Không chỉ Việt Nam, Trung Quốc cũng gặp vấn nạn 'kích điện bắt giun'

Các nhà hoạt động môi trường ở Trung Quốc đã cảnh báo về thảm họa sinh thái khi nhiều người dân nước này đang tận diệt giun đất bằng máy kích điện.
Không chỉ Việt Nam, Trung Quốc cũng gặp vấn nạn 'kích điện bắt giun' ảnh 1Các nhà hoạt động môi trường Trung Quốc đã cảnh báo về thảm họa sinh thái khi tận diệt giun đất. (Nguồn: Sohu)

Những tháng gần đây, tình trạng kích điện bắt giun đất để bán cho thương lái Trung Quốc rộ lên tại Hòa Bình, Bắc Giang, Lào Cai, Sơn La, Tuyên Quang, Bắc Giang...

Việc đánh bắt giun đất hàng loạt gây ra mối lo ngại lớn đối với môi trường đất.

Đặc biệt, thủ phủ cam Cao Phong, tỉnh Hòa Bình, đã trở thành điểm nóng của nạn kích giun. Đất vườn bị cày nát, cây cối bị phá khiến người nông dân hết sức lo lắng.

Giun bắt về được loại bỏ nội tạng, sấy khô và bán cho những đầu mối đưa sang Trung Quốc với giá khoảng 600.000 đồng một kg.

[PanNature đề nghị bỏ máy kích giun trên các hệ thống bán hàng online]

Mới đây, Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature) đã gửi thư kiến nghị tới 3 nền tảng mạng xã hội (Facebook, YouTube, TikTok) và 2 sàn thương mại điện tử (Shopee, Lazada), đề nghị các bên rà soát, loại bỏ sản phẩm máy kích giun trên toàn hệ thống bán hàng, góp phần ngăn chặn nguồn cung cấp công cụ/thiết bị khai thác giun theo hướng tận diệt.

Trên thực tế, kích điện bắt giun đất không phải vấn đề mới hay chỉ có ở Việt Nam. Các cơ quan quản lý Trung Quốc cũng đang "đau đầu" với vấn nạn này. Từ lâu, các nhà hoạt động môi trường ở nước này đã cảnh báo về thảm họa sinh thái khi tận diệt giun đất.

Giun đất được giá... lại dễ bắt

Tại Trung Quốc, giun đất được gọi là địa long. Chúng có hàm lượng protein cao và là thành phần quan trọng trong các bài thuốc Đông y, là nguyên liệu chính để sản xuất thuốc Lumbrokinase của Tây y.

Trong y học cổ truyền Trung Quốc, giun đất có tác dụng hạ huyết áp, điều hòa kinh nguyệt, lợi tiểu, chống ung thư, giảm ho, hen suyễn… Đồng thời, nó còn là vị thuốc tốt cho tim mạch và các bệnh về mạch máu não.

Tuy nhiên, giun đất đã trở nên hiếm hoi sau nhiều năm bị đánh bắt bằng kích điện. Ông Chen, một người dân ở Ngọc Lâm, Quảng Tây, nhớ lại: “Khi tôi còn nhỏ, giun đất ở khắp mọi nơi và thậm chí có rất nhiều dưới một hòn đá. Các đây 8, 9 năm khi máy kích điện mới được sử dụng để bắt giun đất, người dân có thể bắt được hàng trăm kg giun trong một ngày nhưng bây giờ họ chỉ bắt được khoảng 10kg. Giá thu mua giun đất khô cũng đã tăng vọt từ 40-50 nhân dân tệ/kg lên khoảng 230 nhân dân tệ/kg (gần 750.000 đồng/kg)."

Nạn “giun tặc” hoành hành khắp các vùng nông thôn ở Trung Quốc do có sự tiếp tay của các đối tượng rao bán thiết bị kích giun đất.

Trước đây, tại Trung Quốc, việc mua bán các thiết bị này công khai, tràn lan trên các mạng xã hội, ai cũng dễ dàng mua về để sử dụng.

Wei Ling, sống ở Bách Sắc, Khu tự trị Dân tộc Choang Quảng Tây, lắp đặt máy kích giun trên một bãi cỏ cao chưa tới đầu gối.

Anh ta nói rằng nên đặt máy ở những nơi có thảm thực vật tươi tốt. Điều chỉnh điện áp của máy kích giun, sau đó cắm các điện cực dương và âm vào đất, máy sẽ phát ra tiếng “rít.”

Anh ta bật máy trong vòng nửa phút đến một phút. Trong một video được đăng trên mạng, người xem có thể thấy chỉ trong vòng chưa đầy một phút, hàng chục con giun đất có chiều dài khác nhau chui ra từ đất. Sau đó, anh ta dùng tay nhặt những con giun đang quằn quại rồi ném chúng vào một chiếc xô nhựa màu xanh lá cây.

Không chỉ Việt Nam, Trung Quốc cũng gặp vấn nạn 'kích điện bắt giun' ảnh 2Trên mạng xã hội xuất hiện nhiều clip hướng dẫn cách sử dụng máy kích điện bắt giun. (Nguồn: Modaip)

Theo giới thiệu của người bán trên các sàn thương mại điện tử, máy kích giun gồm có 4 bộ phận: bộ biến tần, bộ nguồn, vỏ và chân nối đất. Nguyên lý làm việc của nó cực kỳ đơn giản: chỉ với 2 thanh sắt nối với máy kích bằng đường dây điện và cắm trực tiếp xuống đất, sau vài tiếng kêu “tít tít” phát ra từ máy xung điện, các loại giun to nhỏ dần ngoi lên trên mặt đất.

Đất sẽ ra sao khi không còn giun?

Giun đất có vai trò quan trọng trong hệ sinh thái, việc săn bắt số lượng lớn giun đất không chỉ dễ dẫn đến sự tuyệt chủng của loài này mà còn khiến đất không còn hoạt động, ảnh hưởng đến đời sống con người và sự phát triển của các loài động vật, thực vật khác.

Sự gia tăng nạn bẫy giun đất bằng điện dẫn đến sự tàn phá hệ sinh thái đất ở một số nơi: làm đất cứng lại, giảm khả năng tích trữ nước và phân bón, ngoài ra còn ảnh hưởng đến đa dạng sinh học.

Giun đất được mệnh danh là “kỹ sư đất” và là "thước đo sức khỏe của đất." Giun đất có thể làm tơi đất, phân hủy các chất ô nhiễm trong đất. Giun đất thường để lại phân giàu chất dinh dưỡng trong các hang đất của chúng. Đó chính là nguồn dinh dưỡng tuyệt vời cho cây sinh trưởng và phát triển.

Các chuyên gia nông nghiệp cho rằng khi đánh giá chất lượng đất, một trong những tiêu chí quan trọng là số lượng giun đất trên một mét vuông đất. Khi số lượng giun đất trên một mét vuông đất lớn hơn 50 có nghĩa là đất ở trạng thái khỏe mạnh; khi số lượng từ 20 đến 50 có nghĩa là đất đang ở trạng thái thoái hóa vừa phải. Nếu chỉ có từ 4 đến 20 con nghĩa là đất đang ở trạng thái thoái hóa.

Các chuyên gia nhận định việc giảm số lượng giun đất đã làm thay đổi điều kiện đất, dẫn đến suy thoái cấu trúc đất. Đất sẽ chai cứng lại, thông gió và thấm nước kém, giảm khả năng trữ nước và phân bón, ảnh hưởng đến chức năng hệ sinh thái.

Yu Fang, chuyên gia của Cơ quan Thẩm định Tư pháp về Thiệt hại Môi trường Quốc gia Trung Quốc, cho rằng tác động của việc bắt giun đất bằng điện đối với chuỗi thức ăn và sự đa dạng sinh học chủ yếu được phản ánh ở hai khía cạnh:

Thứ nhất, tác động trực tiếp đến số lượng các loài động vật trong đất và chuỗi thức ăn của chúng như rết, nhện, kiến...

Thứ hai, tác động gián tiếp đến đa dạng sinh học thông qua việc làm giảm chất dinh dưỡng và hoạt động của đất. Việc số lượng giun trong đất giảm đi sẽ cản trở sự phân hủy của hệ sinh thái, cản trở sự hình thành mùn và làm giảm hàm lượng các chất dinh dưỡng sẵn có, ảnh hưởng đến sự phát triển của thảm thực vật hoặc cây trồng địa phương, ảnh hưởng hơn nữa đến số lượng và sự đa dạng của các loài động vật ăn cỏ và chim.

Trung Quốc ứng phó như thế nào với nạn kích giun?

Việc tận diệt giun đất đang bị cả xã hội Trung Quốc lên án kịch liệt và tìm cách ngăn chặn. Các nhà hoạt động môi trường ở Trung Quốc đã nhiều lần lên tiếng cảnh báo về thảm họa sinh thái do vấn nạn kích giun gây ra.

Ngày 8/7/2020, Quỹ Phát triển Xanh và Bảo tồn Đa dạng Sinh học Trung Quốc đã đệ đơn kiện vì lợi ích công cộng đối với ba công ty sản xuất máy kích giun ở thành phố Trung Sơn, tỉnh Quảng Đông.

Quỹ trên nhận định rằng các doanh nghiệp này đã cung cấp cho người dùng cơ hội tiêu diệt giun đất, phá hủy sự cân bằng sinh thái của đất nơi giun đất sinh sống. Việc săn bắt giun đất quá mức cũng sẽ gây ra thiệt hại không thể khắc phục cho môi trường sinh thái. Hành vi của họ đã cấu thành tội xâm phạm môi trường.

Không chỉ Việt Nam, Trung Quốc cũng gặp vấn nạn 'kích điện bắt giun' ảnh 3Giun bắt về được loại bỏ nội tạng và sấy khô. (Nguồn: Sina)

Vào ngày 12/8/2021, Tòa án Nhân dân trung cấp ở Chu Hải, tỉnh Quảng Đông đã ra phán quyết rằng ba công ty phải bồi thường thiệt hại kinh tế khoảng 1,59 triệu nhân dân tệ (hơn 5 tỷ đồng), đồng thời đăng tải tuyên bố xin lỗi trên các phương tiện truyền thông quốc gia.

Sau đó, ngày 17/2/2022, Tòa án Nhân dân Cấp cao tỉnh Quảng Đông tuyên bố trong phiên sơ thẩm thứ hai rằng họ giữ nguyên phán quyết ban đầu. Đây là vụ án đầu tiên về máy kích điện bắt giun ở nước này.

Quỹ Phát triển Xanh và Bảo tồn Đa dạng Sinh học Trung Quốc đã thắng kiện ở Quảng Đông vì Điều 22 của "Quy chế Quản lý và Bảo vệ Động vật Hoang dã cấp tỉnh Quảng Đông" được thông qua năm 2020 quy định rõ ràng việc sử dụng sốc điện, bẫy điện tử và các công cụ khác để săn bắt động vật hoang dã đều bị cấm và không có đơn vị, cá nhân nào được sản xuất, bán các thiết bị trên. Đồng thời, quy định các loài động vật hoang dã trên cạn (ngoài động vật hoang dã được bảo vệ) cũng phải được quản lý theo quy định của quy chế này.

Cuối tháng Hai năm nay, Chính quyền Trung Quốc đã thể hiện sự quyết tâm trong cuộc đấu tranh chống nạn kích điện giun đất khi thông qua một văn kiện về việc cần "xử lý nghiêm" các hành vi hủy hoại đất đai như bẫy giun bằng điện.

Các nhà quản lý Trung Quốc cho rằng việc dùng kích điện để bắt giun đất là hình thức săn bắt tuyệt diệt, gây hủy hoại môi trường. Việc bảo vệ giun đất được coi là vấn đề “không thể trì hoãn."

Theo Luật Bảo vệ Động vật Hoang dã sửa đổi mới nhất của Trung Quốc, có hiệu lực từ ngày 1/5/2023, Trung Quốc cấm sử dụng các công cụ như sốc điện hoặc bẫy điện tử để săn bắt, đồng thời cấm các nền tảng trực tuyến cung cấp dịch vụ trưng bày, giao dịch và tiêu thụ các công cụ săn bắt trên.

Các biện pháp chống nạn kích điện giun đất tại Trung Quốc đã phát huy tác dụng.

Hiện tại, tất cả các nền tảng thương mại điện tử trực tuyến lớn của nước này đã dần loại bỏ các dụng cụ đánh bắt bằng điện như máy kích giun khỏi kệ hàng của họ.

Tuy nhiên, trên mạng xã hội, một số blogger vẫn đang dạy cách bắt giun đất bằng điện và một số tài khoản trực tuyến "xúi giục" người dân mua các thiết bị bất hợp pháp./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục