Nhật Bản: Tên lửa của công ty Space One phát nổ ngay sau khi phóng

Tên lửa Kairos được phóng từ bệ phóng do chính công ty Space One chế tạo, mang theo một vệ tinh nhỏ thử nghiệm, đã nổ chỉ vài giây sau khi được phóng tại một cảng vũ trụ ở miền Tây Nhật Bản.

Tên lửa Kairos đã phát nổ chỉ vài giây sau khi được phóng. (Nguồn: Kyodo)
Tên lửa Kairos đã phát nổ chỉ vài giây sau khi được phóng. (Nguồn: Kyodo)

Sáng 13/3, tên lửa Kairos do công ty khởi nghiệp Space One của Nhật Bản chế tạo đã phát nổ chỉ vài giây sau khi được phóng tại một cảng vũ trụ ở miền Tây nước này. Nguyên nhân vụ nổ chưa được xác định.

Vụ phóng diễn ra tại cảng vũ trụ Kii ở thành phố Kushimoto, thuộc tỉnh Wakayama vào lúc 11 giờ 01 theo giờ địa phương (9 giờ 01 theo giờ Việt Nam).

Tên lửa được phóng từ bệ phóng do chính công ty Space One chế tạo, mang theo một vệ tinh nhỏ thử nghiệm.

Space One - công ty có trụ sở ở Tokyo - đặt mục tiêu trở thành công ty tư nhân đầu tiên của Nhật Bản đưa thành công một vệ tinh vào quỹ đạo.

Theo dự kiến, tên lửa Kairos sẽ đưa vệ tinh vào quỹ đạo khoảng 51 phút sau khi phóng. Tuy nhiên, vài giây sau khi phóng, tên lửa đã phát nổ thành một quả cầu lửa, khói đen bao phủ khu vực bệ phóng. Các mảnh vỡ được nhìn thấy rơi xuống sườn núi xung quanh cảnh phóng tên lửa.

Tên lửa Kairos có chiều dài 18m, sử dụng nhiên liệu rắn. Trong lần phóng đầu tiên này, tên lửa mang theo một vệ tinh thử nghiệm của Chính phủ Nhật Bản.

Vệ tinh này được kỳ vọng có thể tạm thời thay thế các vệ tinh tình báo hiện đang hoạt động trên quỹ đạo trong trường hợp các vệ tinh này trục trặc.

Space One cho biết đang điều tra nguyên nhân sự cố.

Nhật Bản đang thúc đẩy nỗ lực chinh phục không gian và đã gặt hái những thành công. Tháng 1 vừa qua, Nhật Bản trở thành quốc gia thứ 5 đưa một tàu thăm dò đáp xuống Mặt Trăng, sau Liên Xô trước đây, Mỹ, Trung Quốc và Ấn Độ.

Tháng trước, cơ quan hàng không vũ trụ Nhật Bản đã phóng thành công tên lửa H3 sau nhiều năm trì hoãn và 2 lần phóng thất bại trước đây.

H3 được xem là đối thủ của tên lửa Falcon 9 của công ty SpaceX (Mỹ) và được kỳ vọng một ngày nào đó có thể đưa hàng hóa lên các cơ sở trên Mặt Trăng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục