Bạn trẻ khiếm thị Lương Tuấn Cường và ước mơ làm cánh diều ngược gió

Lương Tuấn Cường luôn mong muốn góp phần xây dựng một cộng đồng những người khuyết tật sống có ích, đóng góp giá trị ngày càng nhiều cho xã hội.
Bạn trẻ khiếm thị Lương Tuấn Cường và ước mơ làm cánh diều ngược gió ảnh 1Một hoạt động của Câu lạc bộ Khiêu vũ thể thao người khiếm thị nơi Lương Tuấn Cường phụ trách truyền thông. (Ảnh: PV/Vietnam+)

“Mắt mũi thế này thì sau làm gì để sống?” “Học nhiều rồi sau này cũng có dùng được đâu…” Từ nhỏ, bạn trẻ khiếm thị Lương Tuấn Cường đã phải nghe rất nhiều những câu nói như vậy.

Bằng nghị lực phi thường, Cường đã vượt qua nhiều khó khăn trở ngại, để vươn lên trong cuộc sống và lan tỏa năng lượng tích cực đến những thanh niên kém may mắn như mình.

Buớc qua những rào cản

Lương Tuấn Cường sinh năm 2002 tại miền Trung du Phú Thọ, trong một gia đình bình thường, duy chỉ có Cường không may bị teo dây thần kinh thị giác bẩm sinh.

Suốt quãng đời từ khi ấu thơ đến khi học phổ thông, Cường không ít lần bị bạn bè trêu chọc, coi thường. Những câu nói như: “Mắt mũi thế này thì sau làm gì để sống;” “Học nhiều rồi sau này cũng có dùng được đâu;” “Tương lai mịt mờ lắm, không biết sau này có làm được gì cho đời không;” in sâu vào tiềm thức, trở thành một nỗi ám ảnh của Cường.

Bạn trẻ khiếm thị Lương Tuấn Cường và ước mơ làm cánh diều ngược gió ảnh 2Lương Tuấn Cường tham gia khiêu vũ thể thao. (Ảnh: PV/Vietnam+)

“Nơi mình sinh ra là vùng quê nghèo, mọi người có cái nhìn tiêu cực về người khuyết tật, khiến mình cũng bị ảnh hưởng, không nhận thức được đầy đủ giá trị của bản thân và cuộc sống của những người khuyết tật khác,” Cường tâm sự.

Không chỉ dừng lại ở những lời miệt thị, coi thường, Cường còn bị các bạn đồng trang lứa bắt nạt mà không thể phản kháng đến mức nhiều lần phải chuyển trường. Thế nhưng, với quan điểm “diều chỉ bay cao khi ngược chiều gió,” nghịch cảnh khiến Cường càng có động lực và lý do vươn lên.

Cuộc đời Cường như bước sang một trang mới sau khi bước chân vào cánh cổng đại học vì đó là lúc Cường bớt hoài nghi về bản thân, tìm được những người bạn mới biết cảm thông và khích lệ mình.

Bạn trẻ khiếm thị Lương Tuấn Cường và ước mơ làm cánh diều ngược gió ảnh 3Cường phát biểu trong một sự kiện về người khuyết tật. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Cường trở thành thành viên của Câu lạc bộ Hoa Đá, một “ngôi nhà chung” dành cho sinh viên khuyết tật của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn; rồi tham gia sinh hoạt trong Câu lạc bộ Thanh niên khuyết tật Quận Thanh Xuân; chương trình tập huấn của Quỹ Abilis (Tổ chức của người khuyết tật Phần Lan); hiện Cường cũng đang phụ trách mảng truyền thông cho Câu lạc bộ Khiêu vũ thể thao người khiếm thị (Solar Dance Club).

[Thiết bị tích hợp AI giúp người khiếm thị di chuyển dễ dàng]

Những hoạt động xã hội cứ vậy tiếp nối. Dần dần, kỹ năng giao tiếp và kinh nghiệm sống của Cường cũng ngày một dày dặn hơn.

“Mỗi dự án mình tham gia đều cho mình nhiều chiêm nghiệm và bài học quý giá. Thế nhưng hoạt động mà mình ấn tượng nhất có lẽ là chương trình Tập huấn lãnh đạo trẻ của Quỹ Abilis nhằm trang bị kỹ năng lãnh đạo, kỹ năng số cho người khuyết tật. Mình không chỉ học hỏi được kiến thức cho bản thân mà còn được truyền cảm hứng để giúp đỡ những người khuyết tật khác,” Cường chia sẻ.

Góp tiếng nói vì cộng đồng người khiếm thị

Mặc dù tham gia nhiều hoạt động xã hội, Cường vẫn luôn cân bằng tốt giữa việc học và hoạt động ngoại khóa. Chàng trai này hiện đang theo học ngành Công tác xã hội tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội. Ngành học hiện tại giúp bạn có thêm kiến thức về những chính sách để có thể giúp đỡ, hỗ trợ những người kém may mắn, đóng góp tiếng nói của mình cho cộng đồng người khuyết tật.

Hiện nay, điều Cường trăn trở nhất là làm sao nâng cao kỹ năng số cho người khiếm thị, đặc biệt là trong bối cảnh lừa đảo trên mạng đang diễn ra nhức nhối.

Mới đây, Cường tham gia chương trình “Tập huấn kỹ năng số cho người khiếm thị khu vực ASEAN” do Google bảo trợ. Chàng trai trẻ tự làm MC, dàn dựng sân khấu, lên chương trình, kết nối Ban tổ chức với Hội Người khiếm thị Quận Thanh Xuân để chương trình diễn ra thành công.

“Khi thấy mọi người học cách dùng điện thoại thông minh, sử dụng các ứng dụng dành riêng cho người khiếm thị, tham gia mạng xã hội và phòng tránh rủi ro, lừa đảo trên mạng, mình cảm thấy rất vui và tự hào,” Cường chia sẻ.

Cường luôn mong muốn cất lên tiếng nói vì cộng đồng người khiếm thị. Chính vì vậy, ở mỗi diễn đàn mà Cường có cơ hội tham gia, bạn trẻ này luôn tích cực tham luận, đặt câu hỏi, chia sẻ ý kiến. Không chỉ vậy, Cường còn tích cực tham gia mạng xã hội để tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho mọi người trong việc kỳ thị, bạo lực người khuyết tật.

Bạn trẻ khiếm thị Lương Tuấn Cường và ước mơ làm cánh diều ngược gió ảnh 4Cường luôn tích cực tham gia các hoạt động xã hội. (Ảnh: PV/Vietnam+)

“Kinh nghiệm và kiến thức không bao giờ là đủ. Có lẽ những điều mình chia sẻ có tính chuyên môn chưa cao nhưng mình không ngại trình bày. Mình vẫn đứng lên nói để mọi người biết rằng ít nhất là có một người khiếm thị đang ở đây và đang nói lên những suy nghĩ, mong muốn của cộng đồng người khuyết tật,” Cường bộc bạch.

Nhận xét về Lương Tuấn Cường, chị Phạm Thu Trang, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Thanh niên khuyết tật Quận Thanh Xuân cho hay chàng trai này luôn nhiệt tình tham gia các hoạt động, bất kể nắng mưa, lúc nào cũng thấy Cường tràn đầy năng lượng với nụ cười thường trực.

“Cường chủ động tư vấn, kết nối cho thành viên câu lạc bộ tham gia những chương trình rất thiết thực. Bất kỳ chương trình nào được phân công phụ trách, Cường gần như không bao giờ từ chối và hoàn thành tốt nhiệm vụ,” chị Trang cho biết.

Ngoài việc học và thời gian làm công tác xã hội, chàng trai nghị lực ấy còn tự kinh doanh để trang trải cuộc sống. Mô hình điểm kinh doanh gói cước dịch vụ viễn thông của Cường đã được Thành đoàn Hà Nội và Hội Người khuyết tật Hà Nội hỗ trợ sinh kế.

“Mình luôn muốn những người khuyết tật được hưởng những chính sách tốt hơn, nhận được cái nhìn thiện cảm hơn từ cộng đồng và chính bản thân họ có thể tự tin hơn, coi khiếm khuyết của mình như một đặc điểm chứ không phải rào cản,” Cường chia sẻ.

Do đó, bạn luôn lấy làm hạnh phúc và vinh dự khi được lan tỏa những giá trị tốt đẹp đến với những người có hoàn cảnh tương tự, góp phần xây dựng một cộng đồng những người khuyết tật sống có ích, đóng góp giá trị ngày càng nhiều cho xã hội./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục