Áp lực học hành khủng khiếp tại "thủ phủ luyện thi" ở Ấn Độ

Để theo đuổi giấc mơ vào các trường đại học hàng đầu ở Ấn Độ và đáp ứng kỳ vọng của gia đình, hàng trăm nghìn thanh niên phải vùi đầu vào sách vở tới 18 tiếng mỗi ngày tại các lò luyện thi ở Kota.
Áp lực học hành khủng khiếp tại "thủ phủ luyện thi" ở Ấn Độ ảnh 1Cả trăm học sinh chen chúc trong một lớp luyện thi tại Kota, Ấn Độ. (Ảnh: AP)

Với 300.000 sinh viên đổ xô đến Kota mỗi năm, thành phố nóng bức, bụi bặm ở bang Rajasthan của Ấn Độ này là một “nồi hầm” đúng nghĩa, nơi các sinh viên thường phải học tới 18 tiếng mỗi ngày và điểm thi là tất cả.

Một số sẽ trở thành thế hệ bác sỹ và kỹ sư tiếp theo của Ấn Độ. Nhưng với những người khác, áp lực học hành có thể khiến họ suy sụp.

Trong những thập kỷ gần đây, Kota được biết đến như là “thủ phủ luyện thi” của Ấn Độ, nơi nhiều học viện chuyên môn đã mọc lên, cung cấp các khóa chuyên sâu để chuẩn bị cho học sinh tham gia các kỳ thi có tính cạnh tranh cao vào trường y hoặc trường kỹ thuật.

Với 65% dân số Ấn Độ trong độ tuổi dưới 35 và ngày càng có nhiều người trẻ theo đuổi ước mơ vào đại học, mức độ cạnh tranh chưa bao giờ cao hơn thế.

Năm nay, hơn 2 triệu học sinh tại Ấn Độ sẽ tham dự kỳ thi tuyển sinh vào các trường đại học y để cạnh tranh trong số 140.000 chỉ tiêu, trong khi hơn 1 triệu học sinh tham gia kỳ thi kỹ thuật với hy vọng giành được một trong 10.000 chỉ tiêu tại các viện công nghệ hàng đầu.

Đối với hàng trăm nghìn học sinh đang theo học tại Kota, phần lớn ở độ tuổi từ 17 đến 20, họ phải học liên tục bảy ngày một tuần. Để theo kịp, nhiều người cho biết họ bắt đầu học từ lúc 4 giờ sáng trước khi tham gia lớp học kéo dài sáu giờ với khoảng 300 người khác.

Áp lực học hành khủng khiếp tại "thủ phủ luyện thi" ở Ấn Độ ảnh 2Kota được mệnh danh là thủ phủ luyện thi để chuẩn bị cho các kỳ thi vào các trường đại học hàng đầu của Ấn Độ. (Ảnh: Getty Images)

“Tôi không có thời gian dành cho bạn bè hay giao lưu. Sách vở là bạn của tôi,” Rani Kumari, 22 tuổi, đang ôn thi đại học y cho biết.

Shree Kumar Verma, 19 tuổi, đang chuẩn bị cho kỳ thi tại Học viện Hướng nghiệp Allen, trường luyện thi lớn nhất ở Kota, cho biết: “Đây là thành phố căng thẳng nhất ở Ấn Độ. Nhiều người có ước mơ trở thành bác sỹ hoặc kỹ sư và họ sẽ phải trải qua rất nhiều khó khăn để đạt được điều đó. Kota sẽ mang lại cho bạn thành công hoặc khiến bạn thất vọng hoàn toàn.”

Không nơi nào khát vọng thành công được thể hiện rõ hơn bằng ngôi đền Radha Krishna ở Kota, nơi hàng nghìn lời cầu nguyện được viết nguệch ngoạc trên tường.

Thầy tu Pandit Radhe Shyam cho biết ông phải quét vôi các bức tường sau mỗi hai tuần, để có thêm chỗ trống.

[Hàn Quốc nỗ lực hạ "cơn sốt" học thêm tốn kém hàng chục tỷ USD]

“Toppers” hay những người đạt điểm thi cao nhất trong nước, được đối xử như các nhân vật nổi tiếng. Ảnh của họ được dán trên các bảng quảng cáo lớn và được các trường đại học trao giải thưởng bằng tiền mặt.

Tuy nhiên, mặt tối hơn cũng xuất hiện, làm nổi bật nền văn hóa khắc nghiệt của việc luyện thi chuyên sâu ở Kota và những gánh nặng về học tập, gia đình và xã hội đặt lên vai học sinh.

Từ đầu năm 2023 tới nay, 27 học sinh đang theo học tại các trường luyện thi ở Kota đã tự tử - con số cao nhất từng được ghi nhận.

Trong khi những lời chỉ trích nhắm vào áp lực học hành tại các trường luyện thi, nhiều học sinh và bác sỹ tâm thần cho rằng áp lực lớn nhất đến từ chính kỳ vọng của gia đình.

Việc có một thành viên trong gia đình là bác sỹ hoặc kỹ sư từ lâu đã được coi trọng ở Ấn Độ và nhiều bậc cha mẹ coi Kota là con đường để biến điều này thành hiện thực.

Áp lực học hành khủng khiếp tại "thủ phủ luyện thi" ở Ấn Độ ảnh 3Một bảng quảng cáo lớp luyện thi ở Kota dán trên một chiếc xe ba bánh. (Ảnh: Getty Images)

“Hầu hết các vấn đề về sức khỏe tâm thần mà tôi thấy đều liên quan đến áp lực từ các bậc cha mẹ khi họ nói với những đứa trẻ rằng 'Con phải chiến thắng bằng mọi giá,’” Tiến sỹ Neena Vijayvargiya, một bác sỹ tâm lý làm việc tại Kota cho biết.

Trong khi các trường luyện thi ở Kota - với mức phí hơn 44 triệu đồng một năm và chi phí sinh hoạt gần 9 triệu đồng một tháng -  từng chỉ là nơi dành riêng cho tầng lớp trung hoặc thượng lưu, việc sở hữu thu nhập tốt hơn đã khiến nhiều người thuộc tầng lớp thấp cũng tìm mọi cách để con cái họ có thể theo học tại các trường này.

Kedar Korde, một nông dân đến từ một ngôi làng nghèo ở Hingoli, Maharashtra, đã bán mảnh đất duy nhất của gia đình vào năm ngoái và đưa cả nhà đến Kota, để hai cậu con trai của ông vào học tại Học viện Allen.

Ông tìm được công việc bảo vệ ký túc xá và gia đình bốn người phải sống trong một căn phòng bé xíu, khi con trai lớn của ông chuẩn bị cho kỳ thi vào đại học y.

Tuy nhiên, tiền lương của Korde vẫn không đủ để trang trải chi phí. Vì vậy ở quê nhà, cha ông cũng phải bán bớt đất để góp tiền tài trợ cho việc học hành của các cháu./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục