thực phẩm, chủng Salmonella spp, Bacillus cereus, Staphylococcus aureus là căn nguyên thường gặp. Dấu hiệu khởi phát khi nhiễm khuẩn độc là người nôn nao, buồn nôn, nôn, đau bụng và đi ngoài phân lỏng. Một số trường hợp bị nhức đầu, đau đầu, mất ngủ, phát ban. Nếu không bù nước kịp thời, người bệnh mất nước, giảm huyết áp, tụt huyết áp, suy đa cơ quan, thậm chí tử vong.

Bác sỹ Nguyễn Lương Kỷ, Trưởng khoa Hồi sức tích cực-Chống độc, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa khuyến cáo để phòng, tránh ngộ độc thực phẩm do vi khuẩn nói chung, chủng Salmonella spp, Bacillus cereus, Staphylococcus aureus nói riêng, người dân thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, nước sạch sau khi đi vệ sinh và sau khi chạm vào động vật (kể cả vật nuôi); rửa tay kỹ trước và sau khi chế biến thức ăn hoặc ăn uống, không xử lý bất kỳ loại thực phẩm nào khác trong khi đang sơ chế, chế biến thịt sống, thịt gia cầm, hải sản hoặc trứng.

Đối với thực phẩm, cần rửa sạch rau củ quả trước khi chế biến, đảm bảo thực phẩm được nấu chín đến nhiệt độ an toàn trước khi ăn; làm lạnh hoặc đông lạnh thịt gia súc, gia cầm và hải sản càng sớm càng tốt nếu chưa sử dụng đến; không uống sữa và các sản phẩm từ sữa chưa được tiệt trùng, không uống nước chưa được xử lý hoặc ăn thức ăn được chế biến từ nước chưa được xử lý.

Đặc biệt cần chú ý, làm sạch môi trường sống của thú cưng, chẳng hạn như bể cá, lồng…; không sử dụng bồn rửa trong nhà bếp để tắm rửa, vệ sinh cho thú cưng hoặc đồ chơi của chúng.

Ngộ độc thực phẩm xảy ra tại một quán ăn lớn, hoạt động lâu đời tại Nha Trang như quán cơm gà T.A là một điều không ai mong muốn. Tuy vậy, đây cũng là hồi chuông cảnh tỉnh cho tất cả các đơn vị, hộ kinh doanh thực phẩm, cần đảm bảo khâu an toàn vệ sinh thực phẩm trong chế biến, trưng bày và bán sản phẩm.

Đại diện chủ quán cơm gà T.A cũng đã lên tiếng nhận trách nhiệm, bồi thường thiệt hại ngay những ngày đầu xảy ra sự việc, phối hợp cùng cơ quan chức năng để xác định nguyên nhân vụ ngộ độc. Đây là một bài học lớn cho quán, một bài học đắt giá mà quán phải rút kinh nghiệm sâu sắc, không để xảy ra tiếp thêm lần nào.

Sau vụ việc, Ủy ban Nhân dân thành phố Nha Trang đã ban hành kế hoạch 2008/UBND-YT về việc triển khai công tác thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm về an toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố Nha Trang năm 2024.

Theo ông Nguyễn Văn Minh, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Nha Trang, ngoài việc xử lý ngộ độc thực phẩm trực tiếp tại quán ăn trên, Ủy ban Nhân dân thành phố cũng triển khai tăng cường công tác thông tin tuyên truyền đảm bảo an toàn thực phẩm, các biện pháp phòng chống ngộc độc thực phẩm đến người dân, các cơ sở kinh doanh, dịch vụ ăn uống, bếp ăn trường học trên địa bàn thành phố.

Động thái phối hợp chặt chẽ điều tra dịch tễ trong suốt quá trình diễn ra vụ ngộ độc cũng như nâng cao chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm của thành phố Nha Trang trong giai đoạn này nhằm nâng cao ý thức của người dân, chủ các doanh nghiệp, không để xảy ra sự việc tương tự, gây ảnh hưởng xấu đến hình ảnh thành phố du lịch văn minh, thân thiện./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục