Mohammed VI, vị vua thầm lặng với quyền lực sâu rộng của Maroc

Thảm họa động đất ở Maroc đã làm nổi bật hoạt động của vị quốc vương từng thực hiện những cải cách lớn trong thời kỳ đầu trị vì, nhưng những năm gần đây lại vắng mặt kéo dài ở đất nước.

Chú thích ảnh
Vua Mohammed VI của Maroc trong cuộc họp ngày 14/9, thông qua chương trình khẩn cấp tái định cư cho những người bị ảnh hưởng bởi thảm họa động đất. Ảnh: AFP

Cơn địa chấn làm rung chuyển cả dãy núi High Atlas của Maroc lúc 11 giờ 11 phút đêm ngày 8/9. Thời điểm đó, Vua Mohamed VI đang ở trong biệt thự của mình gần Tháp Eiffel, Paris, nơi ông đã đến đây một tuần trước đó trong chuyến thăm đầu tiên kể từ đầu năm nay đến thủ đô nước Pháp. Vài giờ sau, trận động đất mạnh 6,8 độ đã tàn phá hàng chục ngôi làng ở chân núi – tại một trong những khu vực nghèo khó nhất của Maroc, phía nam thành phố du lịch hưng thịnh Marrakech. Số người chết tiếp tục tăng lên hàng trăm, và tới nay là khoảng 3.000 người.

Vị quốc vương kiệm lời

Chiều ngày 9/9, quốc vương của triều đại Alawite đã trở lại thủ đô Rabat để chủ trì một cuộc họp nội các tại Cung điện Hoàng gia, nhưng cuộc họp này chỉ giới hạn ở việc đưa ra một tuyên bố kèm theo một bức ảnh về sự kiện này. Quốc vương đã không có bài phát biểu nào với người dân của mình. Ba ngày sau, Vua Mohamed VI đến thăm những người bị thương do trận động đất tại một bệnh viện ở Marrakech. Qua các hình ảnh từ kênh truyền hình nhà nước SNRT, người ta thấy ông ôm hôn một số nạn nhân và hiến máu trên cáng. Nhưng sự im lặng của Nhà vua vẫn tiếp tục. Và 48 giờ sau, ông lại chủ trì một phiên họp ở Rabat về công việc tái thiết, sửa chữa hơn 50.000 ngôi nhà bị ảnh hưởng bởi trận động đất, nhưng vẫn không có thông điệp nào.

Không giống như cha mình, Hasan II, người trị vì từ năm 1961 đến năm 1999 và thích phát biểu trước ống kính, Mohamed VI chỉ phát biểu trước công chúng bốn lần một năm. Nhân ngày ông lên ngôi; vào ngày tưởng niệm ông nội của ông, Mohammed V, phải sống lưu vong; tại lễ khai mạc kỳ họp Quốc hội hàng năm, và ngày kỷ niệm sự khởi đầu của "Cuộc Tuần hành Xanh" vào tháng 11/1975 buộc chính quyền thuộc địa Tây Ban Nha phải bàn giao tỉnh tự trị Sahara cho Maroc. Năm nay, lễ khai mạc kỳ họp Quốc hội trùng với ngày sinh nhật 21/8, Quốc vương đã cắt bỏ bài phát biểu truyền thống hàng năm thứ hai của mình. Cuộc phỏng vấn trực tiếp cuối cùng của ông với một cơ quan truyền thông - chính xác là với tờ EL PAÍS (Tây Ban Nha) - đã diễn ra từ năm 2005.

 

Chú thích ảnh
Nhà vua đến thăm một trong những người bị thương do thảm họa động đất tại Bệnh viện Đại học Mohammed VI ở Marrakech vào ngày 12/9. Ảnh: AP

Mohammed VI là con thứ hai và là con trai cả của cố vương Hassan II và hoàng phi thứ hai của ông, Lalla Latifa Hammou. Vào ngày sinh của mình, Mohammed được phong là thái tử. Phụ hoàng của ông đã quan tâm đến việc cho ông học về tôn giáo và chính trị ngay từ khi còn nhỏ; năm bốn tuổi, ông bắt đầu theo học trường Quranic tại Cung điện Hoàng gia. Mohammed VI lấy bằng cử nhân luật tại Đại học Mohammed V ở Agdal (Maroc) năm 1985. Sau đó, năm 1988, ông được đào tạo tại Brussels, Bỉ với Jacques Delors, khi đó là Chủ tịch Ủy ban Châu Âu. Ông lấy bằng Tiến sĩ luật vào năm 1993 tại Đại học Nice Sophia Antipolis của Pháp.

Nhà vua đăng quang ngai vàng ngày 23/7/1999 khi Vua Hassan II băng hà. Ông theo đuổi chủ nghĩa cải cách trong nỗ lực thay đổi đất nước Maroc, bất chấp sự phản đối của những người bảo thủ theo chủ nghĩa Hồi giáo phản đối. Một trong những điểm nhấn là vào tháng 2/2004, Nhà vua đã ban hành một bộ luật gia đình mới, hay Mudawana, cho phép phụ nữ có thêm quyền. Vào ngày 9/3/2011, Vua  Mohammed VI tuyên bố quốc hội và quyền lực của cơ quan tư pháp sẽ được trao quyền độc lập nhiều hơn.

Quyền lực sâu rộng

Mahi Bibendine, nhà văn, họa sĩ, nhà điêu khắc và nhà hoạt động xã hội đến từ Marrakech, nói: “Tôi không thực sự thân thiết với nhà nước hay chế độ quân chủ, nhưng thực tế là Nhà vua đang giải quyết cuộc khủng hoảng”. Cha của Bibendine là một nghệ sĩ giải trí tại triều đình Vua Hassan II trong hơn ba thập kỷ. Anh trai ông, Aziz, một sĩ quan quân đội trẻ vào năm 1971, đã tham gia một cuộc đảo chính và trải qua 18 năm trong ngục tối ở Tazmamart, miền nam Maroc. Bản thân ông, tác giả cuốn The Horses of God, một cuốn tiểu thuyết gợi lại các cuộc tấn công thánh chiến ở Casablanca năm 2003, cũng phải sống lưu vong ở Paris và New York sau thời kỳ "Những năm Lãnh đạo" – một thời kỳ được đánh dấu bằng bạo lực và đàn áp những người bất đồng chính kiến ​​​​chính trị dưới quyền người cha của quốc vương hiện tại.

“Tôi chưa từng thấy một phong trào nhân đạo nào có quy mô lớn như vậy ở Maroc", ông Bibendine nói tại nhà riêng ở ngoại ô Marrakech một tuần sau trận động đất. “Nhưng rõ ràng là quyền lực quá tập trung vào hình ảnh nhà vua. Mọi thứ đều qua tay ông theo cấu trúc kim tự tháp. Không ai dám đến thăm những người bị ảnh hưởng bởi trận động đất trước nhà vua",

Ý kiến ​​của Bibendine về cơ bản chung quan điểm với tiểu thuyết gia Tahar Ben Jellouns. “Mohamed VI là người làm nhiều nhưng nói rất ít”, tác giả đoạt giải Goncourt năm 1987 nói với hãng tin AP. “Nhà vua có toàn quyền đối với mọi việc xảy ra trong nước, đối với quân đội, đối với các vấn đề sinh tử".

Tuy nhiên, ông Mahi Bindedine cảnh báo: “Giống như dân cư nông thôn ở vùng núi Atlas, có một Maroc bị lãng quên đôi khi vùng dậy, như đã từng xảy ra ở Rif (miền bắc), nơi đôi khi thù địch với quyền lực trung ương. Số người Maroc sống ở nông thôn nhiều hơn số người sống ở thành phố.”

Mohammed Mohua, một nhà hoạt động thuộc cánh tả dân tộc chủ nghĩa ở Rif, nhớ lại rằng trong trận động đất Al Hoceima năm 2004, đất nước cũng phải mất hơn 4 ngày để huy động lực lượng đến khu vực nông thôn của tỉnh. 

“Nhân vật nhà vua được xã hội Maroc đánh giá cao. Không ai thắc mắc về ông", Mohua nói. Nhà hoạt động này thừa nhận: “Việc cải cách Mudawana [Bộ luật gia đình] có lợi cho phụ nữ và Ủy ban Sự thật về Công bằng và Hòa giải trong "Những năm Lãnh đạo" là những bước tiến".

Tuy nhiên, ông Mohua nhận xét, sau các cuộc tấn công ở Casablanca và trận động đất Al Hoceima, đất nước đã chuyển hướng sang một mô hình tập trung quyền lực. Kể từ khi lên ngôi vào tháng 7/1999, Nhà vua luôn là trung tâm của nhà nước do có quyền hành pháp rộng rãi, qua đó ông có quyền kiểm soát trực tiếp đối với quốc phòng, an ninh và ngoại giao. Điều này cũng đúng đối với các vấn đề Hồi giáo, với tư cách là người chỉ huy các tín đồ.

Chú thích ảnh
Những người bạn thân cận của Vua Mohamed VI, từ trái sang: Abu Bakr, Ottman và Omar Azaita, vào tháng 4/2018. Ảnh: MAP

Hàng triệu euro, khối tài sản lớn nhất nước này, tập trung vào các lĩnh vực như ngân hàng, xây dựng, du lịch và phân phối thương mại. Biệt thự riêng sang trọng của vua Mohamed VI ở Paris đã tiêu tốn khoảng 80 triệu euro ba năm trước.

Vào năm 2022, Quốc vương đã sống hơn 6 tháng - với 4 tháng trong số đó ở Paris - ở bên ngoài Maroc và gần ba tháng tại dinh thự của ông ở Gabon vào đầu năm 2023. Năm nay, nhà vua đã tận hưởng một mùa hè dài bên bờ biển Rif, nơi ông sống trong nhà mình ở Mdiq, cách Ceuta của Tây Ban Nha khoảng 30 km về phía nam, và ở Al Hoceima, cũng bên bờ biển Địa Trung Hải.

Báo chí quốc gia đã không đưa tin trong năm nay, giống như năm 2022, về sự hiện diện trong đoàn tùy tùng hoàng gia của ba anh em người Đức gốc Maroc được cho là thân cận của nhà vua. Abu Baker Azaitar, đô vật 35 tuổi; người em trai Ottman 31 tuổi cũng là một đô vật; và Omar, huấn luyện viên của họ, đã trở thành bạn của Vua Mohamed VI vào năm 2018. Kể từ đó, họ thường xuyên là bạn đồng hành trong các kỳ nghỉ của ông.

Trong gần 25 năm trị vì, Vua Mohamed VI đã củng cố những tiến bộ ngoại giao có lợi cho đất nước mình, chẳng hạn như những tiến bộ dẫn đến việc Mỹ công nhận chủ quyền của nước này đối với Tây Sahara (vào tháng 12 năm 2020) và bởi Israel, vào tháng 7 năm nay. Ông cũng đã thuyết phục được Tây Ban Nha, cường quốc thuộc địa cũ, ủng hộ nguyên tắc tự trị hạn chế cho khu vực - 80% trong số đó hiện thuộc quyền quản lý của chính quyền trung ương Maroc - coi đó là “cơ sở nghiêm túc, đáng tin cậy và thực tế nhất để giải quyết vấn đề này”.

Theo Liên hợp quốc, thắng lợi đó được so sánh với phương án giành độc lập hoàn toàn do Mặt trận Polisario do Algeria hậu thuẫn đưa ra, lực lượng kiểm soát 20% còn lại. Năm 2016, Vua Mohamed VI cũng thực hiện chiến lược tái hòa nhập đất nước với Liên minh châu Phi, tổ chức mà cha ông, Hassan II đã từ bỏ vào năm 1984 sau khi nước này công nhận Cộng hòa Dân chủ Arab Sahrawi do Mặt trận Polisario tuyên bố.

Sự chuyển mình của quốc gia Bắc Phi này kể từ năm 1999 thể hiện rõ ở việc hiện đại hóa cơ sở hạ tầng như mạng lưới đường cao tốc, tàu cao tốc Tangier-Casablanca và siêu cảng Tanger Med ở eo biển Gibraltar. Sự chuyển biến này có được một phần là nhờ sự phát triển của các ngành công nghiệp hàng đầu, như lắp ráp ô tô, và sự mở rộng của các công ty ngân hàng, bảo hiểm và viễn thông Maroc sang các nước châu Phi khác.

Chú thích ảnh
Quốc vương Maroc, Mohammed VI cùng con trai Moulay Hassan rời Cung điện Elysée ở Paris vào tháng 11/2018. Ảnh: Anadolu

Những thách thức với Maroc

Tuy nhiên, song song với sự xuất hiện của tầng lớp trung lưu ở các thành phố lớn, sự bất bình đẳng về kinh tế và xã hội không ngừng gia tăng trong nhóm dân cư nông thôn có hoàn cảnh khó khăn và các khu vực ngoại vi thành thị. Báo cáo Mô hình Phát triển Mới, do nhà vua ủy quyền vào năm 2019, sau khi hoàn thành hai thập kỷ trị vì của ông, đã tiết lộ “sự bất bình đẳng ngày càng trầm trọng” khi phản ánh rằng 10% dân số giàu nhất tích trữ tài sản nhiều gấp 11 lần so với 10% nghèo nhất. Theo dữ liệu của Ngân hàng Thế giới, tỷ lệ mù chữ ở mức 24% và 77,3% người Maroc làm việc trong nền kinh tế phi chính thức.

Đối mặt với những làn gió thay đổi của Mùa xuân Arab, 12 năm trước, vương quyền của người Alawite đã chấp nhận các yêu cầu của "Phong trào 20 tháng 2", dẫn đến việc ban hành Hiến pháp năm 2011. Việc Đảng Công lý và Phát triển (Hồi giáo) lên nắm quyền vào năm 2011, vốn vẫn đứng đầu chính phủ trong một thập kỷ, đã dẫn đến những thất bại trong việc cải cách Bộ luật Gia đình. Cải cách này đã thông qua các ngoại lệ đối với quy tắc cho phép kết hôn với hơn 13.600 phụ nữ chưa đủ tuổi vị thành niên vào năm 2022, bất chấp luật pháp nghiêm cấm hành vi này.

Vào cuối kỳ nghỉ đông của mình hồi đầu năm, Vua Mohamed VI đã trở về Maroc từ nơi ở của mình ở Gabon, trùng với thời điểm bắt đầu tháng Ramadan của người Hồi giáo. Quốc vương đã gián đoạn kỳ nghỉ của mình để thực hiện chuyến thăm chính thức vào ngày 15/2 tới thủ đô Gabon, nơi lần đầu tiên người ta thấy ông gầy đi rõ rệt. Sau đó, ông buộc phải hủy chuyến đi chính thức tới Senegal vào phút chót vì lý do sức khỏe. Quốc vương đã trải qua cuộc phẫu thuật tim vào năm 2018 và 2020, mặc dù tình trạng sức khỏe của nhà vua thường không được đề cập trong các tuyên bố từ Cung điện Hoàng gia hoặc truyền thông Maroc.

Thu Hằng/Báo Tin tức (Theo El Pais)
Phong trào hiến máu cho nạn nhân động đất tại Maroc
Phong trào hiến máu cho nạn nhân động đất tại Maroc

Một tuần sau thảm họa động đất tại Maroc, phong trào hiến máu nhân đạo cho các nạn nhân đang được phát động trên toàn đất nước.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN