Việt Nam tập trung phát triển kỹ thuật ghép tạng chuyên sâu

Công tác ghép tạng ở Việt Nam được triển khai theo chiều hướng ngày càng phát triển và chuyên sâu để bắt kịp ngang hàng với những tiến bộ của thế giới.

Sáng 19/3, tại Bệnh viện hữu nghị Việt Đức (Hà Nội) đã diễn ra Hội nghị khoa học ghép thận năm 2024.

Tại hội nghị, nhiều báo cáo được trình bày gồm: Tổng kết ghép thận tại Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức giai đoạn 2006-2023; Nhiễm trùng Cytomegalovirus sau ghép thận; Kinh nghiệm qua 1.000 trường hợp; Kinh nghiệm ghép thận đảo cực; Nhiễm trùng tiết niệu ở người bệnh sau ghép thận… mang hàm lượng khoa học cao.

Phát biểu tại Hội nghị, ông Vương Ánh Dương - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết hiện nay, Việt Nam đã triển khai hiệu quả các kỹ thuật trong ghép tạng với kết quả đã ghép được 6 bộ phận cơ thể người gồm: thận, gan, phổi ,tim, tuỵ, chi thể.

Công tác ghép tạng ở Việt Nam được triển khai theo chiều hướng ngày càng phát triển và chuyên sâu để bắt kịp ngang hàng với những tiến bộ của thế giới. Trong đó, những vấn đề trong công tác ghép thận được giới chuyên môn rất quan tâm tập trung vào các yếu tố để làm tăng miễn dịch, giảm nguy cơ đào thải cao, hay nhiễm trùng.

Ông Dương Đức Hùng, Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho hay đã từ lâu Bệnh viện Việt Đức là đơn vị thực hiện ghép tạng nói chung và ghép thận nói riêng. Công tác ghép thận được Bệnh viện tổ chức triển khai từ năm 2002, với quy trình đơn giản nhất. Đến nay, bệnh viện đã tiến hành ghép thận thường quy với khoảng 100 ca ghép thận/năm.

Trải qua gần 20 năm phát triển, ghép thận tại Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức đã đạt được nhiều kết quả quan trọng như: đời sống của thận ghép 5 năm đạt trên 98,9%, Tỉ lệ thận ghép hoạt động 10 năm là 95,7%. Đặc biệt Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức đã chuyển giao nhiều kỹ thuật ghép thận cho các bệnh viện tuyến Trung ương và tuyến tỉnh./.

(Vietnam+)