Phụ nữ ngày càng khẳng định vai trò trên mọi lĩnh vực

Tỷ lệ cán bộ nữ tham gia vào các vị trí quan trọng trong hệ thống chính trị ngày càng cao; các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ có lãnh đạo chủ chốt là nữ chiếm tỷ lệ 50%.

Chú thích ảnh
Bà Hà Thị Nga, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam phát biểu tại Hội thảo. 

Tại Hội thảo khoa học quốc gia “Phát huy vai trò của phụ nữ Việt Nam trong thời đại mới”, do Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Việt Nam và Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức ngày 14/12, tại Hà Nội, bà Hà Thị Nga, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam khẳng định: Phụ nữ ngày càng tham gia sâu rộng trên mọi lĩnh vực đời sống kinh tế - xã hội và khẳng định được vai trò, vị thế, đóng góp vào sự phát triển chung của địa phương, đất nước.

Thống kê, có hơn 40% các nhà khoa học ở Việt Nam là nữ giới; tỷ lệ doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ đạt 26,5% (thuộc nhóm dẫn đầu khu vực Đông Nam Á).

Việt Nam cũng là một trong những nước đứng đầu về tỷ lệ nữ tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình với tỷ lệ 16% (so với tỷ lệ chung của các nước khoảng 10%)…

Chính sách phát triển đội ngũ cán bộ nữ không ngừng được đổi mới, hoàn thiện và tổ chức thực hiện đồng bộ, chú trọng chăm lo phát triển tài năng nữ và nguồn nhân lực nữ chất lượng cao.

Ngày càng có nhiều phụ nữ tham gia vào các vị trí quan trọng trong hệ thống chính trị. Tỷ lệ nữ tham gia cấp uỷ Đảng các cấp trong các nhiệm kỳ đều tăng. Tính đến tháng 12/2022, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ có lãnh đạo chủ chốt là nữ chiếm tỷ lệ 50%, dần tiệm cận với chỉ tiêu đề ra trong Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới (đến năm 2025 là 60%). Tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội khóa XV đạt 30,26%, cao hơn mức trung bình của thế giới và khu vực, đứng đầu trong Hội đồng Liên minh nghị viện Hiệp hội các nước Đông Nam Á.

Việt Nam được đánh giá là một trong 10 quốc gia thực hiện tốt nhất mục tiêu số 5 về thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ và trẻ em gái trong các mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp quốc; đạt được nhiều kết quả tích cực về thu hẹp khoảng cách giới trong nhiều lĩnh vực; năm 2023, Việt Nam tăng 11 bậc về thu hẹp khoảng cách giới so với năm.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, theo bà Hà Thị Nga, hiện vẫn còn không ít hạn chế, thách thức đặt ra, cần được tiếp tục quan tâm giải quyết trong thời gian tới để nâng cao vị thế của phụ nữ.

Cụ thể, vấn đề định kiến giới, khuôn mẫu giới vẫn tiếp tục tác động và ảnh hưởng đến cơ hội phụ nữ tham gia vào các lĩnh vực khác nhau trong xã hội. Nhiều vấn đề xã hội tiếp diễn ảnh hưởng tiêu cực đến phụ nữ và công tác phụ nữ, như: Nghèo đói; biến đổi khí hậu; biến đổi chức năng gia đình; già hóa dân số; các vấn đề an ninh trật tự, đạo đức xã hội liên quan đến an toàn của phụ nữ, trẻ em (lừa đảo, mất an toàn trên môi trường mạng; mua bán phụ nữ, trẻ em; bạo lực gia đình, đặc biệt là các vụ xâm hại, bạo lực với phụ nữ, trẻ em ngày càng phức tạp, nghiêm trọng…). Đặc biệt, các vấn đề thời kỳ hậu COVID-19 cũng có ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống chị em phụ nữ.

Đặc biệt, tỷ lệ cán bộ nữ tham gia lãnh đạo, quản lý hiện vẫn còn thấp so với số lượng và tiềm năng của lực lượng lao động nữ cũng như so với yêu cầu phát triển của đất nước; còn nhiều địa phương, nhiều ngành, nhiều lĩnh vực đang thiếu vắng sự tham gia của phụ nữ ở vai trò lãnh đạo, quản lý, nhất là người đứng đầu; vẫn còn một số địa phương (như Long An và Khánh Hòa), ở cấp huyện, xã không có cán bộ nữ trong ban thường vụ, cá biệt còn xã không có cấp ủy viên là nữ…

Theo đó, nhận thức, nhu cầu ngày càng cao của phụ nữ về thụ hưởng thành quả của công cuộc đổi mới đất nước đòi hỏi các tổ chức chính trị - xã hội, trong đó, có tổ chức Hội phải thường xuyên đổi mới nội dung, phương thức hoạt động để đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu chính đáng của phụ nữ. Qua đó, các cấp, các ngành tiếp tục nghiên cứu cụ thể, có chiều sâu hơn để phát huy vai trò của các lực lượng phụ nữ trong xây dựng đất nước.

Tại hội thảo, các đại biểu cũng đánh giá một cách toàn diện kết quả thực hiện công tác phụ nữ thời gian qua, tiếp tục chỉ ra những điểm mạnh và những điểm bất cập cũng như những khó khăn, thách thức trong quá trình thực hiện dưới nhiều góc độ, chiều cạnh khác nhau; từ góc độ quản lý nhà nước, thực tiễn địa phương và từ các chuyên gia, nhà khoa học, góp phần đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết 11-NQ/TW và Chỉ thị 21-CT/TW về công tác phụ nữ. Đồng thời, tiếp tục cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII về công tác phụ nữ.

Tạ Nguyên/Báo Tin tức
Các cấp Hội phụ nữ có nhiều hoạt động thiết thực, đột phá
Các cấp Hội phụ nữ có nhiều hoạt động thiết thực, đột phá

Trong năm 2023, các cấp Hội LHPN Việt Nam đã chủ động tổ chức triển khai nhiệm vụ của năm với nhiều cách làm sáng tạo, hiệu quả.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN